Heta-Uma – Điều gì làm nên nét hấp dẫn của nghệ thuật “vẽ xấu nhưng không xấu”

Heta-uma là một trào lưu Manga của Nhật Bản bắt đầu vào thập niên 1970 do tạp chí Garo khởi xướng. Heta-uma có thể được dịch là “xấu nhưng tốt”, chỉ một tác phẩm có hình thức kém hấp dẫn, nhưng không hiểu sao lại vô cùng thu hút.

Nó có thể là hình ảnh minh hoạ được tạo thành từ các ký tự, hay những biểu cảm khuôn mặt mà ngay cả trẻ em hay dân nghiệp dư cũng có thể vẽ.

Ảnh https://www.ilaught.com/news/soliloquence/honkihetauma

Nét hấp dẫn của Heta-Uma nằm ở đâu, trong khi có vô vàn những tác phẩm được trau chuốt, nét vẽ “hoành tráng” ở ngoài kia, những bức tranh chỉ nhìn thôi là đủ thốt lên rằng “tranh thế này con tôi cũng vẽ được” làm sao có thể cạnh tranh lại?

Để giải thích bí ẩn này, xin phép trích dẫn câu nói của danh hoạ Picasso, người mà không cần ở trong giới hội hoạ cũng có thể biết tên. Ông nói:

Tôi mất bốn năm để vẽ được như Raphael, nhưng mất cả cuộc đời để vẽ như đứa trẻ.

Tranh ảnh do con người vẽ nên cũng phản ánh đúng vòng đời của họ.

Giai đoạn 1: Thời khai sinh gọi là “tranh của trẻ con”

Ảnh https://ordinary.co.jp/fukaijiro/16846/

Những bức tranh được vẽ nên ở giai đoạn này thể hiện con người thật sự của đứa trẻ, tuy thô sơ nhưng lại nhiều tiềm năng, giống như đang giữ một kho báu mà bản thân chưa nhận biết được.

Giai đoạn 2: Thời kỳ nổi loạn được gọi là “heta heta”

Khi đứa trẻ bắt đầu tiếp xúc với xã hội và nỗ lực hình thành “cái tôi giả tạo”. Lúc này sẽ có những cá nhân cảm thấy hoang mang, lạc lối khi không biết bản ngã thật của mình là ở đâu. Cảm giác “Tôi không muốn trở thành người lớn, nhưng nếu không làm việc sẽ thua cuộc”.

Giai đoạn 3: Thời kỳ hoàn thành thích ứng gọi là “uma uma”

Khi “cái tôi giả tạo” đã có thể hoà quyện cùng “cái tôi thực”, là khi con người xã hội đã được hoàn thiện.

Thế nhưng cũng có một số người không thể hoà quyện mà chỉ kiềm nén “cái tôi thực” bên dưới “cái tôi giả tạo” khiến cho bản thân luôn ở trong trạng thái bức bối vì không thể sống thật với mình.

Ở giai đoạn này, con người chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi ý kiến từ những người xung quanh.

Giai đoạn 4: Thời kỳ cách mạng cá nhân gọi là “heta uma”

Đây là trận chiến tìm lại bản ngã, chọn đúng con đường, không còn quá đặt nặng cái nhìn của người khác, mà tập trung lắng nghe tiếng nói từ con tim.

Khi đó đa phần con người nghe theo “tiếng gọi tự nhiên”, cũng chính là cái thô sơ đã được mài giũa qua rất nhiều giai đoạn ở bước đầu tiên.

Rất nhiều người chỉ dừng lại ở giai đoạn 3, vì đây là giai đoạn hoàn thành hoàn thiện hoàn hảo. Nhưng khi đã đến được giai đoạn 4 và nhìn lại rất dễ có những cảm xúc sau đây: tác phẩm đẹp nhưng nhàm chán, chân thật đấy nhưng vô vị, hay đấy nhưng thiếu cá tính, cảm thấy thực dụng, gượng ép, tỏ vẻ.

Và khi đã đến giai đoạn 4, nhiều người sẽ tập trung theo đuổi con đường riêng và vượt qua được cảm xúc ghen tị với người khác.

Ảnh https://ordinary.co.jp/fukaijiro/16846/

Vậy thì ranh giới giữa vẽ xấu và heta-uma là gì?

Một tác phẩm dù có trau chuốt mấy mà không khiến người khác trăn trở, suy ngẫm, không thắng lại được dòng chảy của thời gian vẫn là xấu.

Ảnh https://ordinary.co.jp/fukaijiro/16846/

Trong khi heta-uma là một chặng đường xoay vòng, trở về cái nguyên sơ sau rất nhiều chiêm nghiệm, thể hiện được cá tính con người, khiến người xem đồng cảm, suy ngẫm, trăn trở và để lại ấn tượng lâu dài.

Cuối cùng, bạn đã bao giờ thử vẽ lại những bức tranh mà mình đã từng vẽ khi còn bé chưa nhỉ? Cảm xúc của bạn khi đó là gì?

Sacchan
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: