Ý nghĩa của Rokuyo: 6 loại ngày tốt, ngày xấu trên lịch Nhật Bản

Như đa phần các quốc gia trên thế giới, Nhật Bản cũng sử dụng lịch dương. Tuy nhiên, khi nhìn vào cuốn lịch của Nhật Bản, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc chữ Kanji ghi chú dưới mỗi ngày có nghĩa gì.

Chữ trong hình: “Showa no Hi. Taian”

Showa no Hi là ngày Chiêu Hòa, một ngày lễ thường niên của Nhật Bản, tiếp sau đó các bạn sẽ thấy chữ 大安 (Taian). “Taian” có nghĩa là tốt lành. Ngược lại với Taian là 赤口 (Shakkou), có nghĩa là không tốt.

Đây là hai trong sáu kết quả của kiểu bói Rokuyo. Sáu kết quả này sẽ thay đổi mỗi ngày và mỗi tuần. Nghĩa là trong một tuần, kết quả của Rokuyo sẽ không lặp lại và sẽ không có tuần nào có Rokuyo giống y như nhau.

Rokuyo vốn xuất phát từ Trung Quốc, tuy nhiên, hãy cùng JAPO tìm hiểu về Rokuyo được sử dụng ở Nhật Bản ngày nay nhé. Nếu bạn muốn nắm được ngày lành tháng tốt để thực hiện công việc một cách thuận lợi, hãy đọc kỹ bài viết này!

1/ Senshou / Sakigachi (先勝)

Từ này có nghĩa là nếu hành động trước/nhanh hơn/sớm hơn thì sẽ chiến thắng. Vì vậy, đây là ngày mà bạn nên đẩy nhanh tiến độ công việc. Buổi sáng của ngày này là khoảng thời gian may mắn. Khoảng thời gian từ 14:00 – 18:00 chiều sẽ không thuận lợi lắm, vậy nên nếu bạn đang sắp xếp những cuộc họp quan trọng, hãy đặt lịch vào buổi sáng.

2/ Tomobiki (友引) 

Tomo có nghĩa là bạn, biki có nghĩa là lôi kéo. Đây là một ngày không thích hợp cho tang lễ. Tổ chức tang lễ vào ngày này sẽ vô tình kéo người đến tham dự sang cõi bên kia. Nên không được tổ chức đám tang vào ngày này!

Do một số nhầm lẫn, từ này cũng được viết thành 共引き. Khi đó, ý nghĩa của từ này thể hiện rằng, những trận đấu diễn ra trong ngày hôm đó sẽ hòa.

Vào ngày này, bạn sẽ gặp may mắn vào buổi sáng, nhưng buổi trưa thì không, còn buổi chiều thì cực kỳ may mắn, vì vậy nếu bạn có ý định rủ rê bạn bè thì nên hẹn vào buổi chiều nhé.

Với những lễ cưới tổ chức vào ngày này, bạn sẽ kéo cả bạn bè vào hạnh phúc của mình, tóm lại là hạnh phúc của bạn sẽ bị chia sẻ. Nếu trước ngày Tomobiki là ngày Taian thì bạn sẽ có một đám cưới viên mãn.

3/ Senpu / sakimake (先負)

Từ này ngược lại với từ Senshou / Sakigachi. Buổi sáng sẽ là buổi không may mắn, trái lại, buổi chiều của ngày này lại giúp bạn có được may mắn. Nếu muốn phân thắng bại hay tranh đua, bạn nên thực hiện vào buổi chiều.

4/ Butsumetsu (仏滅)

Butsumetsu có nghĩa là “Phật Diệt”. Chỉ cần đọc qua cũng dễ dàng hiểu rằng đây là ngày cực kỳ không tốt. Thực ra ý nghĩa của ngày này không liên quan gì đến Phật giáo, nhưng vì cách gọi này sẽ giúp mọi người hiểu ngay đây là một điềm xấu. Vì vậy trong ngày này, người Nhật sẽ tránh tổ chức các nghi lễ, ví dụ như lễ cưới.

5/ Taian (大安)

Taian có nghĩa là “đại an”, có thể hiểu rằng đây là một ngày cực kỳ tốt lành và may mắn. Đây không chỉ là ngày lý tưởng để tổ chức lễ cưới mà còn rất nhiều nghi lễ khác. Đặt được chỗ ở nhà hàng tiệc cưới vào ngày Taian thực sự là một việc khá khó.

6/ Shakkou / sekiguchi (赤口)

Có rất nhiều người Nhật cũng không thể đọc đúng từ này. Từ shakkou/ sekiguchi gợi nhớ đến những thứ màu đỏ như lửa và máu, vì vậy vào ngày này, hãy cẩn thận với hỏa hoạn và thương tích, đặc biệt với những vật sắc nhọn. Buổi sáng và buổi chiều là khoảng thời gian không may mắn, chỉ duy nhất buổi trưa là khoảng thời gian tốt lành trong ngày này. Vì vậy, nếu bạn buộc phải di chuyển, hãy cố gắng sắp xếp để xong xuôi trong buổi trưa.

Ảnh: @Wargod_Kenshin

 

Trên đây là sơ lược về ý nghĩa của sáu ngày Rokuyo ở Nhật Bản, không biết so với Rokuyo của Trung Quốc thì có nhiều điểm khác biệt không nhỉ?

Mặc dù việc phụ thuộc quá nhiều vào Rokuyo không phải là điều tốt nhưng với một số dịp trọng đại, tham khảo Rokuyo có thể là một ý tưởng hay ho giúp bạn tự tin hơn khi đưa ra quyết định.

Kengo Abe
Xem thêm: