Cố tình lắp trụ ngược để công trình được trường tồn và triết lý về sự hoàn hảo của người Nhật
Ở Nhật Bản có một nghệ thuật thưởng thức trà, được biết đến rộng rãi với cách gọi chung là Trà Đạo (Sadou). Hình thức này không hẳn là thưởng trà, chính xác hơn là “thưởng thức không gian uống trà”. Một trong những vật dụng quan trọng của Trà đạo là bộ ấm trà. Trong bài viết này, Japo sẽ phân tích kỹ vào chén uống trà.
Ấm chén làm bằng đất nung có thể bị nứt hoặc vỡ vụn. Tưởng chừng khi bị như vậy, chén trà sẽ mất đi giá trị, thế nhưng thực tế thì ngược lại.
Ảnh https://ja.wikipedia.org/wiki/金継ぎ
Hãy quan sát bức ảnh bên trên, các đường màu vàng trên chén trà chính là phần đã bị nứt và được sửa lại. Phần này được gọi là Kintsugi/kintsukuroi – kỹ thuật trám kim loại (ví dụ như vàng) vào vết nứt sao cho vừa sửa được chén bị vỡ vừa gia tăng giá trị thẩm mỹ.
Các đường trám tạo thành họa tiết trên thân chén, khiến cho chiếc chén uống trà còn đẹp hơn trước khi vỡ.
Kỹ thuật này phản ánh quan điểm độc đáo của người Nhật là Wabi và Sabi, hay vẻ đẹp từ sự không hoàn hảo. Những thứ hoàn hảo chỉ đơn thuần là vẻ ngoài, cái tinh túy nằm ở phần không hoàn hảo mà chỉ có thể cảm nhận từ sâu trong tâm hồn.
Những chén trà mới đương nhiên đẹp mắt, nhưng những chén trà đã được khắc sâu bằng lịch sử và chứa đầy suy nghĩ, tâm tư của người đi trước có giá trị không thể đo lường được. Sẽ thật thú vị khi vừa thưởng trà vừa suy ngẫm về cái đẹp của chúng.
Không chỉ giới hạn với chén trà, triết lý “không hoàn hảo” còn được áp dụng trên những đồ vật khác, hay thậm chí là công trình kiến trúc, ví dụ như cổng chạm khắc gỗ Yomeimon nằm ở Nikko Toshogu.
Ảnh https://www.jalan.net/kankou/spt_09206ae2180021247/
Sở dĩ có tên Yomeimon là bởi cổng được chạm khắc vô cùng kỹ lưỡng, nhiều chi tiết tinh tế đến mức trong lúc mải miết ngắm nhìn, mặt trời lặn lúc nào không biết. Tuy nhiên chiếc cổng này còn một điểm kỳ lạ khác.
Trong số 12 trụ, có một trụ được lắp ngược. Đây không phải nhầm lẫn mà trụ được đảo ngược một cách có chủ ý. (Không phải muốn bào chữa nên mới nói vậy đâu nhé).
Lý do là vì người xây dựng quan niệm rằng:
“Những thứ đã hoàn thành sau đó sẽ sụp đổ rồi biến mất
Những thứ chưa hoàn thành sẽ không thể sụp đổ cho đến lúc vẹn toàn.”
Theo quan niệm này, cố tình lắp ngược để đảm bảo cổng chưa hoàn thiện, qua đó bảo vệ công trình có thể trường tồn với thời gian.
Tương tự với ngôn ngữ.
Nếu chỉ nói “Aishiteru” thì ý nghĩa cũng chỉ dừng lại ở đó.
Người Nhật muốn đối phương hiểu rằng tình yêu của họ không thể diễn đạt được bằng lời, một tình yêu không đơn thuần chỉ là trao nhau lời yêu.
Có lẽ Nhật Bản chính là dân tộc khó hiểu nhất thế giới, nhưng hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu thêm một chút về họ.
Kengo Abe