Lý giải vì sao dư luận quốc tế lại quan tâm đến việc Thủ tướng Nhật Bản kế tiếp có đến viếng Đền Yasukuni?

Trận chiến chính trị để tìm ra Tân thủ tướng Nhật Bản đã đến hồi kết. Thế nhưng đa số người ngoại quốc bên cạnh theo dõi kết quả còn quan tâm hơn đến một vấn đề cụ thể:

“Khi trở thành Thủ tướng, người đó có đến viếng Đền Yasukuni không?”

Câu hỏi này không chỉ được đặt ra trong cuộc bầu cử lần này mà đã được nói đến rất nhiều lần trước đây. Có khoảng 85,000 ngôi Đền ở Nhật Bản, tính cả những ngôi Đền nhỏ, tổng cộng có hơn 100,000 ngôi Đền, nhưng chỉ có ngôi Đền Yasukuni này được nhắc đến nhiều nhất.

Bạn có biết điều gì đặc biệt về ngôi Đền này không?

Ngôi Đền Yasukuni nằm ở quận Chiyoda, thành phố Tokyo không phải là một kiến trúc cổ. Đền khai trương vào năm 1869, là địa điểm nổi tiếng để ngắm hoa Anh Đào tuyệt đẹp vào mùa Xuân.

Kể từ thời Samurai cho đến ngày nay, Nhật Bản đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Dưới sự chỉ đạo của Thiên hoàng Meiji, Hoàng đế của Nhật Bản vào thời điểm đó, ngôi Đền Yasukuni đã được xây nên nhằm tôn thờ những người lính tử chiến vì đất nước.

Với ý nghĩa đó, vì sao viếng thăm nơi đây lại là một vấn đề lớn? Lý do là vì một số người được chôn cất tại đây bị xem là tội phạm chiến tranh.

Dấu hoa Cúc trên tấm vải trắng trong bức ảnh Đền là quốc huy của Hoàng đế. Phía sau tấm vải là chính điện, nơi tôn thờ linh hồn của những người lính đã hy sinh vì quốc gia. Hiện có 2,466,000 người được thờ phụng tại Đền.

Tuy nhiên, trong số đó có 14 cái tên tiêu biểu thuộc danh sách những người khơi mào chiến tranh và phải chịu trách nhiệm cực kỳ nghiêm trọng. Một trong số đó là Thủ tướng Hideki Tojo.

Ảnh https://www.bbc.com/japanese/57479306

Trước sự kiện Thủ tướng – người đứng đầu Nhật Bản đến viếng Đền Yasukuni, dư luận quốc tế cho rằng đây là hành động cho thấy Nhật Bản sẽ quay trở lại “chủ nghĩa quân phiệt”. Đặc biệt, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia phản đối kịch liệt nhất. Vì có liên quan, ảnh hưởng đến quan hệ chính trị – ngoại giao, việc Thủ tướng – người đứng đầu quốc gia tiếp theo của Nhật Bản có viếng thăm Đền Yasukuni không, đương nhiên nhận được nhiều sự quan tâm.

Ranh giới giữa tội phạm và anh hùng chiến tranh rất mỏng manh. Dù là anh hùng hay tội phạm, trong chiến trận bạn vẫn phải giết rất nhiều người. Nếu bạn thắng, bạn là anh hùng, bạn thua, bạn là tội phạm.

Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông (thường được gọi là Tòa án Tokyo) là phiên tòa đã xét xử những tội phạm chiến tranh trong Thế chiến II. Phiên tòa xét xử này được tổ chức bởi Hoa Kỳ – nước đồng minh đang đóng quân tại Nhật Bản, thực chất chỉ mang tính hình thức. Họ đã kết án những người phạm tội mà không có bất kỳ sự cân nhắc nào.

Từ góc nhìn của quốc gia nạn nhân, những kẻ địch này đương nhiên là kẻ phạm tội.

Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ bị đô hộ nếu không tham chiến. Nếu nghĩ rằng mục đích chiến đấu của Nhật Bản là để chấm dứt sự thống trị của thực dân phương Tây trên toàn thế giới, tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể dễ dàng kết luận những kẻ bị đem ra xét xử này là đại diện của “cái ác”.

Tất nhiên, giết người, gây sách nhiễu, can thiệp đến quốc gia khác là sai trái. Thế nhưng thứ chúng ta nên căm ghét là hành động gây ra chiến tranh, không phải cá nhân. Một cá nhân dù giỏi đến đâu cũng không thể chiến đấu một mình. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không xem xét đến bối cảnh mà chỉ kết tội cá nhân, chiến tranh có thể xảy ra lần nữa.

Cá nhân tôi cho rằng việc thể hiện lòng biết ơn đến những người đã chiến đấu cho Nhật Bản là đúng, viếng thăm Đền Yasukuni không đồng nghĩa với sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt. Một số người có thể không nghĩ như vậy, nhưng họ cũng không nên chỉ trích người khác thờ cúng những người đã khuất.

Nhân tiện, bên trong Đền Yasukuni có một Bảo tàng tên là Yushukan.

Trong hình ảnh ở trên là những vũ khí đã được sử dụng trong chiến tranh. Thế nhưng bên cạnh đó, Bảo tàng còn lưu giữ một lá thư của thành viên thuộc đội cảm tử Kamikaze. Lá thư của một người lính trẻ gửi đến cha mẹ anh trước ngày lên máy bay lao vào kẻ địch. Ở đó còn chất chứa cảm xúc của người làm cha làm mẹ, thương tiếc cho đứa con trai đã hy sinh, đến xác cũng không thể tìm thấy. Triển lãm tại Đền Yasukuni là nơi chứa đầy những cảm xúc như vậy.

Như ở trên đã trình bày, tôi không nghĩ rằng Đền Yasukuni là biểu tượng phục hưng chủ nghĩa quân phiệt, mà là nơi lặng lẽ truyền đi lòng yêu nước và tinh thần phản đối chiến tranh của người Nhật thời hiện đại.

Kengo Abe
Xem thêm: