Cấu trúc “trứng-vỏ”, sự phân tầng độ cao từ thời Edo tạo nên một Tokyo độc đáo của ngày nay như thế nào?
Ấn tượng của nhiều người về Tokyo là đô thị với những toà nhà chọc trời, thế nhưng bạn có biết thành phố còn sở hữu cấu trúc hỗn độn dựa trên thiết kế cũ của thành Edo, và cảnh quan thay đổi dựa trên sự khác biệt về độ cao.
Ảnh https://grapee.jp/en/157529
Tokyo trải dài trên đồng bằng Musashino và vùng đồng bằng ven biển thấp hơn ở phía tây của Vịnh Tokyo. Phần phía đông của đồng bằng được gọi là Yamanote (vùng cao nguyên) và cao hơn dải đất chạy dọc theo bờ biển từ 10-20 mét.
Phía tây Shinjuku, đất đồng bằng khá bằng phẳng, nhưng khi bạn đi về hướng đông phía Vịnh Tokyo xuất hiện các con sông uốn khúc lần lượt là – Shakujii, Shibuya và Meguro – bắt đầu cắt các kênh vào đồng bằng. Bên cạnh các con sông, cũng có rất nhiều suối. Những con suối này tạo ra các lòng chảo, thường được bao quanh bởi các ngọn đồi ở ba mặt.
Địa hình gồ ghề ở rìa phía đông của Đồng bằng Musashino giải thích lý do tại sao có rất nhiều đồi và rãnh ở trung tâm Tokyo. Nó kết thúc ở một sườn núi, chạy từ Yanaka ở phía bắc đến Shinagawa ở phía nam. Phía đông sườn núi, vùng đất bằng phẳng như vịnh.
Ảnh https://grapee.jp/en/157529
Trong thời kỳ Edo, các lãnh chúa và Samurai phong kiến xây dựng nhà của họ trên vùng đất cao hơn và có những khu vườn được bố trí trên các sườn núi xung quanh thuộc tài sản của họ. Những người nông dân sống ở những vùng trũng và đồng bằng ven biển, giữa những cánh đồng nơi họ làm việc. Khi khu định cư xung quanh lâu đài Edo ngày càng phát triển, những khu vực trũng này trở thành những khu dân cư cho thường dân và thị dân. Khu đất thấp phía đông lâu đài được gọi là shitamachi 下町.
Bởi vì các bồn địa ở phía tây của lâu đài thường được bao bọc ba mặt bởi các vách đá, nên khó có thể di chuyển giữa vùng đất cao và vùng đất thấp. Điều này lại rất thuận lợi với các lãnh chúa và Samurai thời phong kiến, vì có thể tách biệt với cấp dưới. Họ xây dựng một vài con đường nối các khu phố của họ với vùng đất thấp, đó là lý do bạn thấy rất nhiều bậc thang bằng đá ở trung tâm thành phố Tokyo.
Vào thời Edo, các nghĩa trang có xu hướng nằm ở tầng đáy, điều này tạo nên ấn tượng về những bậc thang đá kết nối thế giới thần thánh của vùng cao với thế giới của shitamachi.
Ảnh https://grapee.jp/en/157529
Để tách biệt với dân thường, các Samurai đã xây dựng những cánh cổng cao bằng gỗ để ngăn cách giữa khu phố này với khu phố khác. Những cánh cổng này bị khóa vào ban đêm. Các khu dân cư ở shitamachi có nguy cơ bị ngập lụt cao, và vì những ngôi nhà được làm bằng gỗ và xếp sát nhau nên chúng cũng rất dễ xảy ra hỏa hoạn.
Bạn có thể cho rằng làm vậy quá khắc nghiệt, nhưng kết cấu này vừa thắt chặt sự gần gũi, vừa tạo đủ nguy cơ để cư dân thành Edo ở từng khu phố gắn kết chặt chẽ với nhau.
Khi thời kỳ phong kiến kết thúc vào năm 1868, chính phủ Minh Trị mới đã tịch thu các điền trang của các lãnh chúa phong kiến và tái sử dụng chúng thành các tổ chức chính phủ, công viên, khách sạn và đại sứ quán. Trong hàng trăm năm tiếp theo, các tổ chức và tập đoàn lớn với nhu cầu tìm kiếm đất màu mỡ, đã mua lại vùng đất từng thuộc về các Samurai trên vùng đất cao hơn.
Sự phân chia giữa vùng cao và vùng thấp, vùng cao và trung tâm thành phố, giàu và nghèo vẫn có thể được nhìn thấy trong bố cục của Tokyo ngày nay. Nhìn xuống một trong những lưu vực của trung tâm Tokyo, bạn sẽ thấy rằng các mảnh đất ở vùng dưới có xu hướng nhỏ hơn so với những mảnh đất bạn tìm thấy ở vùng cao hơn. Đó là vì đất ở vung dưới đã bị chia nhỏ vô số lần, các nhà phát triển bất động sản khó hợp nhất những mảnh đất nhỏ này thành những mảnh đất lớn hơn. Vì vậy, họ đã xây dựng một vài tòa nhà lớn ở vùng đất thấp và thay vào đó hướng sự chú ý đến vùng đất cao hơn.
Ảnh https://grapee.jp/en/157529
Do đó, các khu dân cư trên vùng cao hơn có xu hướng rộng rãi hơn, thương mại hơn và giàu có hơn, trong khi hầu hết machiya 町 屋 ở trung tâm Tokyo – những ngôi nhà phố nhỏ thường thấy ở hầu hết các khu dân cư – nằm trong các lưu vực hoặc xa hơn về phía đông ở shitamachi.
Cách bố trí của thành Edo cũng đã xác định bố cục của các con đường lớn nhất trong thành phố. Chúng có xu hướng chạy theo các đường gờ giữa các thung lũng. Những con đường này thường có các tòa nhà cao tầng bao quanh, tạo thành một lớp vỏ bọc ngoài khu dân cư thấp thoáng bên trong.
Đây được gọi là mô hình ‘trứng và vỏ’. Các khu dân cư thấp tầng – những quả trứng – được bao quanh bởi một lớp vỏ của các tòa nhà văn phòng cao tầng hướng ra những con phố lớn chạy quanh ranh giới của khu phố. Nhờ những ‘lớp vỏ’ bảo vệ này, vẫn tồn tại một Tokyo bình lặng với những người đi bộ hoặc đi xe đạp, khung cảnh yên bình đến đáng kinh ngạc.
Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhìn thấy dấu vết của Edo cũ ở Tokyo hiện đại. Sau thảm họa Đại động đất Kanto năm 1923 và vụ đánh bom thành phố Tokyo vào cuối Thế chiến thứ hai, những thay đổi lớn đã được thực hiện. Nhiều tuyến đường thủy nhỏ từng chạy qua thành phố thấp bị đống đổ nát do bom vùi lấp, nhiều lưu vực và rãnh ở trung tâm thành phố cũng bị san lấp để nhường chỗ cho các khu phố lớn hơn. Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi mạnh mẽ này, đối với cách bố trí của trung tâm Tokyo, đặc điểm cơ bản của các khu vực lân cận vẫn không thay đổi so với thời Edo.
Sacchan