Oya-Gacha – Từ lóng tiếng Nhật này nghĩa là gì và ý nghĩa xã hội của nó
Từ này xuất phát từ máy đồ chơi con nhộng hay trò gacha của Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, Gacha là những loại máy bán trò chơi con nhộng, với món đồ bên trong ngẫu nhiên, rất phổ biến ở Nhật Bản. Chủ đề này không chỉ “tiến hóa” thành Video Game, mà còn có một từ lóng liên quan đó là “Oya-gacha”.
Oya trong tiếng Nhật có nghĩa là “bố mẹ”. Từ lóng này ý nói bạn không được phép chọn bố mẹ, cũng giống như bạn không thể biết mình sẽ nhận được gì với Game Gacha. Tất cả phụ thuộc vào vận may.
Ảnh https://www3.nhk.or.jp/news/html/20210924/k10013272271000.html
Quả nhiên không phải ai cũng có thể may mắn “Get” được vật phẩm hiếm hay mạnh với trò Gacha đầy may rủi. Và cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là một trò may mắn kích thước đời thật mà thôi, bắt đầu bằng gia đình mà chúng ta sinh ra.
Trên mạng xã hội và truyền hình Nhật Bản có khá nhiều tranh luận phản bác việc sử dụng từ lóng này. Ví dụ, trang web All About đã đặt câu hỏi liệu “oya-gacha” có mang tính thô lỗ hay thiếu tôn trọng không, vì từ này có thể khiến bọn trẻ có xu hướng đổ lỗi cho số phận khi thất bại trong cuộc sống, có nghĩa là chúng sẽ không nhận trách nhiệm mà sẽ quy về hoàn cảnh.
Tôi hư hỏng là bởi vì cha mẹ tôi là những người tồi tệ.
Những người khác tin rằng từ lóng này nhấn mạnh sự chênh lệch rõ ràng dựa trên sự giàu có và cơ hội.
Thế nhưng bạn có biết rằng cũng có một từ lóng khác ngược với Oya-gacha là ko-gacha. Ý nghĩa cũng tương tự thôi, con cái không có quyền chọn cha mẹ, cha mẹ cũng không có quyền chọn con cái.
Ảnh NHK
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, gánh nặng tài chính đè lên vai các bậc cha mẹ là rất lớn. Việc gửi trẻ đến các trường luyện thi vô cùng tốn kém, vốn được coi là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chúng được nhận vào các trường trung học và đại học hàng đầu. Ở Nhật Bản, những gia đình có thu nhập cao hơn có khả năng làm điều này tốt hơn. Nikkan Span báo cáo rằng hơn 60% sinh viên Đại học Tokyo đến từ những gia đình có thu nhập trung bình trên 9,5 triệu Yên.
Nhật Bản đa phần là tầng lớp trung lưu, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này thiếu sự khác biệt rõ ràng về giai cấp. Đây là một quốc gia có hệ thống xã hội phân tầng rõ nét – và thậm chí cả những tầng lớp “không thể chạm tới” vẫn bị phân biệt đối xử.
Những người thành công, đương nhiên cần nỗ lực hết mình, nhưng giàu có và cơ hội vẫn rất đậm chất thế hệ, và những người thắng cuộc trong trò “Oya-gacha” này lúc nào cũng lợi thế hơn.
Ảnh Diamond Online
Trong một bài báo trên Diamond Online, Hiroyuki Nishimura, người sáng lập 2ch và chủ sở hữu hiện tại của 4chan, đã chỉ ra rằng gần như mọi thứ trong cuộc sống đều là gacha. Trường học, công việc và hôn nhân,…tất cả đều có yếu tố may mắn. Cuộc đời vốn dĩ là một ván cược. Nghe thì đơn giản đấy nhưng không phải tất cả mọi người đều nhận ra điều này. “Về cơ bản, những người có hoàn cảnh tốt không thể hiện lòng biết ơn,” Hiroyuki Nishimura cho biết. Theo Nishimura, những người sinh ra trong các gia đình bình thường, sống cuộc sống bình thường và có thể mua những thứ bình thường, không cảm thấy như họ đã giành được oya-gacha tốt. Họ không thấy được may mắn của chính mình, họ không biết mình đang thắng hay đang thua trong trò chơi cuộc sống của chính họ.
Tiếp tục, Nishimura giải thích lý do từ “gacha” được sử dụng với tiền đề trung tâm là sự không hài lòng. Nếu cha mẹ của một đứa trẻ nghiện rượu, lừa đảo hoặc bạo lực, có thể nói đứa trẻ ấy đã nhận được một oya-gacha tồi tệ. “Vì thế, tôi nghĩ thật là kiêu ngạo khi những người may mắn có cuộc sống và gia đình bình thường lại sử dụng từ lóng oya-gacha”. Đối với Nishimura, chiến thắng oya-gacha không có nghĩa là trở thành người thuộc tầng lớp thượng lưu, mà là sống một cuộc sống bình thường.
Ảnh https://matomedane.jp/page/86033
“Câu hỏi này dành cho những người nhận ra rằng họ đã mất oya-gacha, họ sẽ sống kiểu gì?” Nishimura hỏi và nói thêm rằng anh ấy tin các trò chơi điện tử thú vị hơn khi ở hard-mode. Với Nishimura, lòng hiếu thảo khi thất bại trong trò Oya-gacha là không cần thiết, nhiều người bị bạo hành gia đình đã cắt đứt quan hệ với cha mẹ của họ. “Những người này cần tìm đến các tổ chức để được giúp đỡ và bắt đầu sống cho chính mình.”
Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, trước khi bạn ra đời, cha mẹ của bạn cũng từng có thời không phải là cha mẹ của bạn. Thế nhưng ngay từ thời điểm bạn ra đời, bạn đã là con của cha mẹ mình rồi. Với một “trò chơi” bạn không thể tránh được, đừng than thở nữa mà hãy học cách yêu thương và hướng tới tương lai. Kể cả những đứa trẻ có trải nghiệm tồi tệ với bố mẹ mình, chúng vẫn có thể tạo dựng gia đình mới, trở thành những người cha, người mẹ mà chúng ao ước.
Do đó đừng đổ thừa số phận hay những người xung quanh, vì ai cũng có quyền chủ động trong cuộc đời của mình.
Sacchan