Với số nợ khổng lồ, tương lai Kyoto mờ mịt, đứng trên bờ vực phá sản
Kyoto, thành phố của những ngôi Đền và những dãy phố cổ, nơi lưu giữ truyền thống được người Nhật hết mực giữ gìn và trân trọng. Tuy nhiên, hiện tại Kyoto đang có nguy cơ phá sản. Tổng số nợ của địa phương này là 850,000,000,000 Yên.
Trong số các thành phố chủ chốt thuộc Đô thị cấp quốc gia, Kyoto đang là thành phố có tình hình tồi tệ nhất.
Có lẽ nhiều người cho rằng thành phố chịu thiệt hại vì vắng khách du lịch do dịch Covid-19 và có thể hồi phục được khi dịch qua đi nhưng thực ra, vấn đề thâm hụt ngân sách đã xảy ra từ trước đại dịch.
Tại sao một thành phố đông khách du lịch như Kyoto lại bị thâm hụt ngân sách?
1/ Số lượng cư dân ngày càng giảm
Thu nhập của các thành phố trực thuộc tỉnh chủ yếu đến từ thuế cư trú. Càng có nhiều người và thu nhập của người dân càng cao thì tiền thuế càng lớn. Vì diện tích đất có hạn, con người phải sống tại chung cư, căn hộ,…thay vì mua đất cất nhà riêng. Để duy trì cảnh quan, Kyoto không thể xây thêm nhiều nhà cao tầng. Trong tình cảnh đó, giá đất của Kyoto có xu hướng tăng, buộc nhiều người không có điều kiện phải rời khỏi nơi đây.
Suy giảm dân số nông thôn là vấn đề phổ biến trên toàn nước Nhật, nhưng suy giảm dân số thành phố lại là một vấn đề hiếm gặp.
2/ Lỗ vốn vì xây tàu điện ngầm
Giống như các thành phố khác, Kyoto cũng có hệ thống tàu điện ngầm, nhưng hầu hết người dân không sử dụng tàu điện ngầm vì xe buýt thành phố rất tiện lợi.
Vì vậy, số tiền thành phố bỏ ra để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm vẫn chưa được thu hồi và hầu như không có cơ hội thu hồi. Hơn nữa, tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Nhật Bản bước vào thời kỳ kinh tế bong bóng.
3/ Đông sinh viên
Kyoto có 150,000 sinh viên, chiếm 10% dân số. Nhiều sinh viên đại học không có thu nhập nên không thể đóng thuế cư trú. Thành phố Kyoto chỉ có 43,1% người dân trả thuế cư trú, đây là mức thấp nhất trong số các thành phố thuộc đô thị cấp quốc gia.
4/ Không thể thu tiền từ Đền, Chùa
Ở Nhật Bản, các tổ chức tôn giáo không phải đóng thuế. Thành phố không thể thu thuế từ ngôi Chùa sinh lời nhất ở đây, kể cả từ các hoạt động buôn bán của Chùa, thay vào đó chỉ có thể thu thuế từ các cửa hàng lưu niệm.
5/ Có ít công ty, doanh nghiệp, tập đoàn
Vì các công trình đều có giới hạn về độ cao nên thành phố không có nhiều khách sạn lớn. Điều này khiến khách du lịch có xu hướng trú lại tại thành phố khác.
Thêm nữa, không thể xây nhà cao tầng đồng nghĩa với việc không xây được tòa nhà văn phòng (Office building), khó thu hút các doanh nghiệp ở Kyoto.
Vì Kyoto và Osaka nằm gần nhau, đặt văn phòng tại Osaka là lựa chọn hợp lý hơn. Những nơi có nhiều công ty, doanh nghiệp, công nhân viên sẽ sống tập trung ở gần đó, giúp địa phương thu được thuế doanh nghiệp và thuế cư trú. Hơn nữa, nếu có nhiều cư dân sinh sống, nhiều cửa hàng sẽ mọc lên.
Kyoto không thể xây dựng được hệ thống này.
Kết luận
Sự thâm hụt ngân sách của Kyoto đã vượt quá mức có thể tự phục hồi, không biết tương lai của thành phố sẽ đi về đâu?
Nếu bạn định ghé thăm Kyoto sau khi đại dịch qua đi, hãy cố gắng giúp thành phố này bằng cách mua đồ lưu niệm và thưởng thức các món ăn ngon ở đó nhé. Hy vọng chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ một Kyoto xinh đẹp lưu giữ truyền thống lâu đời của Nhật Bản.
Kengo Abe