Công nghệ AI hỗ trợ phát hiện Kodokushi sớm hơn

 

 

 

Kodokushi (孤独死) là cụm từ tiếng Nhật để chỉ những cái chết cô độc ở Nhật. Dân số Nhật Bản già hóa, thêm vào đó ngày càng nhiều người chọn lối sống độc thân, đó là lý do tình trạng Kodokushi tăng nhanh.

Chỉ riêng ở Tokyo, đã có 5.513 Kodokushi trong năm 2018, gần gấp sáu lần số vụ giết người được xác nhận của cả nước.

Vì những người này ở một mình nên khi chết cũng chẳng ai hay. Chỉ khi cái xác bắt đầu phân hủy, bốc mùi, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, lúc đó mới có người báo cáo cho cảnh sát.

Giờ đây, công nghệ AI có thể hỗ trợ phát hiện xác của những người chết một mình trước khi phân hủy.

Ảnh https://diamond.jp/articles/-/224013

Ở Nhật có một đội dọn dẹp hiện trường chuyên xử lý những cái xác như vậy. Có 3 vấn đề chính họ cần giải quyết đó là chất lỏng cơ thể của người quá cố, những vật có giá trị người chết để lại và mùi ám trong không khí.

Sau khi dọn dẹp xong, bất động sản mà người chết từng ở bị dán nhãn Jiko bukken (事故物件). Nếu là nhà thuê, chủ nhà phải thông báo đầy đủ cho người thuê mới tình trạng trước kia của ngôi nhà. Do đó mà những bất động sản như vậy thường không thể sinh lợi nhuận cũng như bị kỳ thị, xa lánh. Hệ quả nhiều công ty bất động sản từ chối cho người lớn tuổi thuê nhà một mình, một phần vì lo ngại chi phí dọn dẹp, đặc biệt là tránh tình trạng Kodokushi.

Ảnh https://bunshun.jp/articles/-/46368

Theo Suumo, một công ty bất động sản nổi tiếng của Nhật Bản, giá bất động sản đã từng là hiện trường án mạng giảm 10 đến 20%, 30% đối với các vụ tự tử và khoảng 50% đối với các vụ giết người và tội phạm khác.

Gần đây, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã ban hành hướng dẫn mới, xác định khi nào các nhà môi giới nên thông báo cho những người thuê về tình trạng bất động sản. Cụ thể, các đại lý bất động sản không bắt buộc phải thông báo cho những người thuê mới về Kodokushi nếu vụ việc đã xảy ra hơn ba năm trước.

Tuy nhiên, một khi xảy ra Kodokushi, những người quản lý muốn có thể phát hiện ngay lập tức để ngăn tình trạng thi thể bị phân hủy, giúp giảm chi phí cũng như những khó khăn trong quá trình dọn dẹp.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty cài đặt dịch vụ AI giám sát và cảm biến chuyển động bên trong nhà có người lớn tuổi sinh sống. Hệ thống này giúp phát hiện khi nào người sống trong nhà không còn di chuyển.

R65 inc là cơ quan bất động sản Nhật Bản chuyên giúp những người từ 65 tuổi trở lên tìm nhà, cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ AI kể trên.

Công ty cũng cài đặt AI để ghi lại quá trình sử dụng điện của cư dân, theo dõi những bất thường cho thấy ai đó có thể đã chết. Nếu các bất thường được phát hiện trong hơn 20 giờ, cư dân ở đó sẽ nhận được cuộc gọi tự động. Nếu họ không trả lời, một email sẽ được gửi đến chủ nhà hoặc người môi giới phụ trách khu nhà.

Ảnh The New York Times

Theo người sáng lập công ty, Ryo Yamamoto, sử dụng AI để theo dõi lịch sử dụng điện không xâm phạm quyền riêng tư của cư dân, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều khách hàng của anh.

Tokyo Gas, nhà cung cấp chính về khí gas và điện cho thủ đô và các thành phố lân cận ở Nhật Bản cũng đã lắp đặt các công nghệ tương tự, với kế hoạch lắp đặt cảm biến tại hơn 70.000 ngôi nhà bắt đầu từ tháng 12 năm nay.

Công nghệ này không chỉ mang lại lợi ích cho các công ty và nhà môi giới bất động sản. Ryo Yamamoto cho biết những khách hàng lớn tuổi của anh đã bày tỏ mong muốn không muốn trở thành gánh nặng của người khác sau khi qua đời. Ryo cho biết thêm rằng khách hàng của anh muốn được qua đời khi đang ngủ, và được phát hiện trong tư thế đó.

“Thay vì sợ hãi sẽ chết trong cô đơn, khách hàng của chúng tôi cho biết họ quan tâm hơn đến việc thi thể sẽ được tìm thấy nhanh chóng và ở trong tình trạng tốt.”

 

Sacchan
Xem thêm: