Câu chuyện lấy nhu thắng cương của “cha đẻ” bộ môn Judo – Kano Jigoro
Hôm nay, nhân kỷ niệm 161 năm ngày sinh của cố võ sư Kano Jigoro, người sáng lập ra môn võ Judo nổi tiếng của Nhật Bản, Google Doodle đã dành hẳn một chuỗi câu chuyện bằng hình để vinh danh ông.
Vậy Kano Jigoro xuất chúng đến đâu mà lại được kỷ niệm sinh nhật đặc biệt đến vậy, hãy cùng JAPO tìm hiểu đôi nét về ông.
本日の https://t.co/f5X65MmsY1 は、#嘉納治五郎 氏の生誕 161 周年仕様🎂🎉
教育者の同氏は、柔道家・講道館柔道の創始者🥋その功績から「 #柔道の父 」と呼ばれ、日本におけるスポーツの発展に尽力しました。 pic.twitter.com/d8idiL8ufs
— Google Japan (@googlejapan) October 28, 2021
Kano Jigoro sinh ngày 28/10/1860, xuất thân ở tỉnh Hyogo. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, nổi tiếng với nghề nấu rượu Sake truyền thống. Là con thứ 3 trong nhà, tuy cuộc sống dư dả nhưng Kano sinh ra vốn yếu ớt, cơ thể nhỏ bé, gầy gò hơn những bạn cùng trang lứa. Thậm chí có lần ông đã từng bị côn đồ đánh đến ngất xỉu, từ đó ông càng nung nấu quyết tâm tu luyện để tự bảo vệ bản thân.
Đến năm 1867, sau thời gian Nhật Bản thực hiện chính sách bế quan toả cảng, cũng đã đến thời kỳ suy tàn của Mạc Phủ Tokugawa, mở đường cho thời Kỳ Minh Trị. Khi ông lên 10, cha ông đến Tokyo nhậm chức mang theo cả gia đình đến thủ đô, tại đây ông được hưởng nền giáo dục tiên tiến như học tiếng Anh, thư pháp. Năm 17 tuổi ông trở thành sinh viên của Đại học Tokyo, đây là nơi quy tụ rất nhiều giảng viên nổi tiếng từ nhà kinh tế học Shibusawa Eiichi , đến nhà giáo dục học Nakamura Masanao hay nhà Hán học Mishima Chushu. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của Ernest Fenollosa, ông còn nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học tài chính (kinh tế học), triết học, đạo đức học, và mỹ học. Kano có khả năng học thuật và tiếp nhận tri thức cao thế nhưng nỗi tự ty về thể chất yếu ớt thôi thúc ông tìm đến võ đường xin học.
Ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kano_Jigoro#/media/T%E1%BA%ADp_tin:Kano_Jigoro.jpg
Ông tìm đến nhu thuật (Jujitsu), một loại võ thuật cổ truyền của Nhật Bản, đây là loại võ mang tính sát thương cao được nhiều Samurai sử dụng để tự vệ và tấn công. Jujitsu nổi tiếng với các đòn đánh như quật ngã, siết cổ, khóa tay, khóa chân… Trải qua quá trình tu luyện ở nhiều võ đường, dưới sự hướng dẫn của nhiều võ sư nổi tiếng như Fukuda Hachinotsuke. Khi ông đang làm trợ giảng cho võ sư Iso Masatomo thì thầy đột ngột qua đời vì bạo bệnh, không vì thế mà dừng chân ở con đường võ sư, ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu võ thuật. Tại đây ông bén duyên cùng thầy Tsunetoshi Iikubo và học được các kỹ năng quăng, ném… ảnh hưởng đến con đường sáng tạo ra Nhu đạo Judo của ông sau này.
Thế rồi trong một lần giao đấu với võ sĩ nhà nghề Fukushima Kenkichi nặng 90kg, ông đã không thể nào vượt qua bởi cân nặng kém xa đối thủ, lúc đó ông chỉ có 50kg. Làm thế nào để đánh bại một đối thủ to lớn hơn mình? Để giải quyết câu hỏi lớn, ông lao vào nghiên cứu và tập luyện miệt mài. Đặt Jujitsu dưới góc nhìn khoa học và triết học để sáng tạo ra những điểm khác biệt, kết quả là Kano đã dễ dàng nhấc bổng đối thủ 90kg và ném anh ta xuống sàn đấu.
Năm 1881, ông tốt nghiệp khoa Triết học, khoa học Chính trị và Tài chính và Khoa Văn của Đại học Tokyo.
Song song với sự nghiệp học vấn, đến năm 1882 (Năm Minh Trị thứ 15), ông sáng lập ra Judo (柔道) – Nhu đạo, đồng thời xây dựng võ đường tại Đền Eishoji với 9 môn đồ. Đây là tiền thân cho võ đường nổi tiếng Kodokan sau này. Điểm khác biệt của Judo và Jujitsu là ở tinh thần và kỹ thuật. Judo dựa trên tinh thần lấy nhu thắng cương, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy ít địch nhiều… đồng thời loại bỏ triệt để những đòn đánh nguy hiểm, đề cao tinh thần thượng võ và giúp con người rèn luyện thể chất.
Năm 29 tuổi, Kano có dịp sang châu Âu tham quan nền giáo dục phương Tây, trên con tàu hướng đến châu Âu ông đã có dịp trình diễn Judo đến những người nước ngoài có mặt ở đó. Tất cả rất ngạc nhiên khi một người có sức vóc nhỏ bé lại có thể ném một đối thủ to lớn một cách dễ dàng. Cùng với sự đóng góp của các môn đồ ở ngoài lãnh thổ Nhật Bản, danh tiếng của bộ môn Judo cũng như võ đường Kodokan càng ngày càng được biết đến nhiều hơn không chỉ trong nước mà vươn ra cả thế giới. Đến năm 1897 đã có hơn 250 võ đường Judo được thành lập.
Ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kano_Jigoro#/media/T%E1%BA%ADp_tin:Kodokan_Jigoro_Kano_Statue.jpg
Bước sang thế kỷ 20, Bộ giáo dục Nhật Bản đã đưa Judo vào chương trình giáo dục chính quy, từ cấp 2 đến Đại học là một trong các môn thể chất tự chọn. Năm 1960 Judo chính thức trở thành một trong những môn thể thao tranh tài tại Olympic.
Những thành tích và đóng góp của ông dưới tư cách một nhà giáo dục hay nhà võ thuật đều không thể đếm xuể. Cũng chính có lời phát biểu của ông tại cuộc họp Uỷ ban Olympic năm 1936 đã giúp Nhật Bản có cơ hội đăng cai Thế Vận Hội, điều mà nhiều quốc gia mơ ước đạt được. Ông đã phát biểu thế này: “Thế Vận Hội ngày nay nên mở cửa cho tất cả các quốc gia và dân tộc, việc tổ chức Olympic ở châu Á sẽ là một bước đi tiến tới nền hoà bình mới”. (Cuối cùng vì chiến tranh Trung Nhật và chiến tranh thế giới thứ Hai mà Olympic Tokyo bị huỷ bỏ, mãi đến năm 1964 Nhật Bản mới chính thức đăng cai Thế Vận Hội mùa hè).
Kano Jigoro mất ngày 4/5/1938, hưởng thọ 78 tuổi. Mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Yahazuru, thành phố Matsudo, tỉnh Chiba. Gần như trở thành một thông lệ, đội tuyển Judo Nhật Bản luôn đến viếng mộ của ông trước khi lên đường tham dự Olympic hoặc giải vô địch thế giới.
——————–
Một số điểm thú vị xung quanh cuộc đời của Kano Jigoro:
1. Câu cửa miệng của ông là “Nani kuso” – “Chết tiệt” đây giống như một câu thần chú trước khó khăn mà ông đã luôn lẩm bẩm từ khi là một đứa trẻ.
2. Tổng thống Putin rất kính trọng Kano Jigoro đến nỗi ông sở hữu bức tượng và chân dung Kano Jigoro tại nhà.
3. Kano Jigoro là thành viên châu Á đầu tiên của Uỷ ban Olympic IOC.
Chee (tổng hợp)