Anime đầy cảm xúc của SmartHR ghi dấu một thế kỷ làm việc ở Nhật Bản

“100 NĂM LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN”

Vào ngày 18 tháng 8 năm 2021, SmartHR Co., Ltd., công ty Nhật Bản chuyên về phần mềm quản lý nhân sự đã phát hành một Video xây dựng thương hiệu với tựa đề “100 NĂM LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN”.

Đoạn Video dài hai phút ghi lại những thay đổi trong văn hóa làm việc cũng như công việc của các nhân viên làm công ăn lương Nhật Bản trong suốt một thế kỷ từ những năm 1920, cũng là thời điểm mà từ サラリーマン (sararīman – nhân viên làm công ăn lương) được phổ biến cho đến những năm 2020.

Video được tạo ra hoàn toàn bằng hình ảnh động GIF pixel của nghệ sĩ Motocross Saito, kết hợp với âm nhạc đầy cảm xúc của nhạc sĩ, người mẫu kiêm diễn viên HIMI, con trai của ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản Chara và diễn viên nổi tiếng thế giới Tadanobu Asano. Phim do So Otsuki làm đạo diễn và được giám sát bởi Giáo sư Katsu Hara, một chuyên gia về lịch sử lao động Nhật Bản hiện đại, người đã đưa ra những tư vấn chi tiết cho hoạt ảnh GIF pixel, trong đó từng chi tiết của lịch sử Nhật Bản đã được khắc họa.

“100 NĂM LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN” được tạo ra như một phần của 働くの実験室  (仮) – có nghĩa là “phòng thí nghiệm công việc [tiêu đề dự kiến]”) của SmartHR, một dự án được thiết kế để thúc đẩy thảo luận trong xã hội về cách mọi người nên làm việc và hình mẫu công ty trong tương lai.

 

Những năm 1920: Sự ra đời của Sararīman

Khoảng 100 năm trước đây vào những năm 1920, một từ vựng mới đã ra đời ở Nhật Bản: sararīman. Sau khi Thế chiến I kết thúc vào năm 1919, cảnh quan công nghiệp nhanh chóng thay đổi trên toàn thế giới. Ở Nhật Bản, cũng như các nước khác, công việc văn phòng phát triển mạnh. Vào thời đó, văn phòng có bàn và ghế bằng gỗ, ngay cả điện thoại cũng được làm bằng gỗ. Trong một chi tiết thú vị đặc trưng cho Nhật Bản, đàn ông mặc quần áo kiểu phương Tây trong khi phụ nữ mặc trang phục truyền thống.

 

Những năm 1930: Sự trỗi dậy của phụ nữ trong lao động

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng sau Thế chiến I dẫn đến sự hình thành của nhiều việc làm mới, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Số lượng lao động nữ ngày càng tăng. Một trong những nghề có phụ nữ tham gia là tổng đài điện thoại. Công việc đòi hỏi lịch sự, hiểu biết và tế nhị. Khi nhu cầu sử dụng điện thoại tăng lên, các tổng đài điện thoại ngày càng lớn theo cả chiều ngang và chiều dọc. Nghề này tồn tại cho đến cuối những năm 1970, khi việc chuyển đổi đường dây điện thoại được tự động hóa.

Đầu những năm 1940: Làm việc trong chiến tranh

Trong Chiến tranh Thái Bình Dương, mọi người vẫn tiếp tục làm việc tại các công ty bất chấp môi trường khắc nghiệt. Vì nguồn cung khan hiếm, quần áo phải được đơn giản hóa. Vì vậy, chính phủ đã ban hành “Quy tắc trang phục quốc gia.” 国民服 – kokuminfuku (quốc phục) màu kaki trở thành trang phục tiêu chuẩn của nam giới. Hai năm sau khi Quy tắc trang phục quốc gia được ban hành, trang phục lao động truyền thống quần ống rộng gọi là もんぺ (monpe)  được chỉ định là trang phục tiêu chuẩn cho phụ nữ.

Tuy nhiên, một số người chống lại luật này và tiếp tục mặc vest, vì vậy ở các khu vực thành thị có thể thấy những người đi làm với nhiều phong cách khác nhau, bao gồm suit, váy một mảnh, kokuminfuku và monpe. Tấm biển phía sau trong Video mang khẩu hiệu của Chính phủ: “xa xỉ là kẻ thù.”

Cuối những năm 1940 đến đầu những năm 1950: Từ Chiến tranh đến Hòa bình

Cảnh quay miêu tả người đi làm trong thời kỳ chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình, tập trung vào đôi chân của người lao động. Cảnh đầu tiên thể hiện một người đàn ông buộc chân bằng vải, thường được binh lính sử dụng để bảo vệ phần bắp chân, đi trên đường vào cuối những năm 1940 trong khi cảnh tiếp theo cho thấy một người đi làm vào đầu những năm 1950.

Con đường đã được trải nhựa và người đàn ông không còn mặc kokuminfuku nữa. Quần âu công sở thời đó có đặc điểm là thiết kế dày hơn so với ngày nay. Ngoài ra, giày da trở thành thời trang tiêu chuẩn. Năm 1947, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Luật Tiêu chuẩn Lao động được ban hành để bảo vệ người lao động bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu về tiền lương, giờ làm việc, nghỉ phép và các điều kiện làm việc khác.

Những năm 1950: Chế độ làm việc trọn đời và hệ thống thâm niên bắt đầu phát triển

Nhật Bản trong những năm 1950 đang dần phục hồi sau thời kỳ hỗn loạn sau chiến tranh và bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Cảnh này phác họa không gian làm việc giữa mùa hè trong một công ty kiến trúc. Một nhân viên đang đổ mồ hôi và chăm chỉ thực hiện cuộc gọi bán hàng tại một văn phòng kinh doanh không có máy lạnh.

Bao quanh người đàn ông là một đống giấy tờ, một chiếc điện thoại màu đen, một chiếc bàn tính. Đồng nghiệp của anh ta vẫn đang châm thuốc lá ngay tại bàn làm việc. Background của khung cảnh trên là những chiếc mũ bảo hiểm thuộc loại được sử dụng tại các công trường xây dựng vào thời điểm đó. Chính trong thời kỳ này, hệ thống việc làm trọn đời, bao gồm việc làm lâu dài cho người lao động, thăng tiến dựa trên thâm niên, và trợ cấp hưu trí, đã bắt rễ trong xã hội Nhật Bản.

Những năm 1960: Những chuyến đi trong ngày từ Tokyo đến Osaka

Nhật Bản đang ở đỉnh cao của tốc độ tăng trưởng kinh tế vào những năm 1960. Tuyến tàu cao tốc Tokaido Shinkansen được mở vào thời điểm diễn ra Thế vận hội Tokyo, giảm thời gian di chuyển từ 12 giờ khứ hồi xuống còn 8 giờ, nhờ đó mà hành khách có thể thực hiện các chuyến đi trong ngày giữa Tokyo và Osaka.

Những người đàn ông trong cảnh này đang thư giãn trên một chuyến tàu đi Osaka, bên ngoài cửa sổ là núi Phú Sĩ trong khung cảnh mùa hè. Sự kiện tàu Apollo đáp lên Mặt trăng vào tháng 7 năm 1969 nằm trên trang nhất của tờ báo.

Những năm 1970: Lộ trình sáng tại nhà Ga Shinjuku

Vào những năm 1970, số lượng người sống ở Tokyo tăng lên đáng kể. Dân số Tokyo khoảng 3,5 triệu người vào năm 1945 đã tăng lên hơn 11 triệu người. Trong 50 năm, vấn đề quá tải phương tiện ở Tokyo trở nên tồi tệ hơn, một số tuyến chở hơn 300% sức chứa hành khách. Đỉnh điềm vào những năm 1970, các chuyến tàu được ví như “những con tàu sát nhân” và việc đi làm được ví như “địa ngục”. Nhân viên nhà ga thường phải đẩy hành khách vào. Những người đàn ông mặc trang phục và để kiểu tóc tương tự nhau.

Những năm 1980: Làm ca đêm và những nhân viên tham công tiếc việc

Cảnh quay tại một văn phòng vào những năm 1980. Đồng hồ cho biết đã hơn 2 giờ sáng nhưng một số nhân viên vẫn đang làm việc, trong khi những người khác đang ngủ. Vào thời điểm này, các chuyến tàu đã ngừng chạy, không thể bắt taxi về nhà vì quá đắt đỏ. Đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều cụm từ mô tả những người làm việc thêm giờ, chẳng hạn như 企業戦士 – kigyō senshi (chiến binh công ty), モーレツ社員 – mōretsu sha’in (nhân viên chăm chỉ hoặc người tham công tiếc việc) hay cụm từ 24時間働けますか? – nijūyojikan hatarakemasu ka (Bạn có thể làm việc 24 giờ một ngày không?) xuất hiện trong một quảng cáo nước tăng lực nổi tiếng.

Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy rằng người đàn ông đang sử dụng một bộ xử lý văn bản điện tử, dấu hiệu của thời thế thay đổi.

Những năm 1980: Đêm thứ sáu trong những ngày kinh tế bong bóng

Cảnh này mô tả thành phố về đêm trong thời điểm kinh tế bong bóng. Vào những ngày này, các sararīmen thường ra ngoài vào ban đêm để tiếp đãi khách hàng và 飲み二ケーション – nominication (từ ghép của 飲む-  nomu, nghĩa là “uống rượu” và giao tiếp) với đồng nghiệp và sếp của họ.

Vào đêm muộn, mọi người xếp hàng dài trên các con đường ở khu vực trung tâm thành phố, cố gắng đón Taxi. Ở phía trước bên trái, hai người phụ nữ đang mặc những chiếc váy một mảnh ôm sát cơ thể. ボディコン –  bodycon và ワンレン – wanren (kiểu tóc cắt lớp đồng nhất – không có layer) là mốt thời trang vào thời điểm đó. Người phụ nữ bên phải cầm một chiếc điện thoại di động, đây là dấu hiệu cho sự khởi đầu của văn hóa điện thoại di động. Khi mới ra mắt, những chiếc điện thoại này rất đắt và việc sở hữu một chiếc là biểu tượng của địa vị. Cũng vào khoảng thời gian này, thuật ngữ 花金 – hanakin (nghĩa đen, “ngày thứ sáu đầy hoa”) ra đời, ám chỉ việc vui chơi và uống rượu vào tối thứ Sáu. Hanakin là thời điểm đường phố đông đúc người qua lại và thành phố sôi động cho đến tận bình minh.

Những năm 1990 #1: Sự ra đời của máy nhắn tin

Máy nhắn tin, được gọi là ポケベル – pokeberu (nghĩa đen là “chuông bỏ túi”) ở Nhật Bản, ban đầu là một thiết bị đơn giản để thông báo cho người dùng về các cuộc gọi đến bằng âm thanh và cho phép người dùng gọi lại từ điện thoại công cộng. Sau đó nhiều chức năng được thêm vào và màn hình lớn hơn, có thể hiển thị các chữ cái và số, đồng thời việc gửi và nhận tin nhắn trở nên phổ biến. Số lượng người đăng ký máy nhắn tin vượt qua con số 10 triệu vào năm 1996. Trong bối cảnh kinh doanh, thiết bị được các nhân viên trong văn phòng sử dụng để liên lạc với đại diện bán hàng của đối tác.

Những năm 1990 #2: Văn phòng kỹ thuật số

Văn phòng với hàng đống giấy tờ dần nhường chỗ cho máy tính để bàn và điện thoại di động, được phân phát cho từng nhân viên. Đồng thời, với việc sửa đổi Luật Cơ hội việc làm bình đẳng, phụ nữ dần có vai trò tích cực hơn trong xã hội lao động. Trong cảnh này, chúng ta thấy một nhân viên nữ, mặc một bộ vest với miếng đệm vai lớn (dấu ấn thời trang vào đầu những năm 1990), yêu cầu người sếp nam của cô đóng dấu hanko vào một tài liệu. Mặc dù các văn phòng ngày càng kỹ thuật số, nhưng vẫn có nhiều công việc yêu cầu đóng dấu tay và fax (… thậm chí đến tận ngày nay).

Những năm 2010 #1: Digital Nomad – Những du mục kỹ thuật số

Với sự ra đời của mạng LAN và truyền thông dữ liệu di động tốc độ cao, cũng như phong cách làm việc linh hoạt, nhân viên văn phòng đã có thể làm việc trong quán cà phê, văn phòng cho thuê và những nơi khác ngoài văn phòng cố định. Vào năm 2019, Đạo luật Cải cách Nơi làm việc có hiệu lực, khiến các công ty bắt buộc phải cho phép nhân viên nghỉ phép hàng năm và áp đặt giới hạn thời gian làm thêm giờ để đối phó với sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động và đa dạng hóa phong cách làm việc.

Những năm 2010 #2: Giao tiếp qua Smartphone

Kể từ những năm 2000, giao tiếp trong thế giới kinh doanh thống trị bởi các cuộc gọi điện thoại và email. Trong những năm 2010, khi điện thoại thông minh và các ứng dụng liên lạc trở nên phổ biến hơn, các ứng dụng nhắn tin công việc và ứng dụng trò chuyện bắt đầu được sử dụng tại nơi làm việc. Các ứng dụng này vẫn đang được sử dụng tích cực như một phương tiện liên lạc nhanh chóng bất kể vị trí hoặc môi trường.

Những năm 2020 #1: Công việc văn phòng trong Đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 đã nhanh chóng thay đổi cách làm việc của con người. Trong cảnh này, chúng ta có thể thấy nhiều đổi mới để ngăn ngừa lây nhiễm trong văn phòng, chẳng hạn như đeo khẩu trang, bình xịt khử trùng trên bàn làm việc và các vách ngăn, ngăn cách nhân viên.

Đại dịch cũng đã thúc đẩy phong trào loại bỏ sử dụng con dấu hanko vật lý trong các quy trình kinh doanh và thúc đẩy những công việc không cần giấy tờ. Sự quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và vốn ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều công ty tận dụng cơ hội này để suy nghĩ lại cách thức hoạt động của họ, thay vì chỉ áp dụng các biện pháp tạm thời.

Những năm 2020 #2: Bình thường mới trong không gian làm việc

Cảnh cuối mô tả phổ biến của hình thức làm việc từ xa do hậu quả của đại dịch. Ngày nay, không có gì lạ khi làm việc tại nhà bằng các công cụ trò chuyện và họp Online. Trong cảnh này, người chồng đang ôm con nhỏ còn người vợ đang họp Video trong phòng khách. Khi ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà, giọng trẻ em và tiếng vật nuôi là những âm thanh sẽ xuất hiện trong các cuộc họp công ty, thu ngắn khoảng cách giữa công việc và cuộc sống gia đình. Vào tháng 6 năm 2021, Luật Nghỉ phép Chăm sóc Trẻ em và Chăm sóc Gia đình sửa đổi được ban hành, khuyến khích nam giới tham gia vào công việc chăm sóc con cái.

Dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn và hàng loạt các thay đổi, dự kiến thay đổi vẫn tiếp diễn trong tương lai gần. Hãy cùng chờ và dự đoán xu hướng làm việc tương lai.

Để biết thêm thông tin về dự án, vui lòng truy cập WEBSITE

Sacchan
Xem thêm: