Lép vế trước Windows và macOS – Tại sao cường quốc công nghệ Nhật Bản lại không có hệ điều hành Made in Japan?

Khoảng 40 năm trước, có rất nhiều nhà sản xuất máy tính ở Nhật Bản. Các hãng như NEC, SHARP, FUJITSU đều phát triển và bán sản phẩm độc quyền của mình. Cụm từ “máy tính” bắt đầu xuất hiện, bản thân tôi lúc đó vẫn chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi nhớ rằng mình cũng rất háo hức theo dõi sự cạnh tranh của các nhà sản xuất này và dự đoán không biết sản phẩm nào sẽ trở nên phổ biến hơn.

https://dime.jp/genre/419914/

Tuy nhiên, 40 năm sau, sự hiện diện của Nhật Bản trong ngành công nghiệp máy tính lại hoàn toàn không có giá trị. Không có bất kỳ hệ điều hành “Made in Japan” nào xuất hiện, nhiều nhà sản xuất vỏ máy tính cũng đóng cửa hoặc rút khỏi thị trường. Dù vẫn có một số ít nhà sản xuất tồn tại, nhưng lại uỷ thác sản xuất cho các công ty Đài Loan, cũng như thay thế bằng các linh kiện đặt hàng tại Hàn Quốc. Ngay cả doanh thu quảng cáo sinh ra từ lợi ích của các hệ điều hành cũng rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Đến cả số lượng điện thoại thông minh sản xuất ở nội địa cũng rất thấp, đa phần phụ thuộc vào nước ngoài…

Mặt khác, tên tuổi của nước Mỹ đi lên nhờ tạo ra hai hệ điều hành nổi tiếng Windows hay macOS.

Lý do khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng này đến từ mối quan hệ với Mỹ. Vậy, nước Mỹ “đồng minh” đã gây ra những thiệt hại gì cho ngành công nghiệp Nhật Bản?

Hãy cùng điểm qua trong bài viết dưới đây.

Sự suy thoái của ngành công nghiệp bán dẫn

Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghiệp chủ yếu xoay quanh các bộ phận liên quan đến máy tính.

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò lớn đằng sau “phép màu tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản” từ những năm 1960 đến 1980, đưa Nhật Bản lên vị trí dẫn đầu thế giới.

Theo thống kê thị phần thế giới năm 1988:

  •  Tất cả các khu vực Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) chiếm 3,3%
  •  Mỹ chiếm 36,8%
  • Nhật Bản chiếm 50,3%

Nhật Bản chiếm thị phần đứng đầu thế giới.

Theo thống kê thị phần thế giới năm 2019:

  • Mỹ chiếm 50,7%
  • Châu Á (không tính Nhật Bản) chiếm 25,2%
  • Nhật Bản chiếm 10%

Nhật Bản đã bị bỏ lại rất xa…

Chính Mỹ, đất nước được Nhật xem là đồng minh, đã “đè bẹp” Nhật Bản. Chính vì muốn hỗ trợ cho ngành công nghiệp của nước mình, Mỹ đã gây áp lực chính trị lên Nhật Bản. Vào năm 1989, Nhật Bản buộc phải ký vào một hiệp ước bất bình đẳng có tên là “Hiệp định bán dẫn Nhật-Mỹ.”Cứ sau 5 năm, một hiệp định mới sẽ tiếp tục ký kết. Trong hiệp định này, Nhật Bản hứa sẽ tăng tỷ lệ thâm nhập của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ vào Nhật Bản lên 20% hoặc hơn. Đó là một trong những lý do khiến ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản ngày càng sa sút.

Đè bẹp hệ điều hành

Hệ điều hành là hệ thống cơ bản của máy tính cá nhân, chẳng hạn như Windows và macOS. Hiện tại đây là hai hệ điều hành lớn trên thế giới, còn ngoài ra bạn có biết những hệ điều hành nào khác không?

Thật ra, trước khi số lượng hệ điều hành trở nên ít ỏi như hiện tại, mỗi công ty máy tính đều cố gắng phát triển hệ điều hành riêng và hướng đến thị phần toàn cầu.

Ngay cả nội địa Nhật Bản cũng có một hệ điều hành tên là TRON. Tên hệ điều hành sẽ thay đổi tùy thuộc vào phiên bản và mục đích, nhưng tôi sẽ gọi chung là TRON.

Đây là hệ điều hành được ông Sakamura, người từng là trợ lý tại khoa Khoa học của Đại học Tokyo và công ty Matsushita Electric (hiện là Panasonic) cùng nhau phát triển (BTRON).

Thay vì độc quyền, họ quyết định chia sẻ hệ thống, thông số kỹ thuật cho những nhà sản xuất nào có nhu cầu muốn được tham gia vào dự án.

Hệ điều hành này đã được lựa chọn để cài đặt cho máy tính tại các trường học trên khắp Nhật Bản. Cho đến khi TRON bắt đầu chiếm thị phần áp đảo ở Nhật Bản, có một thông báo được đưa ra.

“Đây là thông báo từ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. TRON đã bị tình nghi vi phạm Mục 301 của Bộ luật Thương mại Hoa Kỳ.

Đối với các hành vi bất chính gây bất lợi cho quốc gia đối tác thương mại thì TRON sẽ gánh chịu sự trả đũa. .”

Đây chẳng khác nào một lời đe dọa. Trong khi hệ điều hành chỉ phát triển trong đất nước Nhật, chưa từng gây tổn hại cho nước Mỹ, vậy mà… Khi được hỏi về lý do, Mỹ đã trả lời rằng:

“Chúng tôi không thể nói ra đó là nhà sản xuất nào, nhưng việc chúng tôi nhận thấy vấn đề ở nhà sản xuất đó, chính là sự thật.

Nếu có ý kiến phản đối, thì cứ việc lên tiếng”

Sau khoảng một năm đàm phán, họ đã thoát khỏi nguy cơ bị kết tội. Tuy nhiên, hầu hết 100 nhà sản xuất tham gia phát triển dự án TRON đều đã rút khỏi dự án vì không muốn dính vào rắc rối.

Và rồi, hệ điều hành MS-DOS của tập đoàn Microsoft đã mở rộng khắp Nhật Bản, từ đó dẫn đường cho sự xâm nhập của Windows. Nếu không bị Mỹ chèn ép một cách bất công, có lẽ TRON sẽ đạt được vị thế giống như Windows ngày nay.

Chính phủ Nhật Bản không có kiến ​​thức, cũng không có dự tính nào cho tương lai đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Họ đưa ra những phán đoán như: “Chỉ là hệ điều hành thôi thì không nhất thiết phải làm lớn chuyện, chỉ cần mua của Mỹ về dùng là được rồi.” Không chỉ do Mỹ mà chính phủ Nhật Bản cũng có trách nhiệm rất lớn trước sự tụt hậu của nền công nghiệp này.

Và giờ đây, một nước Mỹ “khổng lồ” chiếm lĩnh vị thế cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, một nước Mỹ đã cùng với chính phủ Nhật “nghiền nát” ngành công nghiệp bán dẫn của nước mình, đang có một “cuộc chiến” với Trung Quốc. Nghĩ về những gì Nhật Bản đã chịu dưới tay Mỹ thì cách làm của Mỹ hiện giờ có đúng đắn hay không, tôi cũng không thể nói gì hơn cả.

Sau tất cả, tôi chỉ có một suy nghĩ đó là liệu Mỹ và Nhật có thể trở thành những đồng minh đúng nghĩa?

Kengo Abe
Xem thêm: