“Kusai meshi, kutte koi” – “Ăn cơm tù” ở Nhật là như thế nào?
Có một cụm từ thường xuất hiện trong các bộ phim về Yakuza mà có lẽ không trường lớp nào dạy bạn, đó là 臭い飯 (Kusai meshi). Nếu đặt trong câu thoại sẽ được dùng như sau:
おい、俺の代わりに臭い飯、喰ってこい。
(Oi, ore no kawarini kusai meshi, kutte koi.)
Nghĩa của 臭い飯 là “ăn cơm tù”, nói chung là vào tù.
Tôi cho rằng nhiều người có suy nghĩ dù bị bắt vì làm việc xấu, nhưng ít nhất cũng được ăn cơm đầy đủ bằng tiền thuế của người khác, chẳng phải cũng là một việc xa xỉ sao?
臭い飯 (kusai meshi) theo nghĩa đen là “cơm thối”, vậy cơm tù “thối” đến mức nào? Nếu bạn muốn trải nghiệm “cơm tù”, hãy đến địa điểm này…
Nhà tù Abashiri ở Hokkaido được sử dụng từ thời Minh Trị, và bây giờ tòa nhà cũ này có thể được tham quan như một bảo tàng. Bạn có thể ăn cơm tù ở đó.
Ảnh https://www.hotpepper.jp/mesitsu/entry/hadakadenkyu/16-00010
Trông cũng khá đủ chất đấy chứ…
Món chính là cá thu đao nướng muối ớt và củ cải bào, đi kèm với salad, củ cải daikon khô luộc và súp miso.
Thực đơn thay đổi theo ngày, có ngày là Cà ri, Hamburger, Ramen,… nhìn chung món nào trông cũng hấp dẫn.
Thế nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy màu cơm hơi lạ…
Đây là Mugimeshi, một loại gạo trộn có thành phần 70% gạo trắng và 30% lúa mì.
Ngày xưa, gạo trắng được coi là mặt hàng xa xỉ, do đó người dân chủ yếu sử dụng Mugimeshi, sau đó người ta mới chuyển sang dùng gạo trắng. Tuy nhiên Mugimeshi được cho là lựa chọn tốt hơn về cân bằng dinh dưỡng.
Khi ăn gạo trắng, lượng đường trong máu sẽ tăng lên ngay lập tức, nhưng với Mugimeshi, lượng đường không quá lớn, chưa kể còn hỗ trợ tiêu hoá nên dần được sử dụng phổ biến như một thực phẩm “xanh”. Trước đây người ta bán gạo trộn để giảm giá, thế nhưng ngày nay loại gạo này rất được quan tâm ưa chuộng bởi những người chú ý đến chế độ ăn uống vì sức khoẻ.
Dù là vậy, nghĩ về việc một cô gái tinh tế, luôn lựa chọn những sản phẩm “xanh” tốt cho sức khoẻ mà lại ăn Kusaimeshi (về bản chất chính là Mugimeshi), vẫn thấy có cái gì sai sai nhỉ…
Thế nhưng “cơm thối” này hoá ra lại không có mùi như cách gọi. Nếu không phải vì mùi của cơm, thì từ “thối” này từ đâu ra?
Ngày xưa gạo dùng để nấu cơm tù là gạo cũ (gạo để lâu, quá hạn) nên mới có từ Kusaimeshi. Nhưng ngày nay cơm tù không được nấu từ gạo cũ nữa.
Hiện tại, các bữa ăn trong tù được chuẩn bị với ngân sách 420 yên một ngày. Mức phí này không phải là xa xỉ, nhưng cũng không tệ.
Tuy nhiên, cơm tù không thực sự ngon đâu, chỉ tốt cho sức khoẻ thôi.
Bởi lẽ nếu tù nhân đau ốm sẽ gây nhiều phiền toái, khó khăn cho ban quản lý, do đó sức khoẻ được ưu tiên hàng đầu. Mà thức ăn tốt cho sức khoẻ thường nhạt nhẽo hơn rất nhiều so với Fastfood và Ramen đậm đà ở bên ngoài song sắt. Chính vì vậy mà điều đầu tiên tù nhân muốn làm sau khi ra tù là ăn một bữa đầy gia vị.
Không biết sống trong tù có sướng hơn ở ngoài không, nhưng nếu chỉ xét về chế độ dinh dưỡng, có lẽ là tốt cho sức khoẻ hơn đấy….
Kengo Abe