VR cho bạn – những người chưa từng “nếm mùi” động đất

Một giáo sư đại học Nhật Bản đã sử dụng VR để mô phỏng cảm giác trong các trận động đất mạnh.

Động đất là một phần của cuộc sống ở Nhật Bản. Những trận động đất ở nước này đã tồn tại hàng nghìn năm, người dân Nhật Bản đã quen sống chung với động đất, nhưng điều đó không có nghĩa thảm họa thiên nhiên này không còn đáng sợ với họ. 

Giáo sư Tomoki Itamiya của Đại học Công nghệ Aichi, chuyên thiết lập mô hình máy tính để mô phỏng các thảm họa thông qua VR, nhằm mục đích hạn chế thiệt hại thiên tai bằng cách nâng cao nhận thức trong việc chú ý đến đồ đạc xung quanh khi thảm họa xảy ra.

Trong đoạn clip dưới đây, Giáo sư Itamiya sử dụng dữ liệu của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản từ trận động đất ở Kumamoto năm 2016. Vào tháng 4 năm đó, Kumamoto đã phải hứng chịu một loạt trận động đất kinh hoàng lên tới 7,0 độ richter. Trận động đất ở Kumamoto năm 2016 khiến 273 người thiệt mạng và 2.809 người khác bị thương, hơn 44.000 nghìn người phải sơ tán. Thiệt hại không chỉ về người mà còn về của với quy mô lớn, nhiều công trình bị hư hại bao gồm Lâu đài Kumamoto – địa danh nổi tiếng của địa phương.

Các clip VR của Giáo sư Itamiya cho thấy trải nghiệm động đất kinh hoàng đến mức nào — và một lần nữa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú ý đến đồ đạc với những người ở các vùng dễ xảy ra động đất. Đoạn clip trên cho thấy ngay cả khi giá sách đã được cố định, sách trên giá vẫn có thể rơi rớt gây thiệt hại — tuy nhiên chắc chắn đỡ hơn nhiều khi cả giá sách cũng ập xuống như trường hợp đầu tiên.

Video bên dưới cho thấy cả nhà bếp và lớp học đều có thể là những nơi nguy hiểm khi có động đất.

Còn đây là mô hình được tạo ra thông qua dữ liệu Trận động đất Osaka 2018.

Trận động đất này tuy không mạnh bằng trận động đất ở Kumamoto hai năm trước đó, nhưng cũng khiến 4 người thiệt mạng, 15 người bị thương nặng và 419 người khác bị thương nhẹ.

Để tìm thêm các Video VR mô phỏng động đất khác, hãy theo dõi kênh YouTube của Giáo sư Itamiya.

Sacchan
Xem thêm: