Bản chất của Thần đạo – Tóm lại tôn giáo chính của người Nhật là gì vậy?

Kiến trúc Chùa ở Nhật chủ yếu được xây dựng bằng gỗ, còn các Đền thờ như một cái cây khổng lồ. Cả hai kiến trúc đều mang vẻ đẹp đặc trưng của Nhật Bản, thế nhưng bạn có phân biệt được お寺 (O-tera) – Chùa Phật giáo và 神社 (Jinja) – Đền Thần đạo không?

Một cách đơn giản, mỗi kiến trúc thể hiện đặc điểm tôn giáo khác biệt.

Chùa là kiến trúc Phật giáo
Đền là kiến trúc Thần đạo
Nhà thờ là kiến trúc Kito giáo

Lần này chúng ta sẽ tập trung vào kiến trúc Đền Jinja và Thần đạo.

Shinto (Thần đạo) là một tôn giáo độc đáo của Nhật Bản. Đầu tiên, tôn giáo này không có người sáng lập. Hiếm có tôn giáo nào lại không có người đứng đầu như vậy.

Thêm vào đó, Thần đạo cũng không có Kinh điển. Cả Phật giáo và Kito giáo đều có những bộ Kinh để truyền dạy giáo lý kinh điển, nhưng Thần đạo thì không.

Thần đạo quan niệm rằng Thần linh không có hình dạng cụ thể và “vạn vật hữu Thần”, có nghĩa là Thần tồn tại ở khắp nơi, từ núi, đá, lửa, nước,…
Thần đạo gọi đây là quan niệm về Yaoyorozu (tám triệu vị Thần) nhưng con số cũng chỉ mang nghĩa tượng trưng, ý nói có vô số vị Thần. Ngoài ra phong tục cầu nguyện với linh hồn tổ tiên là để thể hiện sự sùng bái thiên nhiên.

Người Nhật không học về Thần đạo, thế nhưng phong tục của Thần đạo gần như tràn ngập trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Thần đạo rất tách biệt so với những tôn giáo khác, cũng do sự gắn bó đặc biệt với thiên nhiên mà nhiều người Nhật không xem đây là một tôn giáo. Thay vào đó, Thần đạo như một phần không thể thiếu, một sự hiện diện đương nhiên trong tâm trí của mỗi người.

Về Phật giáo, tôn giáo này du nhập vào Nhật Bản trong thế kỷ thứ 6. Phản ứng của người Nhật khi tiếp nhận một tôn giáo mới rất đặc thù, một điều thú vị là người Nhật đã tìm cách để kết hợp Phật giáo và Thần đạo.

Thần đạo tập trung vào chế độ Thiên Hoàng. Vào ngày đầu năm, mọi người sẽ đến viếng Đền để cầu nguyện với Thần linh, nhưng đến khi chết lại đưa vào Chùa.

Có sự phân chia vai trò rõ ràng giữa hai tôn giáo. Dù không phải là tuyệt đối nhưng trong Thần đạo hiếm khi cử hành tang lễ.

Ảnh https://jbpress.ismedia.jp/articles/-/62063

Thần đạo căm ghét cái chết.
Bình thường trong Chùa cũng có những khu mộ, thế nhưng bạn sẽ không thể thấy mộ trong Đền Thần đạo. Bởi vì theo quan niệm Phật giáo, chết là đầu thai sang một thế giới khác, hoặc hành trình đến một nơi tốt đẹp hơn. Tuy nhiên trong Thần đạo, chết đồng nghĩa với ô uế.

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong Thần đạo là Thần mặt trời Amaterasu Omikami, được xem là tổ tiên của các đời Thiên hoàng bệ hạ. Thần đạo cho rằng tồn tại vùng đất của người chết, là vùng đất chìm trong bóng tối, nơi ánh sáng của Thần mặt trời không thể chiếu tới.

Theo cách nghĩ này, từ xa xưa, những ngôi Đền là nơi con người cầu nguyện, gửi gắm đến Thần linh, còn Chùa không chỉ đóng vai trò là kiến trúc tôn giáo, mà còn là nơi ghi chép về cuộc sống và cái chết của đời người.

Nếu Thần đạo ghét cái chết đến vậy, điều gì sẽ xảy ra với những người đã chết theo quan niệm Thần đạo. Thần đạo tin rằng nếu những người còn sống tiếp tục cầu nguyện, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, những người này có thể hoá thần trong 33 năm.

Có nghĩa là con người cũng có thể đứng trong hàng ngũ tám triệu vị Thần. Vị Thần đó sẽ ngụ tại một khu vực và hỗ trợ cho địa phương đó. Ví dụ tổ tiên hoá Thần sẽ ngụ trên núi, bảo vệ sự phát triển của con cháu. Đó cũng là lý do nhiều ngôi Đền được xây dựng trên sườn núi.

Khi thời đại Samurai qua đi, mở ra thời kỳ Minh Trị, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển quốc gia theo hướng lấy Thiên hoàng làm trung tâm, và yêu cầu phải bằng hoặc vượt hơn các quốc gia phương Tây.
Lúc đó, Thần đạo và Phật giáo khi đó đang kết hợp với nhau bị tách ra, bắt đầu xuất hiện đám tang theo kiểu Thần đạo.
Nghĩa trang đầu tiên của Thần đạo được bắt đầu vào năm 1872, tên Aoyama. Nghĩa trang này vẫn còn sót lại ở Tokyo.

Tuy nhiên phương pháp áp đặt chỉ tập trung vào duy nhất một tôn giáo là Thần đạo của Chính phủ không được lòng dân, cuối cùng Thần đạo lại một lần nữa được kết hợp cùng Phật giáo.
Thêm vào đó là sự xuất hiện của Kito giáo.

Do đó mới có chuyện viếng Đền Thần đạo vào đầu năm, lễ Obon viếng mộ tổ tiên theo kiểu Phật giáo và làm lễ cưới ở Nhà thờ. Chưa kể người Nhật cũng thích chơi Halloween, đón Giáng sinh hoành tráng với món gà rán KFC. Đến lúc chết lại được đưa về phần mộ ở Chùa.

Do sự pha trộn này mà nhiều người nước ngoài thắc mắc “Tôn giáo chính ở Nhật là gì?”.
Tuy kết hợp nhiều phong tục tôn giáo, nhưng về bản chất, tâm hồn người Nhật vẫn hướng về Thần đạo, với tấm lòng tri ân thiên nhiên và tổ tiên.

Dù không hoàn toàn phi tôn giáo, nhưng tôi cho rằng sự tự do phá cách trong quan niệm về tôn giáo của người Nhật rất độc đáo.

 

 

 

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: