Quan niệm quái dị của một bộ phận người Nhật về tiếng ồn – những thanh âm đáng yêu đang biến mất?
Người Nhật là dân tộc đặc biệt nhạy cảm với âm thanh. Một số âm thanh ở âm lượng vừa phải với người nước ngoài sẽ bị người Nhật đánh giá là ồn ào.
Ví dụ điển hình đó là việc nghe điện thoại ở phương tiện công cộng (tàu điện). Cho dù bạn trả lời điện thoại với âm lượng vừa phải, nhưng có thể người khác sẽ lườm khó chịu đấy.
Thêm nữa, cho dù có dùng tai nghe nhưng nếu mở âm lượng quá lớn để người bên cạnh nghe được sẽ có thể là nguyên nhân của một cuộc cãi vả.
Bản thân tôi cho rằng có nghe thấy cũng không phải chuyện gì quá lớn, không phải cũng khá hay nếu nghe được bản nhạc mà mình cũng có hứng thú sao. Còn nếu không phải gu cũng không sao, vì thực ra cũng không ồn ào mấy mà.
Nhưng không phải người Nhật nào cũng chung suy nghĩ với tôi đâu…
Ngoài ra cũng có một số người Nhật phàn nàn về tiếng chuông ở các trường tiểu học, hay tiếng trẻ em ở những trường mẫu giáo gần nơi họ sống.
Ngày càng có nhiều căn hộ được thiết kế đặc biệt sao cho âm thanh của nhà hàng xóm (trường hợp nhà riêng) hoặc nhà bên cạnh (căn hộ trong chung cư) không bị vọng đến.
Ví dụ, tiếng bước chân trên sàn của tầng trên sẽ cộng hưởng với tường của tầng dưới và truyền âm thanh đi, do đó họ thiết kế khoảng cách giữa tường và sàn là 1mm. Hoặc nếu ai đó khó chịu vì tiếng đường ống nước, bên trong đường ống người ta sẽ lắp đặt một trục khuỷu để giảm bớt động lượng của dòng nước. Thế nhưng nếu đứng từ góc độ của nước ngoài có thể sẽ thấy những phương án trên là không thực sự cần thiết.
Chưa kể nhiều người Nhật ngay cả khi ở nhà cũng cố gắng không giặt đồ bằng máy vào ban đêm, hạn chế đi lại, bật âm lượng TV ở mức tối thiểu để tránh làm ồn tới những căn hộ khác. Dù là ở nhà riêng vẫn phải giữ kẽ như vậy, liệu có thoải mái không?
Tuy nhiên những điều tôi định đề cập bên dưới đây mới là vấn đề thật sự.
Ảnh https://kuruma-news.jp/post/112541/2
Ở Nhật có một số tín hiệu giao thông bằng âm thanh dành riêng cho người mù. Quá trình lắp đặt đã được tiến hành từ năm 1976, và hiện tại có hơn 20,000 đơn vị được lắp đặt.
Các tín hiệu này vô cùng hữu dụng với người mù, âm thanh phát ra cũng êm ái. Vậy mà một số người sống ở khu vực gần đó phàn nàn rằng âm thanh này gây khó chịu, dẫn đến việc một số nơi ngừng phát tín hiệu.
Những người đưa ra lời khiếu nại có lẽ không phải là người khuyết tật, không có người thân là người khuyết tật. Thế nhưng một số người thậm chí đi xa hơn, họ khiếu nại ngừng sử dụng còi báo động với xe cấp cứu và xe tuần tra.
Điều gì đã khiến một bộ phận người Nhật trở nên như vậy? Trong khi đó, Tokyo mà tôi từng sống vào những năm 1970, 1980 thậm chí còn ngập trong tiếng ồn…Không chỉ tiếng ồn từ xe cộ mà còn tiếng ồn từ các công trường nhỏ trên khắp thành phố. Trong những căn hộ tiếng trẻ em cười đùa, la hét ầm ỹ. Ở trường học, những đứa trẻ tinh nghịch giải phóng hết âm lượng vào giờ ra chơi đến mức bị mời phụ huynh.
Từ khi nào mà một bộ phận người Nhật trở nên ích kỷ như vậy? Tôi cảm thấy họ cố gắng loại bỏ mọi tiếng động liên quan đến con người thay vì là tiếng ồn. Tiếng ồn ở đây không chỉ là âm thanh vượt ngưỡng nghe, mà ám chỉ âm thanh khiến ai đó khó chịu (vì lý do cá nhân).
Kết quả là, một số người đã phải sống cuộc sống vô cùng ngột ngạt, thậm chí một số thanh âm đáng yêu (như tín hiệu cho người mù) cũng bị hạn chế…
Đến khi nào thì Nhật Bản trở thành quốc gia không có âm thanh?
Kengo Abe