Gã khổng lồ quảng cáo Nhật Bản – Dentsu hỗ trợ nhân viên đã nghỉ hưu kinh doanh riêng
Gã khổng lồ quảng cáo Nhật Bản – Dentsu hỗ trợ những nhân viên đã nghỉ hưu có thể bắt đầu việc kinh doanh của riêng họ.
Nhật Bản là quốc gia có dân số già, vì vậy mà rất nhiều người lớn phải tìm kiếm thêm công việc để trang trải cuộc sống kể cả sau khi đã về hưu.
Nhận thấy xu hướng này, gã khổng lồ quảng cáo toàn cầu Dentsu Inc., có trụ sở tại Tokyo đa mang đến một chương trình thử nghiệm để cung cấp cho khoảng 40 cựu nhân viên của hãng cơ hội khởi nghiệp sau khi nghỉ hưu.
Trong dự án mới này, Dentsu cung cấp cho họ một khoản thu nhập cố định trong 10 năm với tư cách là nhà thầu, để họ bắt đầu thực hiện việc kinh doanh. Đây cũng là cách để công ty tạo mối quan hệ “mới” với những nhân viên đã gắn bó cùng mình nhiều năm.
Bà Maya Otani 54 tuổi, hiện đang học làm gốm tại trường gốm sứ Soshigaya, phường Setagaya, Tokyo.
(Ảnh https://mainichi.jp/)
Bà Maya Otani gia nhập Dentsu vào năm 1992 và gắn bó với công ty 18 năm, với vai trò giám đốc nghệ thuật, giám sát việc thiết kế poster quảng cáo trên báo cho các đối tác lớn. Bà chuyển sang bộ phận phát triển nguồn nhân lực sau khi sinh con trai đầu lòng để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
Mặc dù sự thay đổi này giúp bà quản lý thời gian chăm sóc con cái dễ dàng hơn, nhưng cũng khiến bà cảm thấy ảm đạm hơn so với lúc làm công việc cũ.
Chính điều đó khiến bà Maya Otani trăn trở về việc nghỉ hưu sớm để theo đuổi công việc yêu thích:
”Tôi là người mẹ đơn thân, nếu tôi không làm việc sẽ không có tiền, thật khó mà không hoang mang khi nghĩ đến số tiền tôi cần trang trải cho việc học hành sau này của con trai tôi”
Thế nhưng cơ hội đã đến với bà Maya Otani vào năm 2020, Dentsu công bố chương trình “Life Shift Platform – Nền tảng thay đổi cuộc sống” dành cho nhân viên từ 40 tuổi trở lên muốn nghỉ hưu sớm.
Các nhân viên sẽ đăng ký tham gia chương trình để nhận tiền thưởng khi nghỉ hưu và sau đó ký các thoả thuận để làm việc cho công ty con của Dentsu là New Horizon Collective (NH). Công việc bao gồm đưa ra các đề xuất kinh doanh cho khách hàng mới.
Maya Otani thuộc nhóm 230 người đủ điều kiện tham gia chương trình trong số khoảng 2,800 nhân viên.
Những người tham gia dự án này dù có thể tạo ra công việc kinh doanh cho riêng mình hay không vẫn sẽ nhận được thu nhập cố định trung bình 50 – 60% mức lương cũ, trong tối đa 10 năm sau khi chính thức rời công ty Dentsu.
“Tôi chưa thể gọi mình là một thợ làm gốm, nhưng tôi đang tiến bộ hơn một chút so với khi còn làm việc ở công ty” – Maya Otani cười nói. Bà dự kiến tổ chức triển lãm các tác phẩm của mình vào tháng 2/2022 và đang nhắm đến việc kiếm sống bằng nghề làm gốm trong tương lai.
Trên thực tế, hệ thống Life Shift Platform là kết quả của một đề xuất nội bộ. Chủ tịch New Horizon Collective, ông Yuji Yamaguchi 53 tuổi nói về ý tưởng của mình: ” Trong thời kỳ thay đổi này, tôi nhận thấy nhiều người chưa tìm được một công việc họ thực sự yêu thích, nên không thể lao động hết mình. Bên cạnh đó tỷ lệ những người trên 100 tuổi ngày càng nhiều, và họ cũng còn khoẻ mạnh, tôi nghĩ rằng sẽ là một ý tưởng hay nếu những người ở độ tuổi 60-70 có thể tận dụng tối đa thế mạnh cá nhân của mình vào một công việc không yêu cầu giới hạn về tuổi tác hay khuôn khổ. Vì vậy dự án này đã ra đời”.
Dự án này có vẻ sẽ khiến Dentsu bị hụt nguồn nhân lực giỏi, tuy nhiên công ty lại không nghĩ vậy. Vì đang là giai đoạn những nhân viên kỳ cựu của công ty đến tuổi nghỉ hưu hoặc gần nghỉ hưu, hơn nữa ngay cả khi những nhân viên xuất sắc rời đi thì Dentsu vẫn có thể giữ mối liên hệ với họ, thông qua dự án kinh doanh mới Life Shift Platform, với vai trò là những đối tác đầy hứa hẹn.
Chương trình có một điểm đặc biệt nữa, những người tham gia dự án sẽ tạo lập cho mình mạng lưới riêng, bằng cách tham gia những buổi gặp mặt để chia sẻ và giúp đỡ nhau trong công việc. Như bà Maya Otani chẳng hạn, đã bắt đầu việc kinh doanh của mình bằng việc cung cấp ”Obidome” bằng gốm cho một cửa hàng chuyên về Kimono ở Tokyo, thông qua kết nối cá nhân nhờ Life Shift Platform.
Maya Otani nói: “Bạn có thể làm quen với những người mà bạn chưa từng tiếp xúc, và điều đó rất hữu ích khi tôi được giới thiệu công việc.”
Nhân viên công ty ở Nhật Bản thường đến tuổi 60 là nghỉ hưu, vì vậy đất nước bị thiếu nguồn lao động. Với những lo lắng ngày càng tăng về chế độ hưu trí quốc gia có thể duy trì được hay không, Chính phủ đang cố gắng tăng số lượng người cao tuổi vẫn kiếm thêm việc làm.
Vào tháng 4 năm nay, các sửa đổi đối với luật ổn định việc làm người cao tuổi Nhật Bản đã khiến các công ty bắt buộc phải đảm bảo nhân viên của họ có cơ hội làm việc cho đến khi 70 tuổi. Theo thống kê của Văn phòng Nội các, gần 90% người lao động từ 60 tuổi trở lên muốn tiếp tục làm việc cho đến khi hơn 70 tuổi.
Giáo sư Kennosuke Tanaka thuộc Khoa Nghiên cứu Nghề nghiệp và Học tập suốt đời của Đại học Hosei ở Tokyo nhận xét: “Bất kể công ty nào, bất kể ngành nghề gì, để tiếp tục làm việc lâu dài, mọi người cần học các kỹ năng mới và sau đó cập nhật chúng. Điều quan trọng là mọi người phải chuẩn bị tinh thần để tiếp tục làm việc ngay cả khi môi trường đã thay đổi, bằng cách kiểm tra lại các kỹ năng của chính mình. Ví dụ, nếu ai đó có kinh nghiệm bán hàng, họ nên viết ra những gì họ biết về việc làm cách nào để thu hút đơn đặt hàng cho công ty.”
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Dentsu trong việc khuyến khích nhân viên lớn tuổi thành lập doanh nghiệp của riêng họ cũng tồn tại một số khuyết điểm.
Những người tham gia phải tự trả tất cả phí bảo hiểm y tế công cộng và tự đóng lương hưu. Về nguyên tắc, những người tự kinh doanh cũng không thể đăng ký bảo hiểm việc làm hoặc tai nạn cho người lao động.
Luật sư và chuyên gia về vấn đề lao động Yoshihito Kawakami chia sẻ với Mainichi Shimbun.
“Mặc dù cách mọi người làm việc ngày càng đa dạng, hệ thống phúc lợi xã hội của Nhật Bản vẫn ràng buộc con người trở thành nhân viên của công ty và chưa bắt kịp với thực tế hiện nay.”
yuki