Sự kiện Sakai, nơi cơn thịnh nộ của Samurai khiến người Pháp khiếp sợ

Theo bạn Samurai mạnh hay yếu?

Ở các nước phương Tây, khi súng trở thành vũ khí phổ biến, có những lời chế nhạo rằng Samurai vẫn sử dụng kiếm Nhật.

Hôm nay hãy để tôi giới thiệu một sự kiện mà Samurai khiến người Pháp phải khiếp sợ.

Sự kiện này được gọi là sự cố Sakai, xảy ra vào năm 1868, thời kỳ chuyển giao của các Samurai sang giai đoạn mới. Bối cảnh sự việc xảy ra giữa Samurai đang làm nhiệm vụ hộ tống và một nhóm người Pháp tự ý làm điều xấu.

Nguyên nhân đều bắt nguồn từ phía người Pháp.

Những người Pháp đã tự ý cập tàu vào cảng Nhật Bản mà không có giấy phép, sau đó lại hoành hành gây ra nhiều điều xấu xa. Chúng uống rượu, trêu chọc phụ nữ trẻ em, gây rối và đập phá khắp nơi.

Khi đó các Samurai hành động như cảnh sát, thuyết phục những người Pháp này quay lại tàu bằng ngôn ngữ cơ thể, thế nhưng phía bên kia hoàn toàn ngó lơ.
Thậm chí chúng bắt đầu chế giễu những Samurai này, vừa huýt sáo, nhảy nhót vừa gọi họ là “những con khỉ vàng”, tin rằng các Samurai không thể làm gì được chúng.

Các Samurai đến từ phiên Tosa của vùng Shikoku, một trong những người Pháp đã cướp cờ của phiên Tosa trên tay Samurai rồi bỏ chạy.
Hành động này đã đụng đến cơn thịnh nộ của Samurai, vì trên cờ có dấu ấn quan trọng của phiên. Không thể nhịn được nữa, Samurai này rút gươm chém chết người Pháp.
Sau đó cả hai cùng rút súng và lao vào một trận chiến kịch liệt. Cuối cùng, toàn bộ người Pháp đều bị giết.

Sự khởi đầu của nỗi sợ hãi.

Nếu chỉ dừng lại ở xung đột này cũng không có gì đáng nói, nhưng từ đây nỗi sợ mới bắt đầu.
Chính phủ Pháp muốn phía Nhật Bản chịu trách nhiệm. Yêu cầu của họ là
– Chính phủ Nhật Bản và đại diện của phiên Tosa phải gửi lời xin lỗi
– Hành quyết các Samurai có liên quan
– Bồi thườngg 150,000 đô la.

Khi đó Nhật Bản đang trong quá trình tái sinh, người Nhật không muốn dây dưa xung đột với Pháp. Ngoài ra họ cũng biết rằng mình không phải đối thủ của Pháp nên đã chấp nhận mọi điều kiện.

Chính phủ đã giải thích những lý do này với các Samurai và yêu cầu họ chết vì đất nước.
Toàn bộ 20 Samurai có liên quan đều chấp nhận.

Cơn thịnh nộ của Samurai

Vụ hành quyết sau đó được thực hiện trước sự chứng kiến ​​của công sứ Pháp. Khi đó Nhật Bản thi hành tử hình bằng cách chặt đầu, nhưng các Samurai yêu cầu nghi thức mổ bụng Seppuku. Vị công sứ kia cứ nghĩ họ sẽ bị xử bắn, thế nhưng chứng kiến cảnh Seppuku của 20 Samurai, ông ta đã bị nỗi kinh hoàng ám ảnh.

Người đầu tiên thực hiện nghi thức, trừng mắt nhìn ngài công sứ, nói:

“Vâng, ta sẽ chết, nhưng không phải vì nhà ngươi. Đó là vì đất nước của ta. Đây là kết thúc của Samurai. Hãy nhìn cho kỹ đi”.

Sau đó anh ta mổ bụng tự sát.

Người thứ hai không nói gì cả, chỉ trưng ra vẻ mặt khinh thường, nhìn chằm chằm vào công sứ, mỉm cười, sau đó mổ bụng.

Cứ như thế, từng người từng người một,…

Đến người thứ 10, có vẻ sự chịu đựng của công sứ Pháp đã đạt đến giới hạn, hắn hét lên:
“Dừng lại, dừng nghi thức này lại”.
Sau đó run rẩy đứng lên.

Thế nhưng phía Nhật không cho phép.
Seppuku không thể hoàn thành nếu không có nhân chứng. Bên Nhật buộc ngài công sứ kia phải ở lại chứng kiến toàn bộ nghi thức đến cuối cùng như đã thoả thuận.
Tuy nhiên người này không chịu đựng nổi nữa, hắn vừa bỏ chạy về tàu, vừa cầu xin những người còn lại dừng nghi thức.

Đương nhiên chuyện không thể kết thúc như thế.
Những Samurai chưa thực hiện nghi thức không hề cảm thấy họ đã được cứu. 10 người còn lại tiếp cận bên Pháp để tái thực hiện Seppuku. Họ cho rằng thật hèn nhát nếu còn sống trong khi 10 người kia đã hy sinh và cống hiến cho đất nước.

Người Pháp kinh hãi vì không thể lý giải hành động này. Từ đó, tin tức lan truyền toàn châu Âu rằng “Samurai là những kẻ điên”.

Nghi thức Seppuku thể hiện điều gì?

Sẽ không thể lý giải hành động của các Samurai kia nếu quan niệm Seppuku chỉ đơn thuần là hành vi đền tội.
Seppuku đối với Samurai, không phải hình phạt, mà là một cách thể hiện trách nhiệm của họ trước hành động mình đã làm.
Nếu Samurai phạm tội và bị bắt, anh ta không được Seppuku mà sẽ bị hành quyết bằng cách chặt đầu.

Một khi đã Seppuku có nghĩa rằng Samurai, với toàn bộ tính mạng và niềm tin mãnh liệt của mình, đứng ra chịu trách nhiệm, thể hiện khí phách và hào khí.

Tất nhiên không ai muốn chết một cách vô ích. Với họ, cái chết thể hiện tinh thần hy sinh vì quốc gia, bảo vệ tự tôn và sự thiêng liêng mà họ tôn sùng. Để bảo vệ một điều quý giá, dù sống hay chết cũng phải hiên ngang.

Người Nhật yêu mến hoa Anh Đào cũng vì lý do này. Đây là loài hoa thể hiện cái đẹp trong lý tưởng của Samurai. Cho dù những bông hoa sớm nở chóng tàn, nhưng sự tàn lụi của chúng vẫn đẹp đến nao lòng.

Bạn có nghĩa hành động này là “điên rồ” không?

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: