Giải “mâm xôi vàng” trong ngành sản xuất của Nhật: tạo ra sản phẩm “tào lao” bằng công nghệ hiện đại

Nhật Bản là một trong những nền kinh tế đứng đầu thế giới không chỉ nhờ vào các tập đoàn lớn. Có rất nhiều nhà máy nhỏ tại các thị trấn sở hữu kỹ thuật lành nghề. Những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao của những nhà máy này đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Nhật Bản.

Vì quy mô của những nhà máy ở thị trấn thường nhỏ nên không thể sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, một khi đã sản xuất, họ sẽ làm ra được sản phẩm tốt nhất thế giới. Có những nhà máy được trực tiếp làm việc với NASA vì họ có thể sản xuất ra những con vít chuẩn xác, cũng có cả những nơi hợp tác với Intel. Những nhà máy ở thị trấn có một lợi thế là chuyên hẳn về một lĩnh vực. Trên thực tế, hãng SONY nổi tiếng cũng từng xuất phát từ một thị trấn.

Số lượng các nhà máy như vậy đang giảm xuống một cách nhanh chóng. Họ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả với nhà máy Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhà máy thị trấn bây giờ chỉ còn được trọng dụng trong những dự án sản xuất ốc vít tên lửa cho NASA, ngoài ra những sản phẩm khác đều đã có nơi sản xuất được.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, ngành sản xuất – thế mạnh của Nhật Bản sẽ sụp đổ. Để truyền lại kỹ thuật cho thế hệ tiếp theo, có một doanh nghiệp đã nghĩ ra một giải thưởng mang tên:

Giải Grand Prix ngớ ngẩn

Tên gọi nghe có vẻ buồn cười nhỉ. Trong cuộc thi này, các công ty tham gia sẽ dùng công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của mình để… tạo ra một sản phẩm tào lao. Đúng vậy, đây chính là một cuộc cạnh tranh để tạo ra sản phẩm vô nghĩa nhất. Cuộc thi được tổ chức năm 2020 để hồi sinh một nhà máy đang trong tình cảnh khó khăn. Năm nay cuộc thi vẫn tiếp diễn, giải thưởng thuộc về một chiếc “máy tách nhân cơm nắm” tên là Gunassi.

Onigiri là loại cơm có hình tam giác, bao bọc bên trong là các loại nhân da dạng từ cá hồi, mận ngâm đến trứng cá tuyết (Mentaiko)… Sản phẩm này xuất phát từ ý tưởng: “Nếu mua phải một nắm cơm chứa loại nhân mà bạn ghét, hãy tách nhân ra”.

Hạt cơm thì mềm, nhân thì lẫn bên trong, vậy làm sao để lấy nhân ra mà không làm nát cơm?

Người phát minh ra sản phẩm này đã phải đau đầu nghĩ xem nên thiết kế chiếc máy như thế nào để cắt được nhân ra trong khi vẫn giữ lại được nhiều cơm và rong biển nhất có thể.

Ngoài ra còn có rất nhiều sản phẩm thú vị khác, bạn có thể xem tại đây

Nhà sản xuất sản phẩm này là công ty Sennari kougyou danh tiếng đã từng tham gia trong đội ngũ sản xuất sân khấu của Tokyo Olympic. Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến, họ đã tạo ra được một chiếc máy tách nhân Onigiri. Quả nhiên, đây là một sản phẩm “vô dụng” nhưng không kém phần xịn sò! Đổi lại, người sản xuất phải chịu đựng việc ăn Onigiri trong suốt 2 tháng, dẫn đến kết quả tăng đến 5 kg…

Cuộc thi cũng có sự tham gia của công ty chuyên sản xuất mái ngói Onigawara, sản phẩm của họ là một bình đựng Yakult trông vô cùng dễ thương.

Đây là tác phẩm thắng cuộc năm ngoái

Sản phẩm này ngăn trẻ em và vật nuôi nghịch ngợm giấy vệ sinh bằng cách móc thêm một thanh kim loại chắn ngang. Nghĩ lại thì sản phẩm này cũng khá có ích chứ nhỉ, tôi nghĩ rằng họ thậm chí còn có thể kinh doanh mặt hàng này.

Hy vọng rằng những giải thưởng thú vị này sẽ thu hút người xem trên toàn thế giới và giúp nhà sản xuất làm ăn thuận lợi hơn!

 

Kengo Abe
Xem thêm: