Những loài hoa gợi liên tưởng đến cái chết ở Nhật

Đại diện cho các loài hoa ở Nhật Bản, không chỉ được dân bản xứ yêu thích mà còn rất nổi tiếng với người nước ngoài là hoa Anh Đào. Khi mùa đông lạnh giá qua đi, tiết trời ấm dần lên, nền trời cũng chuyển từ màu xám xịt sang màu xanh trong. Nổi trên nền trời xanh đó là màu hồng nhạt rất đặc trưng của hoa Anh Đào Nhật Bản.

Hoa Anh Đào nở trước cả khi trổ lá, do đó có thể dễ dàng trải nghiệm toàn vẹn vẻ đẹp của hoa. Tuy nhiên dù đẹp nhưng du khách khó mà đoán trúng mùa hoa, bởi hoa chỉ nở trong thời gian rất ngắn, chưa kể cánh hoa mỏng manh dễ bị gió thổi bay mất.

Ảnh https://sasatto.jp/article/entry-529.html

Thế nhưng bên cạnh hình ảnh “trong veo”, loài hoa này còn có mặt trái u tối. Đây là loài hoa của cái chết. Trong các bộ phim về Samurai, khi có cảnh Seppuku (mổ bụng tự sát), hoa Anh Đào thường được sử dụng như background.

Cũng trong những bộ phim này, những đồng đội chiến đấu cùng nhau, khi lâm vào hoàn cảnh có thể mất mạng, họ hẹn gặp nhau tại 靖国の桜 (Gốc cây Anh Đào ở Yasukuni). Yasukuni là tên một ngôi Đền thuộc Tokyo. Đây là nơi chôn cất những người hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, nổi tiếng với gốc Anh Đào rất đẹp.

Tại sao lại như vậy, bởi lẽ cách người Nhật suy nghĩ về cái chết cũng tương tự như cách Hoa Anh Đào sớm nở chóng tàn. Người Nhật ai cũng muốn sống một cuộc đời toả sáng, sau đó chết trong tĩnh lặng và sạch sẽ. Khi đã định phải chết, ra đi trong thanh thản, không ôm chấp niệm khi sống sang thế giới bên kia. Đó là tâm niệm của các Samurai về cái chết. Chọn lựa cái chết không phải là phí phạm mạng sống, mà là cách để cuộc sống được toả sáng.

Có lẽ hơi khó hiểu nhưng đây là quan niệm về một cái chết đẹp ở Nhật.

Sự trong sạch được người Nhật coi trọng, không chỉ trong cái chết, mà trong tất cả mọi thứ. Nếu bản thân làm điều sai trái, ngay lập tức xin lỗi. Không được có ý nghĩ lừa gạt người khác để trục lợi.

Ngoài ra ở Nhật còn có những loài hoa được tin là gắn liền với cái chết.

Tsubaki – Hoa Trà

Tsubaki còn là tên một hãng dầu gội đầu rất nổi tiếng ở Nhật. Thực ra đó là tên một loài hoa rất lớn.

Ảnh https://gardenstory.jp/plants/38349

Không chỉ là một loài hoa xinh đẹp, tinh chất hoa rất tốt cho tóc, do đó được dùng để làm dầu gội đầu.

Tuy nhiên hoa Trà tàn theo cách rất đặc biệt. Thông thường các loài hoa sẽ rụng từng cánh, nhưng với hoa Trà sẽ rụng cả bông. Trước kia các Samurai rất ghét loài hoa này vì hình ảnh hoa rụng giống với đầu bị chặt. Một Samurai bị chặt đầu là khi để thua trận, thậm chí người này còn không có cơ hội được Seppuku. Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất.

Nhân tiện cho dù có Seppuku, ngay sau đó người bên cạnh sẽ chịu trách nhiệm chặt đầu kẻ thực hiện.

Otogirisou – Đệ Thiết Thảo

Ảnh https://m.baike.com/wiki/弟切草/21484433?baike_source=innerlink

Cái tên của loài cỏ này vô cùng đáng sợ, có nghĩa là chém chết em trai. Loài thảo mộc này xưa kia được dùng làm nguyên liệu để chế biến thuốc bí mật. Tên của nó bắt nguồn từ câu chuyện người anh trai đã chém chết em trai vì người này tiết lộ chuyện về bài thuốc bí mật này với người yêu của anh ta. Người yêu sau đó cũng bị giết.

Shiroi Kiku – Cúc trắng

Ảnh https://www.gojyokuru.net/syukatu/other/789/

Đây là loài hoa được sử dụng phổ biến trong tang lễ. Cũng giống như ở Việt Nam, người Nhật đã từng mặc trang phục màu trắng để tham dự tang lễ, có lẽ vì vậy mà loài Cúc trắng gắn liền với sự kiện này. Tuy nhiên gần đây, người Nhật muốn lễ tang thêm phần tráng lệ nên lựa chọn hoa có nhiều màu, ngoài ra màu sắc đại diện cho lễ tang cũng chuyển sang màu đen. Thay đổi này do ảnh hưởng của Kito giáo.

Higanbana – Hoa Bỉ Ngạn

Ảnh https://horti.jp/2459

O-higan là dịp diễn ra vào mùa hè, khi linh hồn tổ tiên tạm rời phần mộ của mình để về thăm nhà. Hoa Bỉ Ngạn nở đúng vào dịp này, nên được đặt tên là Higanbana, ngoài ra nhiều người cảm thấy khó chịu với hình dạng kỳ dị của loài hoa này.

Chính vì đặc tính sinh thái của nó mà hoa được đặt cho biệt danh không mấy tốt đẹp – Hoa của người chết. Đây là loài hoa sau khi nở lá mới mọc, quy trình ngược với lẽ tự nhiên.

Theo lẽ thường, lá mọc lên, dự trữ chất dinh dưỡng để ra hoa. Khi hoa tàn, lá cũng úa, một vòng đời kết thúc. Nếu so sánh với đời người, hoa Bỉ Ngạn gợi liên tưởng một người quay trở lại từ cõi chết. (Hoa Anh Đào cũng có vòng đời tương tự, hoa ra trước lá).

Thế nhưng khi người Nhật gán cho những loài hoa cảm giác về cái chết, nếu chúng có linh hồn, chúng sẽ cảm thấy như thế nào nhỉ?

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: