Bạn có đang “bị lừa” khi đi siêu thị nhưng chưa từng nhận ra?

Các bạn đã từng nghe qua kỹ thuật Stealth chưa? Stealth là một kỹ thuật/công nghệ được Mỹ và Trung Quốc sử dụng giúp máy bay quân sự không bị kẻ địch phát hiện. Trong quân sự, đây là một kỹ thuật quan trọng được áp dụng trong trinh sát lẫn trên chiến trường. Tại Nhật Bản, Stealth lại được dùng ở một nơi hoàn toàn khác: đó là siêu thị!

Thực tế trong Marketing cũng có thuật ngữ gọi là Stealth Marketing hay còn gọi là tiếp thị lén lút. Nghĩa là nhiều nhà quảng cáo sẽ đưa quảng cáo đặt vào những địa điểm, phương tiện mà người xem thậm chí cũng không biết rằng thứ họ đang xem là một thông tin quảng cáo. Cùng một ý nghĩa đó, người Nhật cũng sử dụng kỹ thuật Stealth trong buôn bán hàng hoá nhưng theo một mục đích khác với tiếp thị. Trong bối cảnh thiếu hụt nguyên liệu… nhiều mặt hàng buộc phải đối mặt với nguy cơ tăng giá bán. Thế nhưng càng tăng giá, người tiêu dùng lại càng rời xa sản phẩm, lúc đó kỹ thuật Stealth sẽ được áp dụng.

 

Các bạn đang sống ở Nhật có để ý rằng, gần đây lượng bánh trong các bịch Snack khoai tây dường như ít hơn trước không?

Có thể bạn sẽ khó nhận ra vì giá tiền của các bịch bánh không hề thay đổi. Nhưng nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra định lượng của sản phẩm đã ít nhiều được điều chỉnh. Chẳng hạn như xúc xích ít đi một cây, viên Sô cô la nhỏ lại một chút.

Đây chính là cách áp dụng kỹ thuật Stealth để “tăng giá” trong âm thầm lặng lẽ của các doanh nghiệp.

Điều này có phạm pháp không ư? Tuy không tăng giá mặt hàng nhưng nhà sản xuất đã khéo léo sửa lại dòng chữ khối lượng tính trên bao bì mà bạn thường nhìn thấy, đồng thời lượng hàng bên trong đã thay đổi theo bao bì, vì vậy đây không phải là hành động gian lận. Tuy nhiên, là một người tiêu dùng, chắc hẳn chúng ta vẫn có một chút cảm giác bị lừa.

Để thay đổi nội dung trên bao bì, nhà sản xuất sẽ mất một khoảng thời gian và công sức nhất định để căn chỉnh lại khối lượng sản phẩm cũng như nhiều yếu tố khác. Tôi nghĩ rằng họ chỉ cần tăng giá, như vậy sẽ đỡ tốn kém và bớt rườm rà hơn nhiều.

Tuy nhiên, không chỉ nhà sản xuất mà phía người tiêu dùng cũng là lý do gây ra điều này. Nhiều người mua quá tập trung vào giá, điều này góp phần ảnh hưởng đến động thái của nhà sản xuất. Bản thân tôi cảm thấy rất tức giận khi phát hiện ra nhiều món hàng mình mua đã bị âm thầm tăng giá. Để loại bỏ điều này, tôi nghĩ chúng ta cần trở thành những người tiêu dùng thông minh hơn!

Kengo Abe
Xem thêm: