4 kiểu quấy rối tại nơi làm việc thường gặp ở Nhật Bản và cách đối phó

Xác nhận đúng vấn đề mình gặp phải là cách bảo vệ bản thân khi trường hợp đó xảy ra. Bài hôm nay tổng hợp những kiểu quấy rối thường gặp trong công việc cũng như đời sống hàng ngày.

Quấy rối có thể được định nghĩa là những hành động, lời nói nhằm vào người khác khiến đối phương cảm thấy khó chịu, bị tấn công, đe doạ hoặc bị sỉ nhục, ngay cả khi đó không phải là mục đích ban đầu của họ.

Ảnh https://www.tsunagulocal.com/

Quấy rối có thể xảy ra ở nhiều nơi, từ công sở đến trường học, thậm chí trong gia đình. Không quan trọng ý định của kẻ quấy rối là gì, nếu người nhận hành động hoặc lời nói cảm thấy không thoải mái, điều đó đã đủ để cấu thành hành vi quấy rối.

Quan trọng phải hiểu đầy đủ về các hành vi quấy rối, nếu không chính bạn có thể là nạn nhân, hoặc thậm chí vô tình trở thành kẻ quấy rối.

Có rất nhiều kiểu quấy rối, tuy nhiên trong bài viết này, Japo sẽ giới thiệu 4 kiểu quấy rối chính mà bạn có khả năng gặp phải nhất ở nơi làm việc.

Trong những năm gần đây, các tổ chức chính phủ như Cục Lao động Tỉnh, nơi tham vấn cho những người gặp hành vi quấy rối tại nơi làm việc cho biết ngày càng nhiều người đến tìm kiếm sự giúp đỡ.

 

 

Trong năm 2007, họ đã giải quyết 28,000 đơn khiếu nại, với con số tăng lên 87,500 trường hợp vào năm 2019. Điều này cho thấy tình trạng quấy rối vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội Nhật Bản. Thiệt hại do quấy rối tại nơi làm việc có thể gây ra rối loạn tinh thần, dù nạn nhân có được bồi thường hay không thì những sang chấn tâm lý vẫn sẽ ám ảnh họ về sau.

Để chống lại nạn quấy rối tại nơi làm việc, vào ngày 1/6 năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật xúc tiến toàn diện các biện pháp lao động sửa đổi (Luật phòng chống quấy rối quyền lực) quy định các biện pháp ngăn chặn quấy rối quyền lực đối với các tập đoàn lớn. Từ ngày 1/ 4 năm 2022, luật cũng sẽ được áp dụng cho các công ty có quy mô vừa và nhỏ.

Quấy rối quyền lực

Quấy rối quyền lực là khi một người có địa vị tại công ty sử dụng quyền lực của họ để bắt nạt cấp dưới, gây ra cho họ những nỗi đau về tâm lý hoặc thể chất.

Đây là kiểu quấy rối phổ biến nhất mà bạn sẽ thấy ở các công ty Nhật Bản. Ví dụ về hành vi quấy rối quyền lực bao gồm la mắng nhân viên, ném đồ đạc vào người họ, giao cho họ khối lượng công việc không hợp lý, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên…..

Quấy rối tình dục

Hình thức quấy rối này rất phổ biến và cũng dễ gặp phải ở bất cứ đâu. Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm cơ thể, mà còn bao gồm chụp ảnh một người nào đó không xin phép, dùng lời lẽ gợi dục hoặc chê bai bộ phận cơ thể của họ.

Quấy rối tình dục phổ biến trên các chuyến tàu, đến nỗi Nhật Bản phải thiết kế khoang dành riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên quấy rối tình dục cũng có thể là phụ nữ quấy rối đàn ông hoặc quấy rối người cùng giới.

Quấy rối thai sản

Quấy rối thai sản là hành vi gây đau đớn về tâm lý cũng như thể chất cho người mang thai hoặc đã sinh con. Ví dụ bắt nạt một người đang nghỉ thai sản bằng những lời nói ” Chúng tôi quá bận nên bạn không thể nghỉ được”. ” Đừng trở thành gánh nặng cho công ty”, hoặc cách chức họ.

Ở quốc gia nổi tiếng có tỷ lệ sinh thấp nhất như Nhật Bản, phụ nữ thường được khuyến khích đi làm hoặc ở nhà sinh con. Đó là nguyên nhân nhiều công ty không muốn thuê phụ nữ ở vào độ tuổi sinh con.

Quấy rối đạo đức

Quấy rối tinh thần hay còn gọi là lăng mạ, bao gồm các hành vi như nói xấu ai đó hoặc phớt lờ họ. Tương tự như quấy rối quyền lực, nhưng hành vi quấy rối này sẽ diễn ra ở những người đồng cấp. Quấy rối đạo đức thường được âm thầm thực hiện, chẳng hạn loại trừ một người khỏi một bữa tiệc hoặc châm chọc họ trong thời gian dài. Bởi vì quấy rối đạo đức thường đến từ một nhóm, thiệt hại lên cá nhân bị quấy rối rất nghiêm trọng.

Cách đối phó với hành vi quấy rối
Nếu bạn trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc, luôn có những người mà bạn có thể tìm đến để tham khảo ý kiến. Trước tiên hãy xác định xem bạn đã chịu hành vi quấy rối nào, xác định vấn đề là cách dễ dàng để ngăn chặn tình trạng này tái diễn.
Có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp hoặc cấp trên, người mà bạn thật sự tin tưởng, cố gắng nhớ tất cả các chi tiết về sự cố hoặc viết chúng ra. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể bình tĩnh giải thích tình huống trong khi tham vấn ý kiến người khác.
Nếu bạn không thể nói ra vấn đề của mình với mọi người ở công ty, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia quấy rối tại Phòng Lao động địa phương hoặc Văn phòng Thanh tra Tiêu chuẩn Lao động, nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn miễn phí.
Nếu bạn không quá tự tin về tiếng Nhật của mình, hãy tham khảo ý kiến ​​với Dịch vụ Tư vấn Lao động cho Người lao động Nước ngoài của Cục Lao động, dịch vụ này được cung cấp qua điện thoại cho những người không thể trực tiếp đến văn phòng. Dịch vụ có hỗ trợ ngoại ngữ, tùy thuộc vào vị trí.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang chủ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
yuki
Xem thêm: