Vì sao hơn một nửa nam giới Nhật Bản lại có thói quen tiểu ngồi?
Người Nhật rất “cuồng” nhà vệ sinh! Nếu bạn là một độc giả quen thuộc của JAPO, chắc hẳn bạn đã bắt gặp rất nhiều bài viết thú vị xoay quanh chuyện người Nhật và cái nhà vệ sinh. Đặc biệt nam giới Nhật Bản chịu “áp lực” lớn trong vấn đề tế nhị này. Họ bị cấm làm một chuyện trong nhà vệ sinh, bạn có biết đó là gì?
Là một nam giới, bạn sẽ đi tiểu tiện theo tư thế nào? Đứng hay ngồi ? Có lẽ nhiều bạn đã quá quen với việc tiểu đứng, đây cũng là thói quen đi vệ sinh chung của đàn ông trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đa số các gia đình Nhật Bản không cho phép điều này.
Đây là cách đàn ông Nhật Bản đi tiểu.
Ở Nhật Bản, đứng cũng là tư thế tiểu tiện cơ bản, tuy nhiên, theo thống kê năm 2021, có khoảng 60% nam giới nước này đi tiểu ở tư thế ngồi. 10 năm trước, số liệu này là 30%, có thể thấy đã có những thay đổi lớn đã diễn ra. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do ý thức giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ ở Nhật Bản.
Dưới đây là hình ảnh nhà vệ sinh điển hình của một hộ gia đình Nhật Bản.
Trông rất sạch sẽ phải không nào!
Sàn nhà vệ sinh không làm bằng gạch nên không thể dội rửa được. Nếu đi tiểu đứng, nước tiểu sẽ dễ bắn ra xung quanh. Vì vậy, các bà vợ mới “ra lệnh” cho chồng mình tiểu ngồi để đảm bảo vệ sinh.
Khi được phỏng vấn, 77,6% người vợ trả lời rằng họ muốn chồng mình ngồi xuống khi tiểu tiện. Vợ đã muốn vậy, các ông chồng không thể không nghe theo.
Đọc đến đây, có lẽ nhiều bạn sẽ thắc mắc vì sao người Nhật không xây sàn gạch để việc dọn rửa nhà vệ sinh dễ dàng hơn? Câu trả lời nằm ở thời tiết! Mùa Đông ở Nhật Bản rất lạnh. Nếu lót nhà vệ sinh bằng gạch, sàn nhà sẽ trở nên lạnh buốt vào mùa Đông, khiến việc đi vệ sinh trở nên khó khăn.
Bản thân tôi trước đây thuộc “trường phái” tiểu đứng. Tuy nhiên, sau khi hiểu hơn về vấn đề này, tôi đã tập tiểu ngồi và quen hẳn.
Nhà vệ sinh ở Nhật Bản rất sạch sẽ và mang lại cảm giác thư giãn. Nhiều gia đình còn dày công trang trí và biến nhà vệ sinh trở thành không gian ấm cúng cho các thành viên trong gia đình. Vì lối thiết kế tách biệt phòng tắm và nhà vệ sinh nên sàn nhà luôn khô ráo. Bạn có thể dành nhiều thời gian trong nhà vệ sinh như mang theo điện thoại hay tạp chí và thong thả “hành sự”.
Là một người dân trong đất nước ưa chuộng toilet, đàn ông Nhật Bản cũng phải hy sinh dáng vẻ nam tính của mình để giữ gìn vệ sinh cho nơi này.
Nghĩ đi nghĩ lại, các gia đình người Việt cũng có thể áp dụng quy tắc tương tự để giảm bớt gánh nặng dọn dẹp cho các bà mẹ cũng nên.
Kengo Abe