Đam mê truyện kể Genji, cô gái Thái phát minh ra ứng dụng đọc chữ Nhật cổ vượt mặt cả chuyên gia đầu ngành

Với những bạn vừa bắt đầu học tiếng Nhật, khó khăn đầu tiên các bạn gặp phải chính là bộ chữ.

Bắt đầu bằng 50 chữ Hiragana, sau đó các bạn phải học tiếp 50 chữ Katakana, chưa hết, song song đó bạn phải đối mặt với “bức tường” Kanji nữa.

Tiếng Nhật quả là một ngôn ngữ có nhiều bộ chữ cần phải ghi nhớ! Cũng chính vì thế mà vừa mới bắt đầu học chữ, nhiều người đã chán nản và bỏ cuộc…

Đã hơn 1400 năm trôi qua, kể từ khi 3 bộ chữ Hiragana, Katakana, Kanji xuất hiện trong tiếng Nhật. Trải qua thời gian hình thành lâu đời, tưởng chừng như người Nhật sẽ dễ dàng đọc được những văn bản cổ, tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn khác. Nếu bạn tự tin vào tiếng Nhật của mình, hãy thử “giải mã” những ký tự bên dưới xem sao!

https://www.tdb-muse.jp/webmagazine/2018/12/post-1002.html

Trông loằng ngoằng vậy thôi nhưng đây là trình độ “dễ” đấy! Bản thân tôi là người Nhật có thể đọc được khoảng 30%, còn để đọc được hết 100% e rằng thực sự rất khó và cần một quá trình dài để học hỏi.

Phong cách viết chữ này được gọi là Kuzushiji (chữ thảo). Để viết ra chữ Kuzushiji, người Nhật sẽ sử dụng bút lông với phần đầu bút mềm mại và bay bổng. Người viết ra văn bản trên hẳn phải có tay nghề rất điêu luyện vì khi nhìn vào, các bạn có thể thấy sự nhịp nhàng của các con chữ. Thế nhưng trên đó viết gì thì… lại là một câu chuyện khác. Đừng nói đến người nước ngoài ngay cả người Nhật cũng phải “ngần ngại” trước kiểu chữ này!
Cũng chính bởi kiểu chữ phức tạp như Kuzushiji mà văn học cổ điển của Nhật Bản khó tiếp cận được với thế giới, điều này quả thật đáng tiếc!

Thế nhưng có một người nước ngoài đã thử thách với Kuzushiji, cô tên là Tarin Clanuwat.

https://ledge.ai/tkasasagi-interview/

Tarin đến từ Bangkok, Thái Lan, cô là một fan lớn của văn học cổ điển Nhật Bản. Để theo đuổi niềm đam mê, cô theo học lên cao học ở Nhật Bản để nghiên cứu văn học cổ điển. Tác phẩm yêu thích của cô là Genji Monogatari Emaki.

Genji Monogatari Emaki là tác phẩm được viết bởi Murasaki Shikibu vào năm 1008, là câu chuyện cổ dài nhất của Nhật Bản. Truyện được viết trên một cuốn Emaki (cuộn tranh) chứa cả tranh lẫn chữ. Để dễ liên tưởng thì các bạn có thể hình dung đến cuốn Ehon (sách tranh dành cho trẻ em) ngày nay vậy, chỉ khác là Genji Monogatari là cuốn sách tranh dành cho người lớn và độ dài các trang cũng nhiều hơn Ehon.

Lấy bối cảnh cuộc sống của các quý tộc thời bấy giờ, Genji Monogatari Emaki có các yếu tố như tình yêu đôi lứa, thủ đoạn chính trị… nhìn chung, đây là một câu chuyện khá thú vị và hấp dẫn. Dưới đây là hình minh họa trong truyện, nhìn vào các bức hoạ, ta có thể hình dung được cuộc sống xa hoa của quý tộc thời ấy.

Tuy là một tác phẩm cổ điển và chứa đựng giá trị lớn, nhưng tiếc thay, ngay người Nhật không thể đọc được bản gốc của tác phẩm này. Lý do vì trong tác phẩm có nhiều chữ cổ gây khó hiểu cho người đọc, và thêm đó là sự nan giải đến từ kiểu chữ Kuzushiji.

Bản gốc sẽ trông như dưới đây:

Như các bạn cũng thấy, chữ viết trong tác phẩm này còn khó đọc hơn cả bản mà tôi giới thiệu ở đầu bài viết.

Thật đáng tiếc khi người Nhật không thể đọc những tác phẩm văn học tuyệt vời như vậy!

Trước vấn đề này, Tarin đã nảy ra ý tưởng lập trình khả năng đọc Kuzushiji cho AI vì bản thân cô có khả năng đọc rất tốt.

Kuzushiji được viết bằng tay nên chữ viết sẽ thay đổi theo thói quen dùng bút của mỗi người, ngay cả khi đó là chữ của cùng một nhà văn đi nữa thì hình dạng của chữ viết cũng không đảm bảo sự nhất quán. Do đó, Tarin đã cẩn thận cài đặt nhiều phiên bản chữ viết Kuzushiji cho AI và phát minh ra một ứng dụng trên điện thoại có tên là Miwo. Dự án được ấp ủ và hoàn thiện trong suốt nhiều năm, cuối cùng Miwo có thể đọc được chính xác 95% chữ Kuzushiji của thời Edo, ứng dụng có độ chính xác không thua gì những ứng dụng đọc chữ viết hiện đại khác.

Để sử dụng Miwo, người dùng chỉ cần giơ camera của điện thoại hoặc máy tính bảng trước chữ Kuzushiji, ứng dụng sẽ tự động chuyển những chữ này thành chữ viết hiện đại.

Nói về Tarin, khi còn nhỏ, cô bé yêu thích Nhật Bản đến mức bị nhiều người xung quanh gọi là “Nihon mania” (thường ám chỉ người nước ngoài “nghiện” Nhật Bản). Tarin dành sự quan tâm cho tất cả các loại hình văn hóa Nhật Bản từ Manga, Anime đến cả ẩm thực… Thế rồi đến một ngày, Tarin đọc được bộ Manga có tên là “The tale of Genji”. Manga này là phiên bản hiện đại được chuyển thể từ tác phẩm Genji Monogatari Emaki đã được nêu ở trên. Sau khi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng, Tarin đã đọc và yêu thích luôn cả bộ truyện gốc.

Trong một bài kiểm tra nọ tại trường Đại học, vì không thể đọc được Kuzushiji, Talin đã bị điểm F. Vô cùng thất vọng về bản thân mình, cô đã bật khóc trong phòng chờ của trường đại học. Nhờ lần “thất bại” đó, Tarin bắt đầu đến với thư pháp. Khi lên tứ đẳng cô đã giành được giải thưởng xuất sắc tại một cuộc triển lãm thư pháp nổi tiếng. Từ một người cực kỳ ghét Kuzushiji, Tarin đã trở nên yêu thích và bây giờ, cô còn có khả năng dạy lại kiến thức này cho AI (trí tuệ nhân tạo). Tuy nhiên, vì không có kiến thức về lập trình nên cô đã gửi thư cho một giáo sư đại học Tokyo nhờ giúp đỡ, cuối cùng, cô cũng có thể thực hiện được ý tưởng của mình. Sau đó, Tarin đã dành ra 6 tháng không ngừng nghỉ để dạy Kuzushiji cho AI.

Kết quả đạt được, ứng dụng do Tarin tạo ra đã vượt qua cả những chuyên gia đầu ngành, trong khi một chuyên gia phải mất khoảng 10 phút để dịch 1 trang chữ Kuzushiji thì Miwo chỉ mất 1 giây để ra được bản dịch.

Với ý tưởng tuyệt vời của mình, Tarin xứng đáng nhận được sự ca ngợi vì đã giúp cho nhiều người Nhật tiếp cận được với văn học cổ điển nước nhà. Sau khi phát hành, ứng dụng của cô đã nhận được 10,000 lượt tải xuống trong vòng 48h. Vì đây là một lĩnh vực khá chuyên môn nên số lượt tải lớn như vậy đã là một kết quả đáng kinh ngạc.

Hóa ra, rất nhiều người tải ứng dụng về không chỉ để đọc văn học cổ điển, có người chia sẻ họ sử dụng Miwo với mục đích tìm hiểu xem chữ trên những cuộn tranh treo trong nhà có ý nghĩa gì. Sau khi sử dụng, nhiều người dùng đều đánh giá cao ứng dụng của cô.

Nhờ thành tích đáng nể phục này, Tarin đã được “ông lớn” Google chiêu mộ. Thật đáng tiếc khi một cô gái tài giỏi và yêu thích Nhật Bản đến vậy lại không có được cơ hội làm việc trong công ty Nhật. Tôi thực sự ngưỡng mộ Tarin, hiếm có một người nước ngoài nhiệt huyết và yêu thích Nhật Bản đến mức cống hiến công sức, trí tuệ của mình như cô gái tài năng này.

Kengo Abe
Xem thêm: