Cô gái trẻ tạo ra mô hình “Kodokushi” tái hiện “những cái chết cô độc” thật đến mức khiến người xem rùng mình

Hiện tượng Kodokushi là cách gọi của những cái chết cô độc, bẵng đi một thời gian mới có người phát hiện. Kodokushi là vấn nạn ở Nhật Bản đang có xu hướng ngày càng tăng. Ước tính có khoảng 30,000 trường hợp tử vong do không được giám sát ở Nhật Bản mỗi năm, nhưng chỉ kể từ khoảng năm 2019, vấn đề Kodokushi mới được công nhận rộng rãi.

Năm 2014, khi Kodokushi chưa phải là một hiện tưởng xã hội được quan tâm, công ty tên là To-Do Company đã được lập ra với sứ mệnh dọn dẹp nơi ở của người đã khuất. Công việc này được nhiều người gọi là ”dọn dẹp vết thương”.

https://www.nippon.com/

Khi ai đó qua đời một mình ở nhà, các công ty như To-Do Company sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp căn phòng và biến nó trở thành không gian để người khác đến sinh sống. Điều này liên quan đến việc thu thập bất kỳ vật phẩm nào do người quá cố để lại, loại bỏ rác và những dấu vết sinh học, loại bỏ vết bẩn cũng như mùi hôi, đồng thời khử trùng không gian.

Các khu dân cư thường rơi vào tình trạng lộn xộn kinh hoàng,công ty đặc biệt chú ý thu thập và dọn dẹp đồ đạc của cư dân, phân loại đồ dùng cá nhân, đặc biệt là những vật dụng có giá trị vật chất hay tinh thần. Sau đó chuyển những thứ này cho các thành viên còn lại trong gia đình.

Những mô hình nhỏ ra đời

Là lĩnh vực chuyên biệt đòi hỏi sự tinh tế và thận trọng, tuy nhiên công việc dọn dẹp nơi ở của người đã khuất vẫn chưa được biết đến nhiều. Vì thế, với mong muốn gia tăng nhận thức của mọi người về tính nghiêm trọng của Kodokushi, công ty To-Do đã đăng ký mở một gian trưng bày tại triển lãm tang lễ Endex Japan năm 2015.

Tuy nhiên, dù cố gắng gây ấn tượng với những người xung quanh để họ hiểu về mức độ nghiêm trọng của Kodokushi, công ty cũng rất ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều khách tham quan, kể cả người làm trong ngành tang lễ công khai chế giễu. Họ nói rằng ở một đất nước “không làm phiền nhau” như Nhật Bản, cái chết của một người sẽ không được chú ý trong nhiều ngày, vài tuần hoặc có khi đến vài tháng, và tự tin khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ phải chịu số phận cô đơn như vậy.

Kojima Miyu là nhân viên nữ duy nhất của công ty To-Do company. Hơn ai hết cô rất hiểu quan điểm của những người chưa từng tận mắt chứng kiến khung cảnh khiếp đảm của một cái chết sau nhiều tháng từ hậu quả của Kodokushi. Vì vậy với tâm thế của một nhân viên đã từng có kinh nghiệm xử lý các vụ Kodokushi, cô quyết định tạo ra mô hình thu nhỏ “diorama” tái hiện lại những căn phòng từng có người qua đời để truyền tải một cách mạnh mẽ nhất đến cộng đồng.

Kojima Miyu chưa bao giờ làm ”diorama” trước đây mà tự học thông qua kết hợp xem Video trực tiếp và làm theo thử. Dần dần, cô học được cách xây dựng khung của các mô hình, cũng như cách làm các món đồ nội thất khác nhau, thêm vào đó là các thủ thuật như dùng phấn mắt để giả làm bụi bẩn.

Mô hình của Kojima Miyu không đơn giản là những căn phòng thu nhỏ mà là những câu chuyện được kể lại theo cách đặc biệt.

3 mô hình Kodokushi phổ biến 

Có 3 mô hình cụ thể về 3 loại Kodokushi phổ biến. Tác phẩm đầu tiên là “Kodokushi, tuổi 50-60”. Nhóm tuổi này chiếm một phần đáng kể trong các trường hợp chết một mình, đặc biệt những trường hợp không được phát hiện trong thời gian dài. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề trong giao tiếp với gia đình, hàng xóm và cộng đồng.

Các nạn nhân ở độ tuổi chưa quá cao, sức khoẻ tốt, có thể không cần thiết kết nối thường xuyên với gia đình, bạn bè. Họ thường im lặng, thậm chí không đoái hoài khi có khách đến gõ cửa. Do đó hàng xóm ít để ý đến sự vắng mặt kéo dài của họ, làm chậm trễ việc phát hiện thi thể. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, thi thể được phát hiện sau gần nửa năm.

Hy vọng những người sau khi xem ”diorama” sẽ đánh giá cao hơn tầm quan trọng của những tương tác nhỏ trong cuộc sống như gọi điện, thăm hỏi hàng xóm và các hình thức giao tiếp hàng ngày khác.

Mô hình thứ 2 có tên “Kodokushi gây ra bởi sốc nhiệt”. Trong cái giá lạnh của mùa Đông, một người bước từ phòng có lò sưởi vào nơi không được sưởi ấm chẳng hạn như hành lang, nhà vệ sinh hoặc nhà tắm, có thể bị tăng huyết áp đột ngột do các mạch máu co lại để phản ứng với không khí lạnh.

Thực hiện các biện pháp đơn giản như mang dép khi đi trên sàn hành lang lạnh buốt, làm ấm nhà vệ sinh, lắp máy sưởi ở khu vực bồn tắm, mở vòi hoa sen trước khi vào tắm là những cách giúp bảo vệ bản thân khỏi sốc nhiệt. Mọi người cũng nên giữ nước tắm ở mức ấm vừa phải, không quá 40 độ C. Những biện pháp phòng ngừa tuy nhỏ nhưng có thể cứu sống được mạng người.

Mô hình thứ 3 là “Kodokushi của người tích trữ đồ trong phòng”. Nhìn vào căn phòng chất túi đầy rác, nào là chai nhựa, vỏ hộp bỏ đi, đồ đạc lộn xộn, ai có thể nghĩ rằng đây là căn phòng dành cho người sống. Tuy nhiên, có thể người đã từng sống trong căn phòng đó không phải người thực sự bừa bộn, tuy nhiên, một số bi kịch trong cuộc sống như ly hôn, mối quan hệ không thành, thất nghiệp, bị bắt nạt, làm việc quá sức, hay tổn thương về tâm lý sau sự ra đi của người thân hay thú cưng khiến họ chán nản và mặc kệ tất cả.

Không ai biết được cuộc sống rồi sẽ ra sao, có thể những chuyện đau lòng sẽ tự nhiên ập xuống với bạn khiến bạn vô tình trở thành nạn nhân của Kodokushi.

Cách gọi Kodokushi khiến mọi người nhận thức sai lệch

Công việc của Kojima Miyu thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các công ty chuyển hướng sang làm việc từ xa và số lượng doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng, mọi người dành nhiều thời gian hơn ở nhà.

 

Nhu cầu dọn dẹp nhà của người chết giảm xuống do thân nhân người đã khuất giờ đây có nhiều thời gian hơn để tự mình lo liệu. Ngược lại, nhu cầu xoa dịu chấn thương liên quan đến ”Kodokushi” ngày càng gia tăng, đặc biệt là các trường hợp không rõ nguyên nhân tử vong.

Điều này càng khiến cô nghĩ rằng sống chết thật vô thường, không ai có thể biết được cuộc sống của mình kết thúc khi nào hoặc như thế nào.

Nhiều người đã khuất tuy sống một mình, nhưng không có nghĩa họ chưa lập gia đình hoặc không có con cái. Người ngoài cuộc có thể phán xét gay gắt về thân nhân của người chết cô độc, tuy nhiên điều này không phải luôn đúng. Một phần của vấn đề nằm ở việc sử dụng cụm từ ”Kodokushi”.

”Kodoku” ám chỉ sự cô độc, thể nhưng sự thật là chỉ một số ít người chết một mình ở nhà bị cô lập với xã hội. Hầu hết họ đều có cuộc sống viên mãn, thích đi du lịch, chia sẻ sở thích với bạn bè và gia đình cho đến cuối đời. Thật không công bằng khi gán cho họ danh xưng “chết cô độc”. Thay vào đó có thể sử dụng một thuật ngữ khác như “jitakushi – chết tại nhà”.

Có nhiều lý do để hy vọng rằng tình hình đang thay đổi. Sự chú ý ngày càng tăng của giới truyền thông đã nâng cao nhận thức về vấn đề này. Do đó, các thi thể được phát hiện sớm hơn trước, làm giảm bớt phần lớn chấn thương liên quan tới ”Kodokushi”.

Thông điệp

Thông qua những mô hình thu nhỏ về Kodokushi, Kojima Miyu không chỉ muốn nâng cao nhận thức của xã hội mà còn muốn gửi gắm đến chúng ta một thông điệp rằng dù bất cứ khi nào, hãy dành thời gian cho bản thân để làm những điều mình thích, trải nghiệm những hoạt động thú vị, yêu thương mọi người nhiều hơn để không ai trong chúng ta phải hối tiếc về sau.

Hana
Xem thêm: