Tìm hiểu về hậu trường Olympic 2020 qua cuộc phỏng vấn với một nhiếp ảnh gia

Sinh ra và lớn lên ở vùng Occitanie phía tây nam nước Pháp, gần một thị trấn nhỏ có tên Figeac, mẹ là người Nhật và cha là người Anh / Pháp, Erika Sawauchi chuyển đến Vương quốc Anh để theo học tại Đại học Staffordshire ở Stoke-on-Trent để lấy bằng Cử nhân báo ảnh.

Cô hiện đang sống ở tỉnh Shizuoka và là một nhiếp ảnh gia thể thao tự do, cô chuyên chụp ảnh bộ môn cầu lông. Sawauchi làm việc cho hãng ảnh Badmintonphoto từ tháng 3 năm 2020.

Trong Thế vận hội Tokyo 2020, cô đảm nhận vai trò quản lý hình ảnh địa điểm. Địa điểm cô được chỉ định là Musashino Forest Sports Plaza ở Chofu, Tokyo. Đây là nơi tổ chức các trận đấu cầu lông cũng như các vòng đấu kiếm cho năm môn phối hợp hiện đại.

Savvy Tokyo đã phỏng vấn Sawauchi về vai trò của cô trong việc chụp ảnh tại Thế vận hội và mời cô chia sẻ về hậu trường Thế vận hội Tokyo 2020.

Bạn thích nhất điều gì trong vai trò của mình tại Thế vận hội?

Tôi thích làm việc nhóm với nhiều người khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, tôi vẫn luôn thích hoạt động solo hơn, hoặc ít nhất là không phụ thuộc quá nhiều vào người khác để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi giao tiếp và làm việc nhóm để tạo ra dòng chảy tin tức thuận lợi đến khắp nơi trên thế giới. Công việc cũng cho tôi một cái nhìn sâu sắc về môi trường trong công ty Nhật Bản vì đây là lần đầu tiên tôi làm việc toàn thời gian cho một công ty Nhật.

Ảnh của Sawauchi và một số nhiếp ảnh gia Indonesia. Họ thường có mặt tại địa điểm thi đấu cầu lông. Từ trái sang: Dita Alangkara, Erika Sawauchi, Mast Irham, Sigid Kurniawan.

Điều tuyệt nhất là tôi có cơ hội gặp gỡ với nhiều nhiếp ảnh gia thể thao, có những người đã vào nghề từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi cảm thấy mở mang tầm mắt khi được tham khảo góc nhìn từ phía họ, hỗ trợ cho họ làm việc một cách chuẩn xác. Tôi cũng được gặp đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau, chúng tôi giữ liên lạc và hy vọng có cơ hội gặp lại.

Khó khăn bạn gặp phải là gì?

Phần khó khăn nhất là giờ làm việc, đặc biệt là trong những ngày thi đấu. Các trận đấu diễn ra trong 10 ngày liên tục, chúng tôi làm việc từ 6 giờ sáng hoặc 7 giờ sáng cho đến 1 giờ sáng. Chúng tôi lặp đi lặp lại điều đó mỗi ngày trong hơn một tuần, chỉ có thể ngủ được hai đến ba tiếng mỗi đêm và sau đó phải hoạt động hết công suất vào ngày hôm sau.

Ảnh chụp nhóm Quản lý và Giám sát Trung tâm Thể thao tại Musashino Forest Sport Plaza.

Công việc rất căng thẳng, đặc biệt là trong những ngày trước khi Thế vận hội khai mạc, mọi thứ cần phải sẵn sàng. Không ai thực sự hình dung được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào vì đây là lần đầu tiên Olympic diễn ra trong đại dịch. Đặc biệt là đối với tôi vì đây là lần đầu tôi được tham gia một sự kiện lớn.

Một khó khăn khác với tôi là tiếng Nhật. Tiếng Nhật của tôi nằm trong khoảng cơ bản – trung cấp, tất cả các staff đều nói tiếng Nhật, chỉ có một số ít nói tiếng Anh. May mắn thay, người đại diện của tôi đã giúp phiên dịch. Tuy nhiên, công việc sẽ trôi chảy hơn nếu tôi giỏi tiếng Nhật.

Khó khăn cuối cùng chính là phải tuân theo các biện pháp phòng tránh virus Corona, điều này không dễ dàng gì vì có rất nhiều người ở khắp nơi cùng tụ hội về đây.

Hậu trường tại Thế vận hội khác như thế nào so với những gì chúng ta thấy trên TV?

Có rất nhiều điều diễn ra ở hậu trường mà người xem ở nhà không thể thấy được, chẳng hạn như số lượng người cần chuẩn bị cho một sự kiện lớn như vậy, số lượng kế hoạch, giải pháp và dự đoán về các vấn đề tiềm ẩn.

Ảnh của tất cả những staff tổ chức thi đấu Bóng bàn Paralympic tại Makuhari Messe, Chiba.

Các buổi lễ trao huy chương là một trong những sự kiện nổi bật đối với tôi. Bạn muốn buổi lễ diễn ra tốt đẹp nhưng đồng thời bạn chỉ có rất ít thời gian để hoàn thành mọi việc. Tôi là người phải chỉ đạo mọi thứ sau khi bài quốc ca ngừng lại.

Khán giả không biết được nhưng đằng sau máy quay có rất nhiều điều diễn ra và đôi khi mọi thứ trở nên khá hỗn loạn. May mắn thay, mọi thứ cuối cùng đều suôn sẻ.

Bạn có được giao lưu với các vận động viên nhiều không?

Không nhiều. Với tư cách là người quản lý hình ảnh, tôi phụ trách các buổi chụp ảnh lễ trao huy chương, tôi sẽ báo với các vận động viên khi nào tháo khẩu trang, khi nào đeo vào lại và ra hiệu cho họ đổi vị trí,..v…v..

“Biển báo” tháo / đeo khẩu trang dành cho VĐV

Chúng tôi phải giữ khoảng cách tối thiểu hai mét với các vận động viên. Tôi đã tham dự một số buổi tập của họ trước Thế vận hội và thấy họ tập luyện trên đấu trường chính.

Bạn cảm thấy thế nào khi tận mắt trải nghiệm Thế vận hội?

Lúc đầu, tôi không thể tin rằng mình sẽ góp mặt trong Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 và còn được tổ chức tại quê hương. Bất cứ ai quen tôi đều biết rằng ước mơ của tôi là được chụp ảnh tại Thế vận hội, tôi chỉ mới hoạt động chuyên nghiệp cách đây vài năm, tôi không hề mong đợi sẽ được tham gia vào kỳ Thế vận hội này. Vì vậy, được là một phần trong Olympic 2020 là cơ hội rất lớn với tôi.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến công việc tại Olympic?

Dịch có ảnh hưởng khá nhiều đến cách chúng tôi làm việc. Ví dụ, tôi phải nghiên cứu số lượng các vận động viên trên đấu trường và đảm bảo rằng không có nhiếp ảnh gia nào đến quá gần họ và các quan chức khác khi thay đổi các vị trí chụp ảnh.

Trước khi chào đón các phóng viên tới địa điểm, chúng tôi phải chuẩn bị trước các tấm kính tại các trạm và tính toán để VĐV có thể giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với các phóng viên. Do quy định về các biện pháp an toàn, có ít chỗ ngồi trong trung tâm truyền thông hơn. Các phóng viên phải đặt chỗ online trước một buổi để kiểm soát số lượng người đến địa điểm.

Quản lý sẽ phải chấp nhận hoặc từ chối nhiều phóng viên mỗi tối trước khi cuộc thi diễn ra.

Đáng tiếc thay, ngoài đôi Yuta Watanabe và Arisa Higashino, các vận động viên Nhật Bản ở 4 hạng mục còn lại đều không lọt vào các trận tranh huy chương. Vì vậy, trong ba ngày cuối cùng của cuộc thi, cả trung tâm truyền thông đều im ắng vì hầu hết các nhà báo Nhật Bản không đến nữa. Điều này khiến công việc dễ dàng hơn phần nào.

Những chiếc ghim mà Sawauchi đã thu thập trong Thế vận hội Olympic, từ các tổ chức và nhiếp ảnh gia khác nhau.

RIN
Xem thêm: