“Karakuri Ningyō” – Búp bê thời Edo được xem là “ông tổ” của Robot thông minh ngày nay

Từ thời Edo, búp bê Karakuri Ningyo đã biết chuyển động nhờ động cơ đồng hồ được gắn bên trong. Đây được xem là khởi điểm cho sự phát triển của công nghệ robot thông minh ngày nay.

Những con búp bê được yêu thích

Những con búp bê cơ khí chạy bằng đồng hồ, được gọi là “Karakuri Ningyo”, xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603–1868).

Ảnh https://www.nippon.com/

Ban đầu chúng là những vật phẩm cao cấp dành cho các lãnh chúa phong kiến, được gọi là “Zashiki Karakuri” – loại búp bê nhỏ được sử dụng trong nhà. Tuy nhiên về sau Karakuri Ningyo phổ biến hơn, thường sử dụng trong các lễ hội.

Có lẽ loại búp bê cơ khí được biết đến nhiều nhất là “Chahakobi Ningyo” (búp bê phục vụ trà). Búp bê đứng ở tư thế sẵn sàng, cầm tách trà bằng cả 2 tay. Khi tách trà được đặt lên khay, búp bê sẽ cầm khay di chuyển đến chỗ của khách, sau đó quay trở lại với chủ.

Khi được kích hoạt, Chahakobi Ningyo có thể di chuyển chân và gật đầu lên xuống. Búp bê có một cơ chế đặc biệt mà qua đó, người chủ có thể ước lượng bằng mắt khoảng cách và lên lộ trình di chuyển cho búp bê.

Sự tồn tại của Chahakobi Ningyo không đơn thuần chỉ là máy móc, búp bê còn thể hiện những mặt rất con người vô cùng thú vị. Về lịch sử, sự tồn tại của búp bê đem lại sự giải trí và tương tác độc đáo giữa chủ nhà với khách.

Một số loại búp bê cơ khí nổi tiếng khác là “Dangaeri Ningyo”, (búp bê đi cầu thang), “Yumihiki Doji” (búp bê bắn cung), và ”Shinadama Ningyo” (búp bê pháp sư). Trong đó “Yumihiki Doji”, hay búp bê bắn cung được coi là đỉnh cao của nghệ thuật cơ khí thời Edo.

Búp bê bắn cung tọa lạc trên một giá đỡ cao khoảng 30cm, cầm cung tên và bắn vào mục tiêu. Nó lặp lại động tác này 4 lần. Cứ 10 lần mũi tên lại bắn trượt một lần. Bắn trượt không phải do lỗi kỹ thuật mà đã có chủ đích trước, nhằm tạo cho người xem cảm thấy hồi hộp, thích thú.

Tại bảo tàng dân gian Nhật Bản Kyoto ở Sangano có một số Temawashi Ningyo được trưng bày, đây là loại Zashiki Karakuri hoạt động dựa trên cơ chế giống như hộp nhạc.

Những con búp bê cơ khí này được xếp vào nhóm Zashiki Karakuri nhỏ, thường được sử dụng trong nhà.

Loại búp bê có kích thước như người thật được thiết kế cho các buổi biểu diễn phục vụ nghệ thuật sân khấu Noh, Kabuki và Bunraku.

Những con búp bê này được rất nhiều người ở mọi tầng lớp trong xã hội Edo yêu thích, từ các Daimyo và những thành viên của triều đình đến tầng lớp thương nhân, thậm chí cả thường dân.

Tuy nhiên, vào khoảng thời Minh Trị Duy Tân (1868) trở về sau, Karakuri Ningyo dần mất đi sự yêu thích do các thay đổi của xã hội.

Những năm gần đây đã chứng kiến sự hồi sinh của búp bê Zashiki Karakuri. Những câu chuyện về búp bê xuất hiện trên các tạp chí khoa học và các ấn phẩm khác, giúp thu hút sự quan tâm của một số người mới lần đầu tiên tiếp xúc.

Hanya Harumitsu, người đã tận tâm xây dựng và khôi phục lại những con búp bê cơ khí này, nhận thấy mối liên hệ cơ bản giữa búp bê thời Edo và công nghệ đương đại của Nhật Bản, ông giải thích:

“Cách sử dụng bánh răng và các kỹ thuật khác để điều khiển những con búp bê này, thêm vào đó là chuyển động của kim đồng hồ đều có điểm chung với cách mà chương trình máy tính lập trình để điều khiển robot hiện đại”.

Sau khi Nhật Bản đóng cửa với thế giới bên ngoài trong thời kỳ Edo, họ đã bắt đầu phát triển và hoàn thiện các công nghệ cơ khí cây nhà lá vườn của riêng mình, thông qua trí tưởng tượng và nghệ thuật, kỹ thuật của các thợ thủ công tài ba.

Karakuri Ningyo ra đời là sản phẩm của những kỹ thuật này. Búp bê phục vụ trà ban đầu là một trong nhiều búp bê cơ khí được chế tạo bởi thợ đồng hồ Takeda Kiyofusa ở thế kỷ XVII. Kỹ thuật mà ông Takeda Kiyofusa và những người cùng thời sử dụng đều là bí mật được bảo vệ chặt chẽ, là những bí ẩn cổ xưa chỉ truyền từ bậc thầy sang người học việc.

Nhiều bí mật trong đó đã được tiết lộ vào năm 1796 khi Hosokawa Hanzō, hay còn được gọi là “Karakuri Hanzō,” xuất bản cuốn sách Karakuri Zui. Đây được xem là văn bản đầu tiên của Nhật Bản về kỹ thuật cơ khí.

 

Không chỉ là búp bê…

Khuôn mặt biểu cảm và những chuyển động tự nhiên là đặc điểm nổi bật của Karakiri Ningyo. Những con búp bê này thể hiện sự tận tuỵ trong phục vụ, cho dù là mời trà hay thực hiện một số chức năng khác, như tấm gương phản chiếu cho tinh thần hiếu khách của người Nhật.

Karakuri Ningyo không đơn giản chỉ là những con búp bê có thể cử động một số bộ phận.

Khác với nhiều nơi xem búp bê là vật trang trí, ở Nhật Bản, búp bê nói chung hay Karakuri Ningyo được xem là vật linh thiêng, gắn liền với tôn giáo. Sau đó chúng mới được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Trái ngược với robot hiện đại cứng nhắc, lạnh lùng, Karakuri Ningyo với khuôn mặt hiền lành phúc hậu cùng sự phục vụ chu đáo, tận tình chính là khởi nguồn cho sợi dây liên kết giữa búp bê với con người trong văn hóa cổ xưa của người Nhật.

Ngày nay, Karakuri Ningyo lại một lần nữa được tái hiện với phiên bản hiện đại hơn. Đây là Zashiki Karakuri phiên bản mini để những người yêu thích văn hóa Nhật Bản có thể sở hữu cho riêng mình.

 

Với kích thước chỉ 13cm, bản sao thu nhỏ này nằm gọn trong lòng bàn tay. Chúng giống hệt phiên bản gốc của thế kỷ 17, được lập trình để di chuyển về phía trước, cúi đầu, dừng lại và quay trở lại.

Sử dụng cùng một cơ chế như trong bản gốc, Zashiki Karakuri thu nhỏ không cần pin để hoạt động. Các hướng dẫn lắp ráp khá dễ dàng được hướng dẫn chi tiết trong tờ giấy đi kèm, vì vậy ngay cả những người lần đầu với tiên tiếp xúc với lắp mô hình cũng có thể hoàn thành phần lắp ráp trong vòng vài phút.

Thuý Vân
Xem thêm: