Phân tích thất bại trong chính sách “Womenomics” của cựu Thủ tướng và tiếng nói từ những người trong cuộc

Có rất nhiều phụ nữ thông minh, có học thức ở Nhật Bản, những người được tin tưởng có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại. Nhưng với hệ thống tuyển dụng cứng nhắc của nước này và sự lãnh đạo do nam giới thống trị, đây vẫn là rào cản lớn, cản trở phụ nữ có những công việc được trả lương cao.

Các nhà phê bình cảnh báo rằng Nhật Bản có nguy cơ trở thành quốc gia của những bà nội trợ có bằng đại học.

Thời hạn Nhật Bản đề ra vào năm 2020 để thực hiện việc tăng số lượng phụ nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo đã lặng lẽ kết thúc vào cuối năm ngoái mà thậm chí không đạt được mục tiêu. Được biết đến với cái tên “Womenomics” và được công bố rầm rộ, chính sách của Shinzo Abe nhằm tạo ra một “Nhật Bản – nơi phụ nữ có thể tỏa sáng” phần lớn đã thất bại. Nguyên nhân không chỉ vì Covid-19.

Ngày nay, cứ 10 nam giới trong quốc hội mới có một phụ nữ, trong khi chưa đến 15% các vai trò cấp cao trong khu vực tư nhân do phụ nữ đảm nhiệm – chỉ đạt một nửa so với mục tiêu ban đầu vào năm 2020.

Cựu thủ tướng Abe vẫn tuyên bố chính sách này đã thành công: hiện có nhiều phụ nữ làm việc hơn.

Ảnh The Japan Times

Nhưng những người phụ nữ có trình độ học vấn cao này đang làm công việc gì?

Các nhà phê bình tin rằng chính sách của Abe không liên quan nhiều đến việc tạo ra thay đổi xã hội – cho phép phụ nữ thăng tiến trong công việc mà liên quan nhiều hơn đến nhu cầu cấp thiết do thiếu hụt lao động. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã giảm nhanh chóng kể từ những năm 1990.

Trong nhiều thập kỷ, khoảng 60% phụ nữ nghỉ việc được trả lương sau khi sinh con đầu lòng. Một người mẹ chăm sóc con cái toàn thời gian – vì thu nhập của chồng có thể nuôi cả gia đình – theo truyền thống được coi là một đặc ân. Nhưng khi chính sách của Abe được áp dụng, các bà mẹ chỉ bắt đầu quay trở lại làm việc khi thu nhập gia đình của họ giảm dần.

Theo số liệu của Chính phủ, chỉ 42,1% phụ nữ bỏ việc vào năm 2019, đẩy tỷ lệ tham gia thị trường lao động lên 70,9% đối với phụ nữ từ 15-64 tuổi, tăng lên 77,7% ở nhóm tuổi 25-44. Để hỗ trợ sự thay đổi này, Chính phủ đã phát động các chiến dịch để hạn chế phụ nữ ở nhà giữ trẻ. Các chính sách cũng gây áp lực, buộc các công ty lớn phải có ít nhất một nữ giám đốc điều hành, nhưng không có khuyến khích tài chính hoặc hình phạt nào nếu không thực hiện.

Do đó, nhiều phụ nữ bị mắc kẹt trong các công việc bán thời gian hoặc không có việc làm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thu nhập trung bình của phụ nữ Nhật Bản thấp hơn đàn ông 40%.

Trở lại làm việc

Hơn một nửa phụ nữ Nhật Bản tham gia lực lượng lao động có trình độ Đại học, gần như tương đương với nam giới. Nhưng một khi đã từ bỏ công việc toàn thời gian, những nguời này gần như không thể quay trở lại nghề nghiệp ban đầu sau thời gian nghỉ việc.

Yumiko Suzuki làm công việc tư vấn nghề nghiệp tại Warc Agent cho biết: “Nếu bạn muốn quay lại làm việc, bạn sẽ phải tìm việc ở một siêu thị – môi trường mà cả một sinh viên cũng có thể kiếm được công việc bán thời gian ở đó”.

Mười lăm năm trước, cô Suzuki cũng chọn từ bỏ công việc được trả lương và trở thành nội trợ – một quyết định mà cô đã đắn đo suy nghĩ rất lâu. Câu chuyện của cô ấy khá điển hình trong xã hội Nhật Bản. Sau Đại học, Suzuki làm việc chăm chỉ như các đồng nghiệp nam  – nghĩa là phải làm thêm giờ, thường xuyên bỏ lỡ chuyến tàu cuối cùng về nhà, chỉ để chứng tỏ bản thân.

Nhưng khi gặp chồng tương lai cũng làm cùng công ty, họ nhận ra rằng để có gia đình, một trong hai người sẽ phải từ bỏ sự nghiệp

Ngày nay, nhiều bà mẹ được lựa chọn làm việc theo thời gian ngắn hoặc thời gian linh hoạt. Điều này chưa có vào năm 2006, khi Suzuki quyết định bỏ việc. “Cả hai chúng tôi đều làm việc suốt ngày đêm. Chúng tôi biết rằng không thể bắt đầu một gia đình theo cách đó”.

Ảnh BBC

Sau bảy năm làm mẹ ở nhà nuôi hai con, Suzuki cố gắng tái gia nhập lực lượng lao động. Thật là một cú sốc khi cô nhận ra thời gian ở nhà bị coi là “khoảng trống” trong CV của cô. Cô ấy thậm chí không thể nhận được một cuộc phỏng vấn. Cuối cùng, cô phải đạt được ba chứng chỉ chuyên môn trước khi được mời làm việc toàn thời gian tại một công ty khởi nghiệp. Giờ đây, cô ấy đang giúp những phụ nữ khác khởi động lại sự nghiệp của họ.

Lỗ hỏng trong phương thức tuyển dụng và tư duy nghề nghiệp

Vấn đề nằm ở phương thức tuyển dụng cứng nhắc của Nhật Bản. Hệ thống việc làm trọn đời được tạo ra để tái thiết nền kinh tế sau Thế chiến thứ hai không phải là chuẩn mực chính xác, nhưng các công ty lớn vẫn tiếp tục tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp vào mỗi mùa Xuân và cung cấp cho họ một công việc suốt đời. Nếu bỏ lỡ điều này, có thể rất khó để xin việc khác vào năm sau.

Có bất kỳ khoảng trống nào trên CV cũng là lý do khiến bạn bị các công ty lớn phản đối, vì họ vẫn sử dụng hệ thống đánh giá dựa trên thâm niên.

Kathy Matsui, người đã đặt ra thuật ngữ Womenomics khi làm việc tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cho biết:

 “Đất nước đang thiếu nhân tài, toàn bộ hệ thống đánh giá đều dựa trên thời gian làm việc”.

Cô hy vọng một sự thay đổi lớn trong cách thức tuyển dụng. Cô tin tưởng những người lao động trẻ tuổi sẽ không lựa chọn làm việc cho các công ty nổi tiếng, nơi yêu cầu bạn phải “đợi 30 năm để trở thành quản lý”.

Thế giới khởi nghiệp mà cô tham gia sau khi rời Goldman Sachs để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có tên MPower Partners Fund, hoạt động rất khác biệt. “Các công ty mới này đang cố gắng khai thác nguồn nhân tài, không chỉ phụ nữ mà cả những người lao động lớn tuổi. Không có đủ người để làm những công việc cần phải làm, vì vậy nếu bạn từ chối thay đổi – bạn sẽ thua trong cuộc chiến giành nhân tài đó. “

Ảnh Savvy Japan

Cynthia Usui, giám đốc quốc gia của tập đoàn khách sạn LOF Hotel đồng ý với lập luận này. Công ty của cô hoạt động theo cách phi truyền thống, nghĩa là tích cực tuyển dụng các bà nội trợ, các bà mẹ đơn thân và những người gặp khó khăn để có được việc làm tại các công ty truyền thống.

Trong 17 năm, bản thân Usui là một nội trợ. Cô bắt đầu lại công việc ở tuổi 47 – và công việc đầu tiên của cô là ở căn tin trường học của con gái. Usui cho biết thêm: “Chính phủ chi rất nhiều tiền để đào tạo lại nam giới ở độ tuổi 50 và 60. Tôi muốn nói với họ (Chính phủ) rằng: bạn nên chi số tiền tương tự cho những phụ nữ làm nội trợ đang cố gắng trở lại làm việc.”

Đối với Kathy Matsui, cô cảm thấy khó chịu khi nhiều người không hiểu rằng Womenomics cũng có thể được thực hiện để đem lại hiệu quả tài chính tốt hơn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế cao hơn cho Nhật Bản.

“Mọi người vẫn coi chủ đề này nằm trong lĩnh vực nhân quyền hoặc bình đẳng, tất nhiên là vậy, nhưng đó không phải tất cả” cô nói thêm.

Sacchan
Xem thêm: