Hai kỳ Thế vận hội, hai lần chống chọi với dịch bệnh và hồi ức của người trong cuộc

Hiện tại, Nhật Bản đang vừa phải chống chọi với dịch Covid-19, vừa đăng cai tổ chức Olympic. Điều này làm cho nhiều người liên tưởng tới sự kiện khá tương tự xảy ra trước khi Nhật Bản đăng cai Olympic năm 1964. Khi đó Nhật Bản đang phải đối diện với dịch tả.

Vào tháng 8 năm 1964, một thanh niên sống ở Chiba, phía đông Tokyo tử vong do bệnh tả. Sau đó dịch bùng phát trên diện rộng, khiến khu vực này bị cách ly, người dân xếp thành những hàng dài chờ tiêm vắc-xin.

Ảnh: Mainichi. Bức ảnh chụp ngày 27/8/1964. Người dân đang xếp hàng chờ tiêm Vắc-xin trước trung tâm y tế công cộng Komaji ở Tokyo. 

Bà Tei Murakami, 77 tuổi từng là nữ y tá chăm sóc bệnh nhân đã tả, năm đó hiện vẫn còn nhớ rất rõ sự kiện này. Bà chia sẻ: “Bệnh nhân bị tiêu chảy nặng và liên tục đi ngoài, phân có dạng như nước vo gạo. Tôi phải mang đến phòng kiểm tra và truyền dịch cho bệnh nhân. Tôi rất sợ nhưng cũng muốn giúp bệnh nhân cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn dù chỉ một chút.”

Bà kể về một thanh niên 23 tuổi được mang đến Bệnh viện Narashino quốc gia vào ngày 23/8/1964, khoảng 50 ngày trước khi sự kiện Olympic 1964 khai mạc. Lúc đó, bà Murakami 20 tuổi, đang là sinh viên của một trường y tá trực thuộc bệnh viện. Thanh niên này vô cùng tiều tụy và không thể nói chuyện. Tuy nhiên, cô y tá 20 tuổi vẫn cố gắng trò chuyện với anh và hỏi han tình trạng, cảm giác của anh.

Thế nhưng mặc dù được các bác sĩ nhiệt tình chữa trị, người thanh niên này đã qua đời vào sáng hôm sau. Bộ Y tế thông báo rằng anh ta mắc bệnh tả, địa phương nơi anh ta ở ngay lập tức được đặt trong tình trạng báo động cao độ. Lối vào khu vực được phong tỏa bằng biển báo và dây thừng, đồng thời thuốc khử trùng được phun khắp nơi bằng trực thăng. Khoảng 10000 người dân trong quận được tiến hành xét nghiệm phân và khoảng 300,000 người được tiêm Vắc-xin ở khu vực Tokyo.

Ảnh: Mainichi. Hình ảnh phong tỏa tại thành phố Narashino, tỉnh Chiba lúc bấy giờ. Phía xa là một chiếc trực thăng đang rải thuốc khử trùng. Ảnh chụp ngày 27/8/1964. 

Cô y tá Murakami sau khi tiếp xúc với nam bệnh nhân đã phải cách ly trong ký túc xá 1 tuần. “Ngày xưa bệnh tả được gọi là ‘Korori’ một thuật ngữ dùng để chỉ cái chết nhanh chóng, dịch bệnh thực sự đáng sợ. Vì tôi cũng có khả năng nhiễm bệnh nên tôi cẩn thận, tránh tiếp xúc với mọi người.” – Bà Murakami kể lại. 

Người ta nói rằng vi khuẩn yếu đi khi gặp axit, nên lúc đó Murakami đã ăn mận ngâm Umeboshi. Bà Murakami vẫn còn nhớ rất rõ tiếng phát ra từ trực thăng khử trùng và hình ảnh dòng người xếp hàng chờ tiêm. 

Hai ngày sau khi nam thanh niên mất, người ta phát hiện ra những người ở cùng nhà trọ đều bị bệnh tả, điều này khiến sự bất an lan rộng. Thế vận hội sắp được tổ chức lúc bấy giờ là một vấn đề lớn, ban tổ chức vô cùng đau đầu, phải cân nhắc lựa chọn trong nhiều phương án, chẳng hạn như tiêm chủng cho tất cả những bên liên quan đến Olympic. Hai tin tức liên tục được cập nhật trên báo chí thời đó là về Thế vận hội và bệnh tả, tương tự như những gì đang diễn ra trong các bản tin ngày nay. 

Mặc dù nguồn gốc của bệnh tả chưa được xác định nhưng sau đó các ca nhiễm đã không còn lây lan thêm. Vào ngày 1/9/1964, bộ y tế tuyên bố kết thúc dịch tả.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì chúng tôi đã có thể chào đón Thế vận hội một cách an toàn. Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, sự hỗn loạn sẽ khiến chúng tôi không thể tổ chức Olympic.” – Bà Murakami nhớ lại. 

Ảnh: Mainichi

Murakami trở thành y tá công cộng và tham gia hướng dẫn sức khỏe cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại một trung tâm y tế công cộng trong tỉnh. Sau khi trải qua dịch tả, bà Murakami có nhiều kinh nghiệm hơn. Bà nói: “Tôi đã học được tầm quan trọng của việc hợp tác với các tổ chức liên quan, bao gồm chính quyền thành phố và tỉnh ở giai đoạn đầu, cũng như cách chuyển tiếp thông tin.” Bà đã chứng kiến các bác sĩ và các quan chức hành chính trao đổi thông tin trong bệnh viện vào thời điểm đó. Bà nói rằng bà cảm thấy được tầm quan trọng của việc phản hồi nhanh chóng, ngay cả khi vẫn còn nhiều rối rắm. 

Đối với tình hình dịch bệnh hiện tại, mặc dù có quy mô khác, bà Murakami vẫn bày tỏ sự thất vọng đối với cách phản ứng của Chính phủ. “Nếu việc lây nghiễm trở nên nghiêm trọng hơn, chúng ta nên xem xét hoãn lại kỳ Thế vận hội, ngay cả khi nó đang diễn ra. Nhưng các vận động viên đã luyện tập rất chăm chỉ. Sự nỗ lực của họ mang lại cho chúng ta sự dũng cảm và hy vọng.” – Bà Murakami có nhiều cảm xúc trái ngược khi nói đến tình hình hiện tại. 

Có khá nhiều hạn chế đối với việc phòng chống dịch Covid-19 trong kỳ Olympic, nhiều người cổ vũ quá sung đã mở khẩu trang ra để lớn giọng khích lệ cho các vận động viên. Bà Murakami cảnh báo: “ Nếu tiếp tục tổ chức Thế vận hội, những người tham gia phải cố gắng không để lây lan bệnh dịch. Nhật Bản cần có các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn.” 

Bên cạnh đó, nữ y tá cũng kêu gọi mọi người tránh tụ tập nơi đông người và tiếp xúc gần, tăng cường khả năng miễn dịch và làm những việc mình có thể để dịch bệnh mau chóng kết thúc. Bà Murakami hy vọng Nhật Bản sẽ thật cẩn thận và sáng suốt trong việc tổ chức Olympic và hạn chế lây nhiễm dịch Covid-19 thật triệt để. 

LINH
Xem thêm: