Khoảnh khắc cuối cùng của một Samurai ! Thẩm mỹ về cái chết của người Nhật

Nếu biết ngày mai mình sẽ chết, hôm nay bạn sẽ định sống ngày cuối cùng của mình như thế nào?

Ăn bằng hết những món mình thích?

Hay tìm cách tiêu sạch tiền đề dành?

Hẳn cũng sẽ có người không tin vào định mệnh, cố gắng vùng vẫy, tìm đường thoát thân nhỉ?

Trên thế giới có rất nhiều loại người, do đó mà cách đối mặt với cái chết cũng khác nhau.

Trong tiếng Nhật có thành ngữ:

立つ鳥、あとを濁さず

Tatsu tori, ato wo nigosazu

Câu này có thể được diễn nghĩa như sau, chú chim cất cánh bay lên, lặng lẽ rời khỏi mặt nước, để lại mặt nước trong sạch như nó vốn có.
Cùng một ý nghĩa, khi liên tưởng đến nhân sinh, một người đến phút cuối đời vẫn “đẹp” – không gây phiền hà cho người khác, đó là cách nghĩ của người Nhật về CÁI CHẾT ĐẸP.

MỸ HỌC Về CÁI CHẾT

Để có một cái chết đẹp, phải sống như thế nào?

Trong lịch sử đã có nhiều Samurai theo đuổi triệt để quan niệm về cái chết đẹp, thể hiện rõ ràng trong khoảnh khắc lâm chung.

Samurai Takeda Shingen che giấu cái chết vì sợ liên luỵ quốc gia và gia đình

Ảnh https://intojapanwaraku.com/culture/100112/

Thời Chiến quốc đánh dấu một giai đoạn lịch sử nổi bật với những cuộc chiến của các Samurai trong khát vọng xưng bá, trở thành Samurai số một Nhật Bản. Samurai Takeda Shingen sống vào thời Chiến quốc, được mệnh danh là “không có đối thủ”.

Ngay đến Nobunaga Oda, Samurai được xem là đứng đầu đất nước đến tận ngày nay, dù tránh được trận giao đấu với Shingen, cũng phải ngưỡng mộ sức mạnh vô địch của người này.

Takeda Shingen qua đời vì bệnh ở tuổi 53, khi nằm trên giường bệnh, điều làm ông trăn trở nhất chính là cậu con trai cũng là người thừa kế của mình, Takeda Katsuyori. Ngay khi hay tin Takeda Shingen vĩ đại qua đời, chắc chắn tất cả những đối thủ từ trước đến giờ sẽ đồng loạt tấn công.

Đoán trước tình thế, ông đã để lại những lời cuối cùng này cho con trai mình:

“Sau khi ta chết đi, không được điều động binh lính bừa bãi. Cống hiến hết mình để củng cố chính trị trong nước, nếu kẻ địch có đột nhập thì tìm mọi cách phòng thủ, nếu chúng tháo chạy thì đuổi theo. Bằng mọi cách, che giấu việc ta qua đời trong ít nhất 3 năm”.

Đó là tinh thần bất diệt của một Samurai, vào phút cuối đời vẫn đặt đất nước và con trai của mình lên trên cái chết của bản thân.

Samurai Date Masamune – đến chết vẫn muốn kiêu hãnh, oai hùng

Date Masamune là bậc vương giả của vùng Tohoku.

Ông là người có thực lực để đứng đầu Nhật Bản, nhưng vì vấn đề địa lý, cũng như sinh sau đẻ muộn hơn các lãnh chúa thời Chiến quốc khác mà không thể vươn tới đỉnh cao.

Vì căn bệnh đậu mùa mà có một thời gian, Date Masamune phải sống ẩn dật, thế nhưng cú sốc lớn khi mất đi một con mắt đã biến thành nguồn động lực khủng khiếp, thúc đẩy người đàn ông này đứng lên thống nhất toàn khu vực Tohoku.

Date Masamune cũng mất vì bệnh. Vào ngày cuối cùng, ông dành phần lớn thời gian để ngủ trong phòng.

Vị Samurai có một Chánh thất (vợ cả) và hết mực yêu thương cô, thế nhưng lại kiên quyết không cho vợ vào phòng bệnh trong giờ phút lâm chung. Nếu cứ như vậy, Date Masamune sẽ chết mà không thể nhìn mặt vợ lần cuối.

Date Masamune đã nhờ người truyền lời lại cho vợ mình như sau:

“Trong ký ức của cô ấy, ta muốn bóng hình ta vẫn luôn hiện diện là một con người đầy hào hiệp, nghĩa khí”.

Date Masamune sợ để vợ thấy bản thân yếu đuối, tàn tạ vì bệnh tật, sợ những hình ảnh ấy sẽ khắc sâu trong ký ức vợ. Ông muốn vợ nhớ đến mình vào thời oanh liệt nhất.

Shibata Katsuie – dùng tay moi nội tạng của chính mình rồi qua đời

Katsuie vì quá tin tưởng vào Oda Nobunaga, đã bị giết chết ngay thời khắc nước Nhật thống nhất. Vợ của ông mất vì bệnh, sau một thời gian dài sống cô độc, vào lúc Nobunaga sắp bị đánh bại, ông đón em gái của Nobunaga là Oichi về làm vợ.

Khi ấy quyền lực rơi từ tay Nobunaga sang Hideyoshi Toyotomi. Hideyoshi tìm mọi cách để tận diệt tàn quân của Nobunaga. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ông đã nói với người vợ Oichi rằng:

“Nàng là em gái của Nobunaga. Hideyoshi sẽ không lấy mạng nàng đâu, vì thế hãy chạy đi.”
Oichi đáp:

“Không, thiếp sẽ ở bên Katsuie đến phút cuối. Thiếp đã luôn trong tâm thế sẵn sàng rồi”.
Giữa chừng đoạn hội thoại đẫm nước mắt, quân đội của Hideyoshi ập tới.
“Vậy ta đi chứ”
“Vâng !”
Sau đó, Hideyoshi chặt đầu của Oichi.
Trước cái chết của vợ, Katsuie rơi lệ, rồi ngay lập tức rút gươm mổ bụng.
Vừa la hét ông vừa lôi toàn bộ nội tạng của mình ra, chỉ khi thuộc hạ đến chặt đầu, tiếng hét mới dừng lại.

Không chỉ Katsuie mà Oichi cũng có một cái chết đẹp, cả hai đã hiên ngang chống lại kẻ địch, không hèn nhát bỏ chạy, đến cuối cùng vẫn mong muốn được sống đúng với khát khao.

Thái độ bình thản đón nhận cái chết, nhưng vẫn phải giữ được chữ “mỹ”, vẫn phải sống đúng với chính mình, sống cho ra sống ngay tại giây phút lâm chung chính là quan niệm độc đáo của người Nhật về cái chết.

Bạn nghĩ sao về “cách chết” của các Samurai trên. Đến đây bạn đã trả lời được câu hỏi đặt ra ở đầu bài chưa nhỉ ?

Kengo Abe
Xem thêm: