Sanrizuka: Góc tối của sân bay Narita, bên trong cuộc nội chiến vô nghĩa hàng thập kỷ giữa người dân với nhà nước

Nếu bạn bay đến Nhật Bản, rất có thể máy bay của bạn sẽ được hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Narita. Sân bay Quốc tế Narita, ban đầu có tên là Sân bay Quốc tế Tokyo mới (新東京国際空港), không thực sự nằm trong phạm vi của Tokyo. Trên thực tế, nó thậm chí không ở quận Tokyo. Thay vào đó, sân bay nằm cách 63,56 km ở Chiba lân cận. Khoảng cách này là nguyên nhân của một số lời phàn nàn từ những người thường xuyên có việc đến Nhật. Đó cũng là lý do một số người ở Nhật Bản ưu tiên sân bay Haneda hơn.

Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ dài, có một nguyên nhân khác khiến sân bay này “thất thế”. Narita – Sân bay nhộn nhịp nhất Nhật Bản, từng là nơi diễn ra một cuộc đấu tranh dân sự gay go với hàng nghìn nhà hoạt động vũ trang và nông dân chống lại nhà nước.

Diễn biến

Vào ngày 26 tháng 3 năm 1978, tháp điều khiển tại sân bay Narita gần như hoàn toàn rơi vào tay một lực lượng xâm lược của các chiến binh cánh tả.

Trong hơn một thập kỷ, khu vực xung quanh ngôi làng Sanrizuka, tỉnh Chiba, đóng vai trò là nơi tổ chức một trong những cuộc vận động nội bộ có tính tập trung và kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản. Từ năm 1968, các nhà hoạt động sinh viên cánh tả đã tham gia với nông dân địa phương trong một cuộc đấu tranh thường xuyên, bạo lực nhằm ngăn chính quyền trung ương chiếm đoạt nhà và đất nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân cho dự án sân bay quốc tế lâu đời của họ.

Hàng chục nghìn nhà hoạt động đến từ khắp Nhật Bản, giúp nông dân xây dựng những pháo đài bằng cả thép và đất. Những tháp canh xiêu vẹo nổi lên từ vùng đất nông nghiệp hoang sơ bị các quan chức Chính phủ dự kiến chiếm đoạt. Ngay cả khi các phong trào quần chúng của Cánh tả Mới ở phần còn lại của đất nước tan rã, với ý kiến phổ biến chống lại chủ nghĩa bè phái ngày càng bạo lực của sinh viên, Sanrizuka vẫn là một địa điểm đối đầu phổ biến với nhà nước Nhật Bản. 

Ảnh https://mapio.net/pic/p-2323022/

Lúc bấy giờ, Thủ tướng mới đắc cử Fukuda đã biến việc hoàn thành Narita trở thành một trong những mục tiêu chính của nội các của ông. Sân bay đã gần đến ngày khai trương, các chức sắc nước ngoài đã nhận giấy mời dự lễ khai ấn. Các nhà hoạt động biết rằng chỉ những hành động thực sự táo bạo mới có thể ngăn cản chiến thắng cuối cùng của Chính phủ.

Nhưng các chiến binh từ Đệ tứ Quốc tế đã có kế hoạch. Họ có trong tay tài liệu mô tả chi tiết cách bố trí của tháp kiểm soát sân bay trung tâm. Xung quanh sân bay chính, hàng nghìn cảnh sát chống bạo động diễu hành qua hàng rào và dây thép gai được niêm phong, nhưng các chiến binh đã biết cách khác để vào bên trong. Trong khi vô số nhà hoạt động từ các nhóm Cánh tả, Cơ đốc giáo, chống hạt nhân, phụ nữ và chống ô nhiễm chiến đấu với cảnh sát chống bạo động trên đường phố Sanrizuka, thì mười bốn chiến binh đã lẻn về phía tháp kiểm soát trong đêm khuya. Họ vào qua hệ thống cống.

Tiếp đến, sự kiện đáng kinh ngạc nhất của cuộc đấu tranh công dân kéo dài hàng thập kỷ sắp diễn ra.

Cánh đồng Narita

Hầu hết những người nhập cảnh vào Nhật Bản qua sân bay Narita hầu như không biết gì về khu vực xung quanh. Đối với họ, thành phố Narita, tỉnh Chiba đơn thuần là một điểm dừng chân trên con đường đến những nơi lớn hơn. Sân bay Narita cũng giống như một điểm kiểm soát khổng lồ. Khách quan chỉ muốn hoàn tất thủ tục, rời khỏi đó càng nhanh càng tốt.

Thế nhưng vào những năm 1960, khu đất mà trên đó sân bay được xây dựng là một nơi hoàn toàn khác. Trong hàng trăm năm, khu này là đất canh tác của nông dân, do địa chủ quản lý nhưng thuộc sở hữu của lãnh chúa khu vực. Chiba trước đây là địa điểm cạnh tranh của nhiều lãnh chúa Samurai có thái ấp nhỏ hơn.

Các khu vực cuối cùng trở thành Chiba ngày nay là nơi diễn ra nhiều cuộc nổi dậy của nông dân. Bất chấp sự tôn sùng lâu dài đối với các cấu trúc quyền lực phong kiến ​​bảo thủ, từ trên xuống trong đời sống nông dân công xã, những người nông dân Chiba vẫn sẵn sàng chiến đấu chống lại sự xâm phạm quá mức của quyền lực địa phương. Đây là một phần của hệ tư tưởng được gọi là 農本主義 (Nohon Shugi). David Apter, nhà xã hội học và sử học khi bàn về trận chiến ở Narita, đã mô tả Nohon Shugi như sau: “Điểm nhấn nằm ở sự đoàn kết của nông dân địa phương và địa chủ chống lại chính quyền cấp trên.”

Niềm tin này dựa trên một huyền thoại gốc được người dân địa phương lưu giữ. Trước khi thành lập Mạc phủ Tokugawa, nông dân ở đây tự xem mình là những chiến binh nông dân. Họ tin rằng chính sự xâm lược của các Samurai đã biến họ thành những nông nô buộc phải tuân theo các ý tưởng bất chợt của Daimyo (lãnh chúa). Ý thức về quyền tự trị địa phương sớm trở thành cơ sở của một trong những liên minh gây bất ngờ nhất.

Ngã tư Sanrizuka

Ngôi làng Sanrizuka, hiện phần lớn bị chôn vùi bên dưới đường băng, nằm về phía Bắc của Chiba. Trong nhiều thế kỷ trước khi bầu trời nơi đây tràn ngập tiếng gầm rú của máy bay phản lực, Sanrizuka là một ngã tư quan trọng. Vào thời Edo (1603-1867), Mạc phủ Tokugawa đã thiết lập các chuồng để nuôi ngựa chiến trong khu vực. Sau khi Mạc phủ sụp đổ trong cuộc Duy tân Minh Trị, Chính quyền đế quốc mới đã kế thừa các vùng đất nông nghiệp của Mạc phủ. Năm 1888, một năm quan trọng đối với nhà nước Minh Trị còn non trẻ, chuồng ngựa chính thức trở thành Trang trại Hoàng gia Shimousa (宮内庁下総御料牧場). Chuồng ngựa và đất nông nghiệp của Hoàng gia trở thành linh hồn của Sanrizuka.

Ảnh https://ja.wikipedia.org/

Trong thế giới hiện đại hóa đầu thời Minh Trị, đất ở đây được sử dụng cho các thí nghiệm nông nghiệp. Những người nông dân từ canh tác trên mảnh đất nghèo nàn đã biến nơi đây trở thành một trong những vùng đất tốt nhất ở Chiba. Du khách đến tham quan các đồng cỏ Hoàng gia rộng lớn, chứng kiến người nông dân thực hiện các kỹ thuật nông nghiệp mới. Vào mùa Xuân, những cây Sakura thu hút đám đông đi dạo giữa những cánh hoa rơi. Nền kinh tế địa phương nở rộ xung quanh các trang trại hoàng gia, và dân làng cảm thấy tự hào về địa phương mình.

Ngày nay, các Trang trại Hoàng gia Shimousa không còn nữa. Vào ngày 10 tháng 8 năm 1969,  trang trại chính thức đóng cửa để nhường chỗ cho sân bay. Những người nông dân địa phương, phẫn nộ trước việc đóng cửa trang trại, đã xông vào buổi lễ bế mạc, phá hoại hội trường. Giờ đây, chỉ còn lại một phần nhỏ của Công viên Tưởng niệm Sanrizuka, cho thấy những “tàn tích” đã từng là trái tim của Sanrizuka.

Ảnh hưởng từ chuyển dịch kinh tế

Khởi đầu của kết thúc đã đến với những người nông dân Sanrizuka vào giữa những năm 1960.

Những năm ngay sau chiến tranh là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với hầu hết người Nhật. Cả ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng đều bị phá hủy, tình trạng nghèo đói và vô gia cư tràn lan khắp đất nước. Tuy nhiên, vào đầu những năm 60, bước ngoặc quan trọng đã đến. Kỳ tích mang tên “Kinh tế Nhật Bản” thành công rực rỡ khi nhà nước tập trung vào việc “hợp lý hóa” nền kinh tế, khuyến khích những người trẻ tuổi từ bỏ lối sống nông thôn và tham gia lực lượng lao động. Thủ tướng Ikeda nhậm chức với mục tiêu đã nêu là “tăng gấp đôi thu nhập” – một mục tiêu về cơ bản ông đã đạt được. Khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, cơ sở hạ tầng của nước này sẽ cần phải theo kịp tốc độ. Đất nước đang phát triển theo mọi nghĩa – nhưng vẫn có một ngành bị tụt hậu là hàng không.

Lấy đất làm “đường lên trời”

Ngay cả khi diện tích đất ở nông thôn vào thập niên 60 rộng hơn ngày nay, vấn đề đất xây dựng sân bay vẫn gây tranh cãi. Bên cạnh đó, chủ trương của sân bay mới này là dự án lớn nhất mà Chính phủ lúc bấy giờ từng thực hiện. Với tất cả những phức tạp liên quan ở cấp độ kỹ thuật, chính trị và địa phương, họ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn.

Vào năm 1965, quyết định ban đầu đã được đưa ra. Vùng nông thôn Tomisato ở phía Bắc trung tâm Chiba là địa điểm của dự án sân bay lớn. Tại một cuộc họp báo, mà không có bất kỳ thông báo hoặc tham vấn nào với người dân Tomisato, Chánh văn phòng Nội các Hashimoto đã đưa ra thông báo bất ngờ về địa điểm phát triển. Dự án được lên kế hoạch sẽ yêu cầu chạy trên quá một nửa diện tích Tomisato. Đây là quyết định đã xúc phạm đến toàn bộ người dân địa phương.

Ảnh https://commons.wikimedia.org/

Với sự hậu thuẫn của Đảng Xã hội Nhật Bản, các liên đoàn lao động địa phương và các hội đồng thị trấn xung quanh, 1500 người đã tuần hành trên thủ phủ của tỉnh. Họ đột nhập vào bên trong tòa nhà thủ đô Chiba, yêu cầu không hy sinh Tomisato cho kế hoạch sân bay. Phong trào thành công tốt đẹp, Chính phủ trung ương phải chùn bước. Tuy nhiên, ngay cả khi Tomisato được tha, một nơi khác vẫn đứng trước nguy cơ “được chọn”.

Năm 1966, các cuộc đàm phán bí mật giữa Thống đốc Chiba Tomono, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và Bộ Giao thông Vận tải đã tìm ra thứ mà họ coi là giải pháp thay thế tốt nhất. Chỉ vài dặm về phía Đông Bắc là một khu đất rộng lớn thuộc sở hữu của chính quyền, được bao quanh bởi các xóm ít dân cư hơn. Nếu đất đai cần bị tịch thu, tại sao không bắt đầu với đồng cỏ ở Sanrizuka?

Chống lại Nhà nước

Khu vực Sanrizuka có vẻ lý tưởng cho dự án này vì dân số thưa thớt hơn, nghèo hơn, song song với sự nắm giữ của đế quốc sẽ giúp việc thu hồi đất dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Chính phủ Sato lại một lần nữa mắc sai lầm như với Tomisato, khi công bố địa điểm xây sân bay trong một buổi phát sóng trước khi tham khảo ý kiến ​​của dân địa phương. Tất nhiên, Chính phủ có ý định bồi thường cho nông dân. Cuộc sống ở xóm làng rất khó khăn, trong khi thế hệ trẻ bị thu hút bởi cuộc sống thành phố và thu nhập cao hơn, cái giá đưa ra vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề là thiếu sự lựa chọn, thiếu sự tham vấn. Đối với những người nông dân kiêu hãnh của Sanrizuka, việc đất đai của họ bị chiếm đoạt một cách lặng lẽ như vậy là hành động đã đi quá xa.

Tại các phòng họp và các khuôn viên trường đại học trên toàn quốc, các nhà hoạt động đã thổi bùng cơn thịnh nộ trước hành vi chiếm đoạt của Chính phủ, được nhận thức là bạo lực. Tuy nhiên, đối với các thành viên của giáo phái Cánh tả Mới tham gia phản đối sự tiếp cận quá mức của nhà nước, kế hoạch sân bay không chỉ là nguồn gốc của sự tức giận – mà đó còn là cơ hội. Sự cố Tomisato đã chứng minh rằng nhà nước có thể bị đánh bại khi thuyết phục được những chính sách đưa ra là bất công.

Giành chiến thắng hay không, cái giá là gì?

Danh sách các trận chiến giữa Hantai Domei (Liên minh đối lập) và Chính quyền là quá dài. Trong mỗi trận, Hantai Dome đều đạt được những khoảnh khắc vinh quang riêng. Trong một cuộc biểu tình của công đoàn, 17.500 người đã tập trung từ khắp đất nước để thể hiện sự phản đối của họ đối với dự án sân bay. Những người nông dân, những cựu chiến binh của Thế chiến II, đã biến đất nông nghiệp của họ thành những pháo đài thực sự. Họ đào các chiến hào và tạo ra một loạt các đường hầm công sự ngầm liên kết với nhau, giống như những công trình được Nhật Bản sử dụng trong các hòn đảo trong Chiến tranh Thái Bình Dương.

Ảnh https://www.yipinstitute.com/

Tuy nhiên, Chính phủ chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc gác lại dự án Sân bay Tokyo (sân bay Narita). Đơn giản vì tính chất dự án này quá quan trọng. Phong trào biểu tình rầm rộ chỉ đem lại sự xấu hổ, làm tổn hại đến hình ảnh của nhiều vị Thủ tướng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sân bay này là cần thiết cho nền kinh tế đang tăng vọt của một Nhật Bản ngày càng có nhiều tầng lớp trung lưu. Dự án không thể cứ mãi bị trì hoãn.

Thế nhưng dù vậy, Hantai Domei chưa bao giờ bị tiêu diệt triệt để. Từ năm 1978 đến năm 2017, 511 hành động du kích vẫn được thực hiện để chống lại sân bay. Cuộc đấu tranh cho quyền lợi của một số ít nông dân còn lại cũng như cộng đồng đã tồn tại xung quanh cuộc đấu tranh này không kết thúc dễ dàng như vậy. 

Trận chiến giành Sân bay Narita có ý nghĩa như thế nào? Rất khó để phân tích.

Đó là một cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ, với sự tham gia của hàng chục nghìn chiến binh biểu tình và cảnh sát chống bạo động, gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng, hủy hoại hy vọng và ước mơ của rất nhiều người. Tuy nhiên, cuối cùng, trận chiến này hầu như không ảnh hưởng đến suy nghĩ của Chính phủ.

Hệ quả đến ngày nay

Nhưng các dấu hiệu của cuộc chiến vẫn ở Sân bay Narita, theo đúng nghĩa đen. Năm hộ gia đình, di sản của những hộ gia đình cuối cùng vẫn còn hiện diện trong khuôn viên sân bay. Việc canh tác vẫn diễn ra giữa tiếng gầm rú của máy bay chuẩn bị cất cánh và hạ cánh. Các cựu sinh viên dân quân, giờ đã già cũng như những người nông dân từng đến Sanrizuka tham chiến vẫn đang hỗ trợ trồng trọt bên trong sân bay Narita. Hantai Domei vẫn tổ chức các cuộc biểu tình, các biển báo được treo trên các đường phố xung quanh Narita, vẫn còn đó những “tàn tích” của quận Sanrizuka với các khẩu hiệu như “chúng tôi sẽ không tha thứ cho việc tịch thu đất đai của nông dân.”

Ảnh https://www.scmp.com/

Gần sáu mươi năm đã trôi qua kể từ khi Sanrizuka lần đầu tiên được chỉ định sẽ trở thành Sân bay Narita. Những cuộc đấu tranh vẫn luôn âm ỉ, không phải tất cả đã kết thúc, không phải tất cả đều đã được tha thứ. Đối với một số người, cuộc đấu tranh chưa bao giờ thực sự kết thúc.

Sacchan
Xem thêm: