Có công lớn trong công cuộc thống nhất Nhật Bản, lý do Tokugawa Ieyasu lại không được lòng dân Nhật là…
Bạn có biết người đàn ông thành công nhất trong lịch sử Nhật Bản nhưng lại bị người đời ghét bỏ là ai không?
Cái tên không mấy xa lạ, đó là Tokugawa Ieyasu.
Trong bài viết này, hãy cùng JAPO tìm hiểu lý do tại sao lại xuất hiện sự mâu thuẫn như vậy nhé!
Ngày xưa, Nhật Bản được chia thành từng vùng lãnh thổ giống như các tỉnh thành của Nhật Bản thời nay, mỗi khu vực lại giống như một quốc gia thu nhỏ. Trong đó, tất cả vẫn thống nhất rằng Thiên Hoàng là con của trời và là người nắm giữ vị trí đứng đầu đất nước.
Đến thời Chiến Quốc – thời kỳ hoàng kim của Samurai là khoảng thời gian liên tục xảy ra chiến tranh nhằm tranh giành lãnh thổ. Cuối cùng, sau trận Sekigahara, Tokugawa Ieyasu đã dành được chiến thắng, thống nhất Nhật Bản và lập ra thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa.
Sau chiến tranh, Ieyasu xây dựng cứ điểm tại Edo (Tokyo ngày nay), và xây dựng triều đại vững mạnh suốt hơn 260 năm. Có thể nói, ông là người đã góp phần xây dựng nên hình mẫu Tokyo hiện tại. Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, chưa từng có vị tướng nào đạt được quyền lực tối cao như Ieyasu, ngay cả khi xét ở tầm thế giới thì đây cũng là một nhân vật đại thành công.
Thế nhưng vì lý do gì mà người Nhật lại không có hảo cảm với vị tướng vĩ đại này? Xem lại những tiểu thuyết hay phim ảnh cổ trang trước đây, nhân vật Ieyasu xuất hiện rất nhiều nhưng hiếm khi trở thành nhân vật chính. Lý do là vì số lượng người Nhật yêu mến Ieyasu quá ít ỏi.
Phần đông người Nhật không hẳn là ghét ông, nói đúng hơn là họ không thích hoặc không cảm nhận được sức hút từ nhân vật này. Nếu bạn hỏi một người Nhật, tướng quân yêu thích của bạn là ai? Có lẽ bạn sẽ hiếm khi gặp được người có câu trả lời là Tokugawa Ieyasu.
Tất cả tóm lại trong 2 từ đó là “vô vị”. Nghe có vẻ thật xúc phạm trước một anh hùng đã đấu tranh cho 260 năm hoà bình của nước Nhật. Vậy cụ thể ông “vô vị” ở những điểm nào? Chúng ta cùng điểm qua một lượt nhé.
1/ Một con người chỉ biết chờ đợi
Trong thời Chiến Quốc, Takeda Shingen được biết đến như một vị Samurai bất khả chiến bại. Tiếc thay, ông đã chết vì bệnh tật. Kế vị ông là Oda Nobunaga. Cả hai đều là những Samurai có nhiều trận đấu oai hùng. Vì vậy, khán giả cảm thấy hứng thú với câu chuyện của họ.
Mặt khác, câu chuyện của Ieyasu – người thành công nhất lại kém hấp dẫn hơn. Khi chỉ mới 6 tuổi, Tokugawa bị cha mình gửi làm con tin cho một phe đồng minh để cầu sự trợ giúp. Tuy nhiên, trong quá trình đó, họ trở mặt và bán Ieyasu cho một Samurai khác. Nắm được Ieyasu trong tay, Samurai nọ dùng ông để uy hiếp người cha. Đến năm 19 tuổi, ông mới được thả đi.
Quả là một thời thơ ấu khó khăn. Tuy nhiên, mọi việc sau đó diễn ra khá suôn sẻ. Sau này, Ieyasu hoạt động dưới trướng của Oda Nobunaga – Samurai có nhiều quyền lực nhất lúc bấy giờ. Khi Nobunaga bị đánh bại, ông tiếp tục ở dưới trướng Hideyoshi Toyotomi – Samurai quyền lực kế vị.
Sau khi Hideyoshi mất, Ieyasu trở thành phe đối lập, gây nên một cuộc chiến với phe kế vị của Hideyoshi. Đây là trận chiến duy nhất mà người Nhật ấn tượng về ông. Trận chiến vô cùng khốc liệt, tuy nhiên, nói một cách chính xác, đây vẫn chỉ là một cuộc nổi loạn. Bên cạnh đó, người cống hiến và đấu tranh hết mình cho trận chiến này không phải là Ieyasu mà là thuộc hạ của ông.
Tóm lại, dường như Ieyasu chỉ khoanh tay chờ đợi và ra tay vào đúng thời điểm. Hành động này khá khôn ngoan, tuy nhiên, người Nhật cảm thấy câu chuyện này không có sức hút.
2/ Một con người tàn nhẫn
Nói về Samurai, chúng ta sẽ lập tức nghĩ đến hình ảnh một con người chính trực, trọng lễ nghĩa, giàu tình cảm… Những câu chuyện về Samurai như hy sinh bản thân để cứu người, chiến đấu vì một mục đích cao cả,… rất được mọi người yêu thích.
Ngược lại với hình ảnh trung thành của một Samurai, Ieyasu lại dễ dàng trở mặt. Khi liên minh của ông bại trận trước Nobunaga, Ieyasu nhanh chóng phản bội và trở thành đồng minh của Nobunaga. Khi đồng minh chết, ông lại quay sang bắt tay với Hideyoshi Toyotomi. Kế đến, khi Hideyoshi chết, ông nổi dậy và chiếm lấy Nhật Bản.
Chính trực, trọng lễ nghĩa, giàu tình cảm… dường như Ieyasu không có những phẩm chất này.
3/ Khuôn mặt không gây được thiện cảm
https://www.gqjapan.jp/culture/column/20160916/the-spirit-of-the-founder-of-tokugawa-shogunate
“Đừng trông mặt mà bắt hình dong.” – Tôi hiểu được điều này. Tuy nhiên, khuôn mặt một người nói lên rất nhiều điều. Samurai Nobunaga Oda – một trong những Samurai anh dũng nhất, có ngũ quan rất rõ ràng. Takeda Shingen – vị Samurai bất bại lại được miêu tả có khuôn mặt mạnh mẽ.
Còn khuôn mặt của Ieyasu được phác hoạ như hình trên. Nhìn vào bức tranh, người này trông như thể đang mệt mỏi vì ngồi xe khách suốt 16 tiếng vậy. Không ai cảm nhận được chút hào khí hay nhiệt huyết trên khuôn mặt ông. Phải chăng người vẽ bức tranh này cố tình khiến cho khuôn mặt của Ieyasu trông như vậy?
4/ Câu chuyện không đủ hấp dẫn để làm phim
Toyotomi Hideyoshi xuất thân là con trong một gia đình nhà nông. Trong sự nghiệp của mình, ông chiến đấu hết lòng vì Oda Nobunaga, sau đó còn được mệnh danh là Samurai số 1 Nhật Bản. Tuy có người thích kẻ ghét nhưng cuộc đời ông lại là một câu chuyện chưa từng có tiền lệ.
Ngược lại, cuộc sống của Ieyasu khi làm con tin suốt 13 năm lại khá nhàn nhã, thiếu đi những tình tiết hấp dẫn. Nói về tính cách nhân vật, Ieyasu không được thuộc hạ yêu mến như Takeda Shingen, không nóng nảy giống như Oda Nobunaga… Nhìn chung, ông không có điểm nào ấn tượng cả.
5/ Thiếu đi hình ảnh chiến đấu của một Samurai
Samurai nổi tiếng với những trận chiến đẫm máu và oanh liệt. Trong đó, Sanada Yukimura đã từng đặt cược mạng sống để chiến đấu vì chính nghĩa. Maeda Keiji lại để lại ấn tượng về một Samurai hiếu chiến và dũng mãnh. Nói về Tokugawa Ieyasu, thứ duy nhất hiện lên trong đầu người Nhật đó là hình ảnh người đàn ông có biệt danh “Tanuki Oyaji – Tạm dịch: Ông bố lửng chó”. Lửng chó là loài vật tương truyền có khả năng biến thành người, dựa vào khuôn mặt đáng yêu để lừa gạt người khác. Vì vậy nick name này có lẽ dùng để chỉ cả về ngoại hình lẫn tính cách của Ieyasu. Ngoài ra, ông cũng không hề có khí thế ra trận như những Samurai khác.
Mặc dù bị bủa vây bởi vậy bởi những nhận định tiêu cực từ người đời, song không thể phủ nhận sự thật rằng nếu không có Ieyasu, có lẽ Nhật Bản ngày nay sẽ không tồn tại. Minh chứng là thời kỳ Edo do Ieyasu tạo ra đã kéo dài suốt 265 năm. Nhờ có ngần ấy năm hòa bình, văn hóa Nhật Bản mới có thể tiếp tục phát triển. Các nền văn hóa như Sushi, Kabuki, hội họa, Sumo đều ra đời và phát triển từ thời kỳ yên bình này. Nếu đánh giá về những mặt này có lẽ ấn tượng của người Nhật về ông sẽ tốt lên không chừng?
Còn các bạn suy nghĩ thế nào về vị Samurai này? Hãy cho JAPO biết ý kiến nhé!
Kengo Abe