Xu hướng hiến tặng tinh trùng trên Internet ngày càng tăng ở Nhật Bản

Bất chấp rủi ro, việc hiến tặng tinh trùng trên mạng đang ngày càng được ưa chuộng ở Nhật Bản.

Việc mua bán tinh trùng qua Internet thường đi kèm với những nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và các vấn đề về di truyền. Thế nhưng bất chấp rủi ro, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn tìm đến các dịch vụ này do những dịch vụ hiến tặng tinh trùng giảm đáng kể những năm gần đây. Việc thiếu các quy định pháp lý đối với người hiến tặng tinh trùng có thể dẫn đến nhiều rủi ro, hậu quả đáng tiếc suốt đời.

Ngày càng có nhiều nam giới cung cấp tinh trùng của họ thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên thông tin những người cung cấp có thể không hoàn toàn chính xác.

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã tìm thấy một người hiến tinh trùng tự xưng là tốt nghiệp Đại học Kyoto danh tiếng thông qua tài khoản trên Twitter.

Người phụ nữ này đã quyết định sử dụng tinh trùng của đối tượng, vì anh ta có cùng nhóm máu với chồng cô, ngoài ra cũng tốt nghiệp một trường Đại học quốc gia ở Tokyo.

Sau khi gặp người đàn ông và lấy được tinh trùng của anh ta, người phụ nữ mang thai vào mùa Hè năm 2019. Nhưng thông qua việc tiếp xúc với người hiến tặng, cô phát hiện anh ta chưa từng tốt nghiệp Đại học Kyoto. Trên thực tế anh ta là một cựu sinh viên đến từ Trung Quốc, theo học một trường Đại học quốc gia ở một vùng nông thôn của Nhật Bản.

Người phụ nữ lúc đó đã mang thai được 5 tháng nên việc phá thai rất khó khăn, cô sinh con vào tháng 2/2020.

”Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận tinh trùng nếu anh ta thành thật về lý lịch của mình”. Cô nói, ”Tôi tin rằng cần có chế tài dành cho những người hiến tặng không trung thực”.

Có rất nhiều người hiến tặng hay bán tinh trùng trên mạng xã hội cho biết, họ ngại tiết lộ thông tin cá nhân thật vì lo lắng một ngày đứa trẻ lớn lên và tìm đến mình.

“‘Tôi không bao giờ có ý định lừa dối, nhưng tôi không muốn tiết lộ thông tin cá nhân của mình vì sẽ rất rắc rối nếu đứa trẻ trong tương lai tìm hiểu về người cha thực sự’, một người hiến tặng tinh trùng cho biết.

Bên cạnh cá nhân mua bán tinh trùng qua mạng xã hội, chủ yếu là Twitter còn có dịch vụ khác cung cấp để kết nối các nhà tài trợ với cha mẹ.

Các tài khoản Twitter này cung cấp thông tin về đặc điểm thể chất của người hiến tặng cũng như nền tảng giáo dục của họ. Phần lớn đồng ý cung cấp tinh trùng miễn phí.

Một người hiến tặng tinh trùng ở độ tuổi 30, tốt nghiệp Đại học Keio ở Tokyo đã đồng ý phỏng vấn qua Internet. Anh cho biết lần đầu tiên hiến tinh trùng cách đây 3 năm cho một người bạn đồng tính nữ. Sau khi chứng kiến niềm hạnh phúc vì được làm mẹ của cô gái đầu tiên nhận tinh trùng từ mình, anh quyết định tiếp tục hiến tặng tinh trùng của mình miễn phí.

Anh cho biết hiện anh đã là cha ruột của nhiều đứa trẻ khác, đối tượng tìm đến anh đa phần là các cặp vợ chồng hiếm muộn, đồng tính hoặc phụ nữ độc thân muốn tự nuôi con.

Yoko Wakamatsu, một luật sư từng xử lý các trường hợp thiết lập mối quan hệ cha mẹ, con cái dựa trên thụ tinh nhân tạo đã chỉ ra những mối nguy hiểm của giao dịch tinh trùng giữa các cá nhân.

Tuy nhiên bất chấp những rủi ro, thị trường hiến tặng và mua bán tinh trùng trực tuyến đang càng phát triển.

Mamoru Tanaka, giáo sư sản khoa tại Bệnh viện Đại học Keio, người trước đây đã tiến hành thụ tinh nhân tạo cho người hiến tặng (AID) cho biết, việc hiến và nhận tinh trùng qua Internet luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và các vấn đề di truyền.

Wakamatsu cho biết: “Việc sử dụng mạng xã hội để mua bán tinh trùng sẽ ngày càng lan rộng nếu không có quy định pháp lý rõ ràng về việc hiến tặng tinh trùng bằng các phương tiện đó”.

Việc thiếu ngân hàng tinh trùng ở Nhật Bản cũng khiến một số người phải tìm ở thị trường nước ngoài, chẳng hạn như trường hợp của Rui Kakyoin, 35 tuổi, một hoạ sĩ truyện tranh xác định mình vô tính (không có ham muốn tình dục).

Rui Kakyoin đã từng cân nhắc việc nhận con nuôi nhưng cuối cùng quyết định sử dụng ngân hàng tinh trùng ở Hoa Kỳ cách đây 4 năm. Hiện người này đang xem xét một ngân hàng tinh trùng ở châu Âu với hy vọng sinh con thứ hai.

”Để bảo vệ quyền con người của trẻ em, Nhật Bản cần thiết lập một môi trường cho phép cung cấp tinh trùng từ người hiến tặng an toàn ngay lập tức”, Kakyoin nói.

Theo ”The ASAHI SHIMBUN”, có hơn 150 phụ nữ Nhật đã mua tinh trùng từ một ngân hàng tinh trùng lớn có trụ sở tại Đan Mạch.

Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ sinh ngày càng giảm và dân số già hoá, đã ngừng thảo luận về việc đặt ra các quy tắc cho việc mua bán tinh trùng.

Hạ viện mới đây bắt đầu xem xét một dự luật liên quan đến thuốc hỗ trợ sinh sản khi sử dụng tinh trùng và buồng trứng do các bên thứ 3 hiến tặng, nhưng đã không nhắc đến các giao dịch thương mại.

Bất chấp những rủi ro, việc sử dụng Internet để tìm tinh trùng hiến tặng tăng lên cùng với sự suy giảm số lượng các cơ sở y tế tiến hành AID.

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản, 3.790 trường hợp AID đã được xử lý trong năm 2017, dẫn đến sự ra đời của 115 trẻ sơ sinh.

Nhưng khi các phóng viên của Asahi liên hệ với 12 cơ sở y tế đã đăng ký thực hiện AID, chỉ có 7 cơ sở cho biết họ vẫn còn hoạt động. Bệnh viện Đại học Keio là một trong hai cơ sở không còn tiếp nhận bệnh nhân mới vào năm 2018.

Vào năm 2017, bệnh viện đã bổ sung thêm từ ngữ trong đơn đồng ý có chữ ký của người hiến tinh trùng, ghi nhận khả năng tòa án có thể ra lệnh tiết lộ tên người hiến tinh trùng trong các vụ kiện của trẻ em nhằm tìm kiếm danh tính cha ruột của chúng.

Điều đó khiến số người hiến tặng mới giảm mạnh vì lo ngại họ có thể phải chịu trách nhiệm về tài chính đối với những đứa trẻ được sinh ra thông qua việc hiến tinh trùng của họ.

Hơn nữa, AID ở Nhật Bản chỉ có thể được sử dụng bởi các cặp vợ chồng có chồng được chẩn đoán là vô sinh, có nghĩa là người đồng tính và phụ nữ độc thân không thể áp dụng.

 

 

 

 

 

AD
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: