Nhờ Covid-19: Thực tập sinh Việt Nam có cơ hội gắn bó cùng người dân địa phương canh tác nông nghiệp ở Nhật Bản

Đối với các bạn thực tập sinh, tạo lập thói quen sống, học tập và làm việc tại một đất nước xa lạ hẳn không phải việc dễ dàng gì. Giữa dịch bệnh mọi việc còn trở nên khó khăn hơn trước, thế nhưng cũng chính nhờ dịch bệnh mà tại Kagoshima đã xảy ra một câu chuyện ấm lòng giữa những thực tập sinh và người dân địa phương.

Bản thân tôi cũng từng rất lo lắng khi chuyển từ Nhật Bản đến Việt Nam vào năm 2011. Tôi sợ rằng mình sẽ không biết cách đi cắt tóc nên đã dùng tông đơ để hớt tóc trước sau đó mang theo máy đến Việt Nam. Ngoài ra tôi cũng mang theo Miso và nước tương. Tôi khi đó cũng tràn đầy những bất an vì không biết cuộc sống và công việc của mình rồi sẽ ra sao. Thật may mắn, Việt Nam đúng là một thiên đường !!! Hầu hết các bạn thực tập sinh thường chưa từng sống ở nước ngoài, Nhật Bản chính là đất nước xa lạ đầu tiên các bạn đặt chân đến. Tuy nỗi lo lắng lúc đặt chân đến Việt Nam của tôi có lẽ không thể so với cảm giác của các bạn, nhưng tôi nghĩ mình cũng hiểu được phần nào.

Kéo dài hơn hai năm, dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều thực tập sinh vốn đã có nhiều bất an, lo lắng, trở nên khó khăn hơn nữa.

“Dịch bệnh thật đáng sợ. Tôi phải làm sao để được tiêm vắc-xin? Tôi có được phép đi ra ngoài không?” Có rất nhiều trăn trở như vậy.

Dù có thử hỏi thăm những người Nhật xung quanh thì họ cũng khó mà trả lời được vì chính họ cũng chưa từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Thêm vào đó, nơi thực tập ngày càng khắt khe hơn, bầu không khí trong công ty dường như ngày càng tệ đi.

Hiện tại, có hàng chục ngàn thực tập sinh đã hoàn thành thời hạn đào tạo nhưng không thể về nước. Trong tình cảnh này, chính phủ Nhật Bản đã tổ chức cấp giấy phép cư trú đặc biệt cho họ nhưng ngoài việc này, họ vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác.

Việc phải hạn chế đi ra ngoài càng khiến cho thực tập sinh cảm thấy bí bách hơn, việc ngồi yên chờ đợi hoàn toàn không giúp họ cảm thấy tích cực hơn chút nào.

Tuyệt vời thay, một phong trào mới đã xuất hiện tại thị trấn Osaki, tỉnh Kagoshima. Một số thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đang làm việc tại một công ty ở thị trấn Osaki đã xây nên một khu vườn trồng rau gần ký túc xá công ty. Tuy nhiên, họ không phải là chuyên gia về trồng trọt, vì thế họ vừa học từ nông dân địa phương, vừa xây dựng nên khu vườn này.

https://news.yahoo.co.jp/articles/f6e397470e26c7fda766b19cd3beef30eb16f2ba/images/000

Tại khu vườn này, họ trồng gần 10 loại rau khác nhau như súp lơ, bắp cải, rau diếp… và tự mình thu hoạch. Trong số 8 người đang sống tại ký túc xá công ty, có 4 người đã cùng nhau thuê đất nông nghiệp khoảng 15m2 của người dân địa phương và bắt tay thực hiện dự án này. Họ vừa kêu gọi trung tâm cộng đồng địa phương tỉnh Kagoshima hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón, một số thiết bị nông nghiệp đơn giản vừa tìm cách để nhận sự hỗ trợ về kiến thức trồng trọt.

Trong số các loại rau quen thuộc còn có sả – nhiều người Nhật không biết về cây trồng này nhưng sả lại là gia vị đặc trưng trong ẩm thực Việt Nam. Tự trồng rau và làm những món ăn yêu thích của mình chắc hẳn là một việc rất thú vị nhỉ!

Về với thiên nhiên giúp con người giải tỏa căng thẳng. Dự án của những thực tập sinh này thực sự là một phương pháp tuyệt vời để xua đi những bất an và lo âu trong một mùa dịch Covid-19 tràn ngập những điều tiêu cực.

Có rất nhiều người Nhật không thể hòa hợp với người ngoại quốc, đặc biệt là người cao tuổi ở vùng nông thôn. Họ không có ý xấu nhưng thường tránh tiếp xúc vì không biết cách bắt chuyện. Trong tình cảnh đó, sự hợp tác trong nông nghiệp giữa những thực tập sinh và người dân địa phương là một tín hiệu rất đáng mừng. Hy vọng rằng ngày càng sẽ có nhiều người Nhật và người nước ngoài cùng chung sống hoà thuận và tạo ra những giá trị có ích cho xã hội.

Kengo Abe
Xem thêm: