Tinh thần và thành tích đáng ngưỡng mộ của Sumo một tay

Sumo Terunofuji vừa mới giành chiến thắng trong giải đấu Yokozuma mùa thu này. Việc vươn lên đỉnh cao thế giới Sumo sau khi bị rớt xuống giải Jonidan hạng 5 của Terunofuji làm cho người hâm mộ cảm thấy vô cùng tự hào. Một vận động viên khác, người đã truyền nhiều cảm hứng cho Terunofuji cũng dần nhận được sự công nhận.

Anh ấy tên là Yoshiki Fuse, 47 tuổi, đã tham gia vào bộ môn này khoảng 30 năm trước. Terunofuji chia sẻ về Fuse rằng: “Trong một bộ phim tài liệu cũ, tôi đã thấy một người đàn ông Sumo đấu vật chỉ bằng một cánh tay. Chứng kiến anh ấy thi đấu hết sức khiến tôi cũng muốn cố gắng hết sức mình.”

Ngoài chấn thương ở cả hai đầu gối khiến thành tích của anh sa sút, Terunofuji còn mắc bệnh tiểu đường loại 2 và viêm gan, đồng thời phải đối mặt với việc mất đi sự nghiệp đô vật cũng như tính mạng của mình. Chính bộ phim tài liệu về Yoshiki Fuse đã truyền cho anh dũng khí.

Yoshiki Fuse sinh ra ở tỉnh Aomori phía Bắc Nhật Bản và lớn lên ở Hokkaido. Khi học lớp 2 tiểu học, anh bị đứt lìa cánh tay phải từ khuỷu tay trở xuống vì vướng tay vào máy cắt nông sản.

Sau tai nạn, anh thu mình và bị loại khỏi nhóm bạn, theo gợi ý của cha, anh bắt đầu học Judo.

Vào thời điểm đó, sự tồn tại của các môn thể thao dành cho người khuyết tật chưa được nhiều người biết đến như ngày nay. Fuse khi đó cảm thấy thoải mái khi thi đấu bên cạnh những người có thể hình tốt. Là một đứa trẻ to xác, anh ngày càng thắng nhiều hơn. Judo trở thành bộ môn mang đến cho anh sự tự tin.

Vào năm ba trung học cơ sở, Fuse sở hữu vóc dáng cao 176 cm và nặng 110 kg – vóc dáng lý tưởng để bước chân vào giới Sumo. Sau khi vào học tại trường trung học nông nghiệp Hokkaido Ohno, một trong những trường mạnh nhất về Sumo ở Bắc Nhật Bản, anh đã giành chiến thắng trong giải đấu toàn Hokkaido vào năm 1991 khi đang học năm thứ hai và đứng trong tốp 8 tại Đại hội thể thao liên trường năm tiếp theo.

Fuse cũng có sự nghiệp thành công với tư cách là thành viên của đội Sumo Đại học Takushoku. Sau này, anh trở thành giáo viên tại trường Trung học Daiichi thuộc Đại học Takushoku ở Tokyo. Anh thành lập một câu lạc bộ để truyền dạy cho các học trò, đồng thời tiếp tục thi đấu trên võ đài nghiệp dư.

“Sumo là môn thể thao trọn đời. Tôi muốn gửi thông điệp rằng bất kỳ ai cũng có thể thi đấu cho đến khi cơ thể ngừng hoạt động”, Fuse nói.

Khi xem Paralympic Tokyo, Fuse chia sẻ: “Mỗi khi xem Paralympic, tôi cảm thấy được tiềm năng của con người, kiểu như ‘chúng ta có thể làm được điều này, điều kia’.”

“Trong trường hợp của tôi, tôi dường như quên mất về tình trạng khuyết tật của mình vì những người xung quanh đối xử với tôi như một người bình thường. Không cần phải phân biệt giữa những người khuyết tật và những người bình thường khi chơi thể thao. Tôi là độc nhất! ”

Hy vọng rằng câu chuyện về đô vật Sumo này sẽ là nguồn cảm hứng cho ngày mới của bạn!

RIN
Xem thêm: