Sự cố từ việc mua sản phẩm giảm nửa giá ở siêu thị Nhật

Món hời của một người là gánh nặng của người khác.

Một trong những thú vui của nhân viên văn phòng Nhật tăng ca về muộn là ghé vào siêu thị và thưởng thức bữa tối có sẵn. Những suất ăn này thường chỉ còn 20-50% so với giá bình thường. Bởi lẽ gần thời gian đóng cửa, siêu thị Nhật phải tìm cách “thanh lý” những thực phẩm trong ngày. Việc giảm giá có lợi cho cả siêu thị lẫn người tiêu dùng.

Ảnh https://soranews24.com/2021/01/27/the-good-the-bad-and-the-ugly-of-half-price-stickers-at-japanese-supermarkets/

Tuy nhiên đó là trong trường hợp khách hàng văn minh.

Nhân viên siêu thị tại một vùng quê ở Nhật đã phải đau đầu trước tình huống không thể đoán trước liên quan đến các suất ăn giảm giá này.

Một nhân viên part-time 23 tuổi cho biết vào lúc 6 giờ chiều, cô dán nhãn giảm giá 20% cho một số thực phẩm như gà chiên, chả giò,…Sau đó, khoảng 7-7:45 tối, nhân viên này dán chồng nhãn còn nửa giá lên trên.

Một số khách hàng sẽ chờ ở đó cho đến khi nhãn khác được dán chồng lên mới mua hàng. Điều đó không ảnh hưởng đến ai. Thế nhưng một số khách hàng lại đến và yêu cầu cô nhân viên thực hiện hành động này sớm hơn thời gian dự kiến, với lý do “Tôi là khách quen”. Thậm chí một số người còn đe doạ cô nhân viên đưa cho họ nhãn giảm giá để họ có thể dán lên bất cứ sản phẩm nào mà họ muốn.

Yêu cầu này trái với quy định của siêu thị, thế nhưng với triết lý “khách hàng là thượng đế”, cô nhân viên vẫn đưa nhãn cho khách dán. Thực ra một vài lần cô ấy không đưa nhãn cho khách đã bị những vị khách này la hét và dựng cảnh quấy nhiễu.

Ảnh https://soranews24.com/2021/01/27/the-good-the-bad-and-the-ugly-of-half-price-stickers-at-japanese-supermarkets/

Câu chuyện của cô nhân viên này đã nhận được sự đồng cảm từ cả nhân viên siêu thị và cả các khách hàng khác. Không thể ngờ cô ấy có thể chịu đựng điều này trong thời gian dài như thế.

Dưới đây là một số bình luận:

– Cô nên dán nhãn lên trán họ ấy

– Họ mua những mặt hàng không giảm giá với giá giảm, tôi nghĩ rằng đây là hành vi cản trở kinh doanh

– Tôi thừa nhận là có lượn lờ ở khu vực giảm giá chờ nhân viên dán nhãn, nhưng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ cả.

– Ở siêu thị của chúng tôi, các nhân viên sẽ tập hợp lại và yêu cầu những người khách này ra ngoài. Sức mạnh của số đông đấy

Một số ý kiến chỉ ra rằng có thể nhiều người với mức lương tối thiểu không đủ sống đã phát sinh ra những hành vi thô lỗ như vậy.

Nhân viên ở trên cũng cho biết một số khách hàng yêu cầu nhãn dán nhưng rất lịch sự. Cô chỉ nêu vấn đề nhằm gợi ý người quản lý đưa ra biện pháp nào đó giảm bớt căng thẳng cho nhân viên liên quan đến việc dán nhãn cho sản phẩm giảm giá.

Hy vọng rằng sự kiện này không dẫn đến việc siêu thị cắt giảm hàng giảm giá, vì suy cho cùng, đó là một dịch vụ rất có lợi cho người tiêu dùng.

 

Sacchan
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: