Kira kira name – Hệ lụy từ những cái tên được đặt một cách bất cẩn

Trên thế giới có những ông bố bà mẹ thích đặt tên khó đọc hoặc có ý nghĩa lạ lùng cho con của họ. Trong tiếng Nhật có cụm từ “Kira kira nemu” (Kira kira name) dùng để chỉ những cái tên như vậy. Một số người đặt tên cho con nhưng sử dụng cách đọc khác so với cách đọc gốc của chữ Hán, ví dụ:

七音 → Doremi (どれみ – âm giai)

紗音瑠 → Chanel (thương hiệu nổi tiếng CHANEL)

誇愛羅 → Koala

波似衣 → Hanii (Honey)

玲央音 → Leon (nhân vật LEON trong bộ phim cùng tên)

海、海音 → Marin (Tiếng Anh là Marine)

Cột bên phải là cách đọc của những cái tên viết bằng chữ Hán bên trái. Cột chữ Hán bên trái không hề có ý nghĩa, chỉ là những chữ Hán có được ghép lại với nhau để ra được cái tên họ mong muốn theo âm.

Nếu không giải thích, ngay cả người Nhật cũng không thể nhìn những chữ Hán này mà đoán ra được tên.

Những đứa trẻ bị bố mẹ đặt tên kiểu “kira kira nemu” này cảm thấy xấu hổ và cuối cùng phải đổi tên lại.

Kiểu bố mẹ nào lại đặt tên như vậy cho con cái? Đa số những người xung quanh tôi cho rằng bố mẹ như thế không được nuôi dạy trong một môi trường tử tế. Cũng như họ, tôi nghĩ rằng hành động này thật vô tâm. Tất nhiên không phải ai cũng giống vậy nhưng đa phần là thế.

Cái tên không chỉ làm khó cho con cái của họ, mà cả những người liên quan như giáo viên, lễ tân bệnh viện, văn phòng chính phủ…cũng bị liên lụy.

Nếu họ không đọc được tên của bạn, họ sẽ không muốn gọi đến bạn.

“Vậy chẳng phải chúng ta nên giới hạn cách đọc của chữ Hán ngay từ đầu sao?” – Một cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề này đã xảy ra. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng người dân nên được quyền đặt tên theo ý của mình.

Đúng là nên tự do sáng tạo, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi.

Hãy thử đặt bản thân mình vào vị trí của những đứa trẻ bị đặt cho cái tên khó nghe như Kira kira name. Không phải rất đáng thương sao !

Tên của bạn được viết là Kotei (皇帝) nhưng cách đọc lại là Kaiser. Cả hai đều có nghĩa là hoàng đế nhưng Kaiser là tiếng Đức. Làm sao một người nhìn vào từ “hoàng đế” trong tiếng Nhật lại biết được rằng tên bạn thực chất phải đọc bằng tiếng Đức được… điều này không chỉ khiến giao tiếp thêm rườm rà mà còn khiến chủ nhân cái tên thấy xấu hổ.

“Keiser, ăn cơm cho đàng hoàng đi!”

Nếu tôi bị gọi như vậy, chắc chắn tôi sẽ không thích chút nào.

Bố tôi được sinh ra 70 năm trước và vô tình được đặt một cái tên kiểu “kirakiranemu” như vậy. Cách viết tên bố tôi là “悟”, thông thường, chữ Hán này đọc là “Satoru”.

Khi ông nội của tôi nộp giấy khai sinh cho chính phủ, họ đã hỏi ông cách đọc của chữ Hán này. Ông nội tôi đã đọc nhầm từ “Satoru” thành “Satoshi” vì vậy bố tôi tên là “Satoshi”.

Trước khi tốt nghiệp cấp 3, bố cần nộp hộ khẩu cho nơi làm việc, qua đó, ông ấy mới phát hiện ra tên mình đọc là “Satoshi”.

Vì vậy, khi chuyển đến Tokyo làm việc, bố tôi được gọi là “Satoshi”, trước đó bạn bè đều gọi ông là “Satoru”.

Trong đám tang của ông, có một đồng nghiệp đã gọi ông là “Satoshi” và khiến bạn cấp 3 của ông tức giận. Đây là một tình huống khó xử không đáng có.

Từ câu chuyện này của bố, tôi nghĩ rằng các phụ huynh nên thận trọng và đặt tên đàng hoàng cho con cái.

Kengo Abe
Xem thêm: