Câu chuyện bằng ảnh gửi gắm khát vọng hòa bình của VĐV Olympic – nạn nhân bom nguyên tử – nhiếp ảnh gia Shizuo Takata

Shizuo Takata là vận động viên được mệnh danh “vua ném đĩa”. Anh đã sáu lần trở thành nhà vô địch của giải vô địch quốc gia Nhật Bản sau khi bước sang tuổi 18, và tiếp tục tiến đến tranh tài tại Thế vận hội Berlin 1936 ở tuổi 27.

Takata thi đấu tại Thế vận hội Berlin 1936.

Ảnh: japan-forward.com

Chín năm sau khi tham gia Olympic, cuộc đời Shizuo Takata thay đổi hoàn toàn khi trở thành nạn nhân của trái bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima. Sau vụ đánh bom, Takata bị nhiễm phóng xạ cấp tính và qua đời năm 54 tuổi.

May mắn trước đó, cựu VĐV này đã tìm thấy niềm an ủi với nhiếp ảnh và dần tạo được danh tiếng nhờ kỹ năng chụp ảnh.

Toshiaki Takata – cháu trai của cựu VĐV Shizuo Takata

Sau khi Thế vận hội năm nay kết thúc, cháu trai của Takata – ông Toshiaki 58 tuổi đã quyết định tổ chức triển lãm và chia sẻ những bức hình nghệ thuật của ông mình với thế giới.

Cuộc triển lãm được tổ chức tại Hiroshima – quê hương của Takata.

Mặc dù thua ở vòng sơ loại Thế vận hội Berlin, Takata vẫn được xem là một tay ném bóng nổi bật và được mời tham dự các trận giao hữu tổ chức trên khắp châu Âu.

Ảnh: hiroshimaforpeace.com

“Với chiều cao 173cm, ông tôi được xem là cao to ở Nhật. Tuy nhiên, ông lại tương đối thấp hơn so với vận động viên ở các quốc gia khác.” – ông Toshiaki nói.

“Hồi đó, các vận động viên tài năng thường học tại Tokyo, nhưng ông tôi lại ở lại Hiroshima. Ông ấy mất cha khi còn nhỏ, vì vậy có lẽ ông cảm thấy có trách nhiệm phải hỗ trợ gia đình mình”.

Sau khi nghỉ thi đấu, Takata làm thư ký cho chủ tịch của Chugoku Haiden, Công ty Điện lực Chugoku ngày nay.

Vào sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, Takata được một đồng nghiệp mời đi uống cà phê nhưng anh từ chối, nói rằng anh có việc bận.

Vài phút sau, quả bom nguyên tử phát nổ.

Văn phòng của Takata cách tâm của vụ nổ 680m, anh bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau khi trần nhà và tượng sập xuống. Cố bò ra ngoài, người bê bết máu, anh cảm thấy đau nhói ở vai và gân Achilles. Anh còn cố cứu một số đồng nghiệp khác bị kẹt giống mình.

Sau đó, Takata lập tức đi tìm Chizuko – con gái của mình đang đi học trong thành phố. Cô bé bị thương nặng ở đầu và mất sau 2 tuần ở tuổi 14. Con trai anh, Satoshi bị bỏng ở lưng.

Bức ảnh tên: Chizuko to Yujin (Chizuko và bạn thân) được chụp vào năm 1938.

Takata cũng có các triệu chứng nghiêm trọng do tiếp xúc với phóng xạ, bao gồm mệt mỏi cấp tính và buồn nôn. Trong tấn bi kịch, ký ức về kỳ Thế vận hội Berlin 9 năm trước đó đã giúp anh thoát khỏi nỗi tuyệt vọng.

Trong kỳ Thế vận hội Berlin, các nhà tổ chức đã phát máy ảnh để người tham gia có thể lưu giữ hình ảnh Thế vận hội. Hitler coi đây là cơ hội để quảng bá chính phủ và các lý tưởng của Đức Quốc xã dựa trên quyền lực tối cao về chủng tộc.

Sau khi nghỉ hưu, nhiếp ảnh nhanh chóng trở thành niềm đam mê của Takata, anh tiếp tục chụp ảnh gia đình, các ứng cử viên hàng đầu, cư dân địa phương và cảnh quan thành phố.

Năm 1954, sau khi dần hồi phục, anh bắt đầu chụp ảnh Hiroshima bằng một chiếc máy ảnh Leica mới. Cùng với con trai mình, anh chụp lại hình ảnh của những khu vực bị ảnh hưởng bởi bom.

Bức ảnh chụp một gia đình người Mỹ, đang cùng nhau đi bộ trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình, sau lưng của họ là Đài tưởng niệm Cenotaph dành riêng cho các nạn nhân bom nguyên tử. Bức ảnh được chụp vào năm 1958 – 13 năm sau vụ đánh bom cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, bức ảnh có tựa đề “Heiwa e no Michi” (Đường tới hòa bình).

Một bức ảnh của Shizuo Takata có tựa đề “Hy vọng” ghi lại cuộc sống hàng ngày sau chiến tranh của các nữ sinh trường trung học nữ Suzugamine ở Hiroshima (trường trung học phổ thông Hiroshima Kyoso ngày nay).

Trong bức ảnh này, anh để kèm lời nhắn “Tôi cũng đi lang thang, không biết phải làm gì, giống như con chó hoang vậy”.

Takata đã chụp hơn 1.400 bức ảnh ghi lại khoảnh khắc sống động của các thành viên câu lạc bộ điền kinh, một số bức ảnh đã được đăng trong loạt bài gồm 40 phần trên một tạp chí chuyên ngành.

Tác phẩm “Junbi Undo” (Khởi động) của anh, ghi lại sự năng động của một vận động viên đã giành được giải thưởng tại cuộc thi ảnh quốc tế được tổ chức cùng với Thế vận hội Rome 1960.

Bức ảnh: Tanoshii Bento (Bữa ăn vui vẻ) được chụp vào những năm cuối đời.

Vào năm 2018, theo một nghiên cứu của Mikiko Sone, giáo sư danh dự tại Đại học Thành phố Hiroshima và cũng là vận động viên Olympic một thời, Takata là vận động viên Olympic duy nhất trên thế giới trở thành Hibakusha (nạn nhân bom nguyên tử).

Mặc dù rất mong chờ Thế vận hội Tokyo 1964, song Takata đã không qua khỏi, sức khỏe anh dần trở nên tồi tệ. Thời gian chỉ nằm giường ngày càng nhiều, Takata qua đời sau một cơn nhồi máu não vào tháng 12 năm 1963, ngay trước Thế vận hội.

Kenkichi Oshima, người mang cờ Nhật Bản tại Thế vận hội Berlin, đã tham gia lễ rước vào cửa Thế vận hội Tokyo 1964 và bí mật mang một bức ảnh của Takata trong túi.

Toshiaki, cháu trai của anh chia sẻ: “Tôi cảm nhận được thông điệp của ông tôi, đặc biệt là trong bốn bức ảnh được chụp tại cùng một địa điểm với cùng một bố cục.”

Các nhân vât trong những bức ảnh giống nhau này bao gồm: cặp vợ chồng người Mỹ đang khoác tay nhau đi bộ cùng nụ cười trên môi; một phụ nữ Ấn Độ mặc Sari; một gia đình 5 người đến từ châu Âu; và người đàn ông châu Á một chân chống nạng.”

Cặp vợ chồng người Mỹ hạnh phúc trong bức ảnh

Takata từng mô tả cảm xúc đối với các tác phẩm của mình rằng: “Con người không xấu. Chiến tranh và bom nguyên tử mới là những thứ xấu xa. Tôi muốn nắm lấy bàn tay của mọi người trên khắp thế giới và cùng nhau tiến tới hòa bình.”

“Bất chấp những đau khổ và buồn bã, ông tôi đã cố gắng ghi lại hình ảnh về hy vọng và tương lai tươi sáng,…” Toshiaki nói. 

“Ngoài kia là một thế giới đầy khó khăn, nhưng tôi hy vọng rằng, ngay cả khi đang phải đối mặt với những thách thức, mọi người vẫn sẽ cảm thấy hy vọng và sự tích cực từ những bức ảnh của ông”.

Hiện triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Izumi ở Phường Nishi của Hiroshima, kéo dài đến ngày 29 tháng 8.

LINH
Xem thêm: