Người Nhật lịch sự đến mức đến con dấu còn biết cúi chào…

Con dấu (Hanko) là một biểu tượng truyền thống vẫn tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp hiện đại, dùng thay thế cho chữ ký. Không chỉ doanh nghiệp mà mỗi nhân viên cũng có con dấu cá nhân. Mỗi người sẽ đóng dấu vào tài liệu để chứng minh mình đã đọc hoặc thông qua, trước khi truyền xuống nhân viên các cấp dưới.

Dưới đây là một ví dụ về hanko được đóng trên một tài liệu, trong chuỗi từ Chủ tịch Công ty đến Giám đốc, Người quản lý và Người phụ trách (trái sang phải).

Ảnh Twitter @てとら@IT屋

Thông thường cần phải đóng Hanko sao cho chữ Kanji đứng thẳng vuông góc với mép giấy. Tuy nhiên, theo hình ảnh ở trên, các ký tự Kanji của những con dấu lệch dần đều. Đây không phải lỗi đóng dấu mà là một nguyên tắc khác gọi là Ojigi Ouin (お辞儀押印) – Đóng dấu cúi đầu theo nghi lễ.

Ojigi Ouin được thực hiện nhằm mục đích thể hiện sự tôn trọng đối với người đã đóng dấu trước, là người có vị thế cao hơn. Như ví dụ trên cho thấy, chỉ có con dấu của Chủ tịch công ty được đóng thẳng đứng. Mỗi con dấu về cơ bản đang “cúi đầu” trước cấp trên của mình, trong khi con dấu cuối cùng được đóng với góc nghiêng lớn nhất, cho thấy đây là người có vị trí thấp nhất trong chuỗi truyền văn bản này.

Ojigi Ouin không chỉ xuất hiện trên tài liệu giấy mà đã có mặt trong thế giới kỹ thuật số. Hiện tại xu hướng đang là làm việc tại nhà, tài liệu cần được đóng dấu Online trước khi chuyển về văn phòng. Do nhu cầu về Ojigi Ouin mà đã xuất hiện dịch vụ điện tử cho phép khách hàng đặt con dấu kỹ thuật với nhiều góc nghiêng khác nhau, để sử dụng trong nhiều trường hợp cần đóng dấu.

Ảnh Twitter @てとら@IT屋

Shachihata là một trong những nhà sản xuất con dấu hàng đầu của Nhật Bản. Họ muốn giữ truyền thống cúi đầu tồn tại ngay cả trong thế giới mạng. Trong ảnh trên, nút màu xanh lam cung cấp dịch vụ “con dấu nghiêng”. Tuy nhiên, thông qua bình luận của cư dân mạng Nhật Bản về bài Tweet, có lẽ khá nhiều nhân viên văn phòng không biết đến sự tồn tại của nguyên tắc này.

  • Tôi chưa từng đóng dấu như thế, nhưng nếu có dịch vụ hẳn là có nhu cầu.
  • Thay vì thế nên dùng con dấu dạng GIF, để con dấu thực sự cúi đầu ấy.
  • Tưởng đùa mà hình như là thật á…

Theo đề xuất của Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, Hanko sẽ có thể bị bãi bỏ trong môi trường văn phòng, chấm dứt văn hóa dập khuôn và loại bỏ hoàn toàn nhu cầu đóng dấu trong giới kinh doanh. Thế nhưng ý tưởng về một con dấu du lịch dạng GIF cũng khá thú vị đấy chứ…

Sacchan
Xem thêm: