Mối ân tình giữa Ba Lan và Nhật Bản – Câu chuyện người Nhật Bản cưu mang, cứu giúp 765 đứa trẻ mồ côi Ba Lan

Cách xa Nhật Bản ở tận Đông Âu, có một quốc gia vẫn luôn trân trọng mối quan hệ ân nghĩa với Nhật Bản, đó là Ba Lan.

“Tôi muốn nói rằng người dân Ba Lan luôn mang theo sự tôn trọng sâu sắc nhất, lòng biết ơn sâu sắc nhất, tình bằng hữu ấm áp cũng như tình cảm nồng hậu đối với đất nước Nhật Bản. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn Nhật Bản”.

Đây là câu nói của ngài Józef Klemens Piłsudski – Vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Ba Lan.

Đến nay đã 100 năm trôi qua, nhưng trong lòng người dân Ba Lan luôn ghi nhớ đến sự kiện xảy ra vào năm 1920. Cụ thể, vào tháng 6 năm 1920, một phụ nữ Ba Lan ở Vladivostok, Nga, đã nộp đơn yêu cầu lên Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Nội dung đơn yêu cầu như sau:

“Yêu cầu Nhật Bản, ít nhất hãy cứu giúp những đứa trẻ mất cha mẹ ở Siberia.”

Đất nước Ba Lan bị bao vây bởi Nga, Áo và Phổ (sau này là nước Đức), là quốc gia có lịch sử rất khắc nghiệt. Sau khi bị 3 quốc gia này bào mòn, quốc gia Ba Lan bị xoá sổ. Thời điểm đó có khoảng 150,000 đến 200,000 người Ba Lan bị giam giữ, buộc phải sống cuộc đời như địa ngục tại vùng băng giá khắc nghiệt Siberia.

Sau đó dù Ba Lan trở thành quốc gia độc lập, nhưng vẫn thuộc chế độ quân chủ của Nga Hoàng, về bản chất vẫn là quốc gia phụ thuộc vào Nga. Rất nhiều người Ba Lan phản đối tình cảnh này, đã nhiều lần họ nổi dậy chống lại Nga nhưng đều bị đàn áp.  Những người dân Ba Lan có tinh thần phản kháng đều sẽ bị bắt lao động khổ sai ở Siberia.

Mùa Đông ở Siberia, nhiệt độ thấp kỷ lục âm 70 độ, vô cùng khắc nghiệt. Tới Siberia lao động chỉ có hai kết cục, chết đói hoặc chết cóng.

Người Ba Lan đến lao động khổ sai phải đốt mọi thứ có thể đốt được để giữ ấm. Họ buộc phải sử dụng đến những thanh tà dẹt trên đường sắt có thể dùng làm phương tiện chạy trốn, nhưng khi những thứ này cháy hết, hoặc không còn gì để đốt nữa, cơ thể họ cóng lại vì rét.

Đã có trường hợp khoảng 600 phụ nữ và bé gái tìm cách bỏ trốn trên một đoàn tàu, thế nhưng kết cục đoàn tàu dừng giữa chừng do thiếu nhiên liệu và toàn bộ người trên tàu đều thiệt mạng.

Trong đoàn tàu bị bỏ hoang đó, thi thể mẹ nằm đè lên thi thể những đứa trẻ đã lạnh ngắt. Những người mẹ này trước khi mất đã mặc thêm quần áo của họ cho con, sau đó bón cho con ăn hết số thức ăn còn lại. Như thể đã bám víu lấy mẹ mà khóc trong thời gian dài, trên gò má lũ trẻ vẫn còn đó những giọt nước mắt đã đông cứng.

Chứng kiến hoàn cảnh khốc liệt này, những người Ba Lan ở Vladivostok thành lập nên Uỷ ban Cứu trợ Ba Lan. Chủ tịch là cô Anna Bjerkevic và Phó Chủ tịch là ngài Joseph, người đã có phát ngôn ở đầu bài.

Vào thời điểm đó, cả Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý và Nhật Bản đều đã gửi quân đến Siberia. Chủ tịch Anna cầu xin những quốc gia phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ cứu giúp các cô nhi tại Siberia nhưng không thành. Khi tình hình ở Nga thay đổi, mỗi quốc gia đều rút quân.

Riêng chỉ còn lại Nhật Bản.

Lúc này, Anna đã quyết định sẽ gửi đơn yêu cầu Nhật Bản.

Từ ghi chép của một vị linh mục đã đến và mất tại Nhật Bản vào thời Edo, “Nhật Bản là một quốc gia man rợ, thẳng tay đàn áp Kito giáo”, từ đó mà người Ba Lan hình thành một định kiến không mấy tốt đẹp về quốc gia Nhật Bản, thế nhưng rõ ràng đây là lựa chọn duy nhất.

Trở lại với yêu cầu gửi lên Bộ Ngoại giao Nhật Bản về việc cứu giúp các cô nhi ở Siberia, sau khi nhận thư, Chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức có động thái. Chính phủ yêu cầu Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản thành lập một dự án cứu trợ trẻ mồ côi cơ nhỡ.

Nhận yêu cầu, Hội Chữ Thập Đỏ tức tốc mở một cuộc họp hội đồng để bắt đầu thảo luận. Lúc đó Liên Xô đang ở trong tình trạng nội chiến triền miên, do đó hợp tác quân sự là không thể thiếu, chưa kể công sức bỏ ra và ngân sách chi trả cho chiến dịch hỗ trợ sẽ rất lớn. Dù vậy, Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản đã quyết định thực hiện các hoạt động cứu trợ.

Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản, đồng thời nhận trách nhiệm Bộ trưởng Lục quân và Hải quân, ông Tadanori Ishiguro phát biểu trước Bộ Ngoại Giao như sau:

“Chúng tôi nhận thấy cần thiết phải cứu trợ vì bao hàm cả ý nghĩa về nhân đạo và ngoại giao trong vụ việc này. Chúng tôi sẽ cung cấp chỗ ở cho các cô nhi tại trụ sở chính”.

Chỉ sau 17 ngày kể từ khi Anna đến Nhật gửi đơn yêu cầu, mọi thứ đều đã được quyết định. Anna sau khi nhận tin đã nhanh chóng quay về Vladivostok để chia sẻ tin vui với các đồng nghiệp.

Nỗ lực cứu trợ đầu tiên diễn ra từ tháng 7 năm 1920 đến năm 1921. Vào ngày 22 tháng 7, chuyến tàu vận chuyển thứ nhất ra khơi, chịu trách nhiệm đưa 57 trẻ từ Ba Lan đến Nhật Bản. Sau đó, hàng loạt các hoạt động cứu trợ khác diễn ra liên tiếp, sau khoảng 5 lần, 375 trẻ mồ côi và 65 người Ba Lan đã được chào đón đến với Nhật Bản.

Hầu hết những người Ba Lan trú tại nơi mà ngày nay là Shibuya, những người có sức khoẻ yếu sẽ được vận chuyển đến bệnh viện trực thuộc Hội Chữ Thập Đỏ. Với những đứa trẻ khoẻ mạnh, chúng được đưa đến một Viện mồ côi Phật giáo. Khuôn viên của Viện mồ côi này đủ rộng để làm sân chơi, đồng thời có một khu vườn tươi tốt, do Chùa tình nguyện hỗ trợ.

Thế nhưng vẫn còn đó những đứa trẻ mồ côi rải rác khắp nơi tại Siberia. Trước tình thế này, Anna tiếp tục gửi đơn yêu cầu một cuộc giải cứu khác. Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản không ngần ngại chấp nhận yêu cầu và thực hiện cứu trợ. Tuy nhiên thời điểm đó lệnh rút quân của Nhật Bản khỏi Siberia đã được quyết định, do đó việc cứu trợ cần phải được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với những cuộc điều động khẩn cấp, thêm 390 em được cứu.

Đó là vào năm 1922, những đứa trẻ được đưa đến Osaka để trị liệu và được nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận.

Cơ sở tiếp nhận bọn trẻ làm hết sức có thể để chuẩn bị. Xét về hoàn cảnh Nhật Bản khi đó, quốc gia này đang trong giai đoạn chạy đua vũ trang để không thua kém về sức mạnh quân sự với các quốc gia phương Tây, vì vậy mà dân thường sống kham khổ, nghèo nàn.

Thế nhưng dù kham khổ đến đâu, mọi người vẫn cố gắng chuẩn bị đầy đủ trang phục, bánh kẹo, đồ chơi,… cho lũ trẻ. Những Geiko ở các nhà hàng cao cấp ở khu Nihonbashi (công việc của họ giống với các Hostess ngày nay) mang theo khăn tay đến, với hy vọng góp chút sức lực cho các hoạt động cứu trợ.

Khi nhìn thấy cảnh người lớn yêu thương bọn trẻ, trẻ lớn chăm sóc cho trẻ nhỏ hơn, ai cũng đều rơi lệ. Khi có phóng viên đến lấy tin, ai nấy đều dặn dò rằng “Hãy viết thật hay nhé ! Để cho thế giới ngoài kia biết được về bọn trẻ này“.

Cũng nhờ những bài báo như vậy mà cơ sở nhận được tiền cứu trợ cũng như hàng hoá quyên góp từ khắp nơi trên đất nước.

Đây là lời của một trong những y tá làm việc trong cơ sở:

“Khi có ai đó bị bệnh, tất cả mọi người đều tự bỏ tiền túi ra để cứu họ, như thể đó là con cháu, là anh chị em trong nhà. Những đứa trẻ ở đây đa số đều không còn cha mẹ, hoặc không có ai thân thích, chúng tôi cảm thấy phải thay thế vai trò đó để giúp đỡ chúng. Chúng tôi sẽ chăm sóc chúng như thể đó là gia đình của mình vậy.”

Bất kể là ngày hay đêm, các y tá đều tận tâm chăm sóc, giúp đỡ cho các bé khoẻ mạnh trở lại. Thế nhưng cũng không thể tránh khỏi chuyện buồn. Một nữ y tá tên Fumi Matsuzawa bị lây bệnh từ một bé và qua đời khi mới 23 tuổi. Khi đó, rất nhiều bé chưa biết tin đã chạy khắp nơi để tìm cô, sau đó oà lên khóc nức nở khi hay tin.

Từ vụ việc của y tá Fumi, các nhân viên ở đây đã đưa ra và áp dụng các quy tắc trong chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo sức khoẻ không chỉ cho bệnh nhân mà cả các nhân viên y tế. Quy trình được kiểm soát chặt chẽ hơn dẫn tới hiệu quả cũng tăng hơn trước.

Thiên Hoàng đã có lần đến thăm cơ sở và trực tiếp lắng nghe về hoàn cảnh của các bé.

Đây là câu chuyện của một bé gái sống ở đó.

Cha của em là một quý tộc Ba Lan nhưng bị lính Liên Xô ở Siberia bắt giữ. Người mẹ chứng kiến cảnh này đã viết thư tuyệt mệnh rồi tự sát. Bé được cứu trong tình trạng bị bỏ đói, phải ăn hạt cây trong suốt 4 ngày.

Nghe những cảnh đời đáng thương như vậy, Thiên Hoàng không cầm được nước mắt. Ngài nói với cô bé:

“Cháu không hề đơn độc. Cháu có thể đến được nơi này là vì có cha mẹ cháu vẫn luôn dõi theo và bảo vệ cho cháu. Vì vậy hãy cố hết sức mà sống. Trân trọng tính mạng trân trọng sức khoẻ của bản thân mà trưởng thành. Đó cũng chính là ước nguyện của gia đình cháu, và cả những nhân viên ở đây đã luôn quan tâm chăm sóc cho cháu”.

Những đứa trẻ da trắng, tóc vàng, mắt xanh – Những đứa trẻ ngoại quốc với ngoại hình rất khác biệt đã có một thời gian sống hạnh phúc ở Nhật Bản, thân thiện với người dân địa phương và được yêu quý, đối đãi như con cháu trong nhà trên khắp đất nước.

Vào tháng 3 năm 1921, Ba Lan chiến thắng trong trận chiến với Liên Xô và giành độc lập. Đó cũng là thời điểm những đứa trẻ được trở về quê hương. Thế nhưng ở đó chúng chẳng còn người thân thích nữa. Đích thân nhóm của Anna đã đến Nhật đón bọn trẻ cũng như thực hiện các đàm phán trực tiếp. Cô gọi đám trẻ lại, dặn dò không được quên ơn huệ này và cùng chúng ca hát không ngừng.

Những đứa trẻ sau đó lần lượt rời khỏi Nhật Bản, thông qua các chuyến tàu của Mỹ để về Ba Lan. Chúng vừa khóc vừa cầu xin “Hãy cho cháu ở lại Nhật, cháu muốn sống ở Nhật”, thế nhưng vì những ràng buộc trước đó mà Nhật Bản không thể chấp thuận ước nguyện này của bọn trẻ.

Lúc lên tàu về nước, những đứa trẻ hét lớn để cảm ơn, đồng thời cất giọng hát vang quốc ca Ba Lan và quốc ca Nhật Bản.

Một vài đứa trẻ trong số này khi lớn lên đã tự thành lập các nhóm tình nguyện với mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nhật Bản. Một số khác tiết kiệm tiền để đến du lịch Nhật Bản vào một ngày không xa.

Thế nhưng 17 năm sau ngày trở về, chiến tranh lại ập tới trên đất nước Ba Lan. Quốc gia này một lần nữa rơi vào ách thống trị của Đức, đồng thời là Liên Xô.

Một lần, quân đội Đức đến cô nhi viện được lập ra bởi một trong những đứa trẻ cô nhi thưở trước. Lúc đó nhân viên đại sứ quán Nhật Bản đã đến đó và nói “Chúng tôi đang chịu trách nhiệm chăm sóc những đứa trẻ này. Nào mọi người, hãy cho người Đức nghe quốc ca Nhật Bản.”

Như các bạn cũng biết, Đức là đồng minh của Nhật. Khi người của Đại sứ quán Nhật Bản đã cất lời, quân đội Đức không thể động thủ được.

Khi cuộc chiến tiến triển, Ba Lan đứng về chiến tuyến đối địch với Nhật Bản, thế nhưng mối quan hệ thân thiết ngày trước vẫn tiếp diễn. Makoto Onodera, tùy viên quân sự ở Thụy Điển sẵn sàng dùng tấm hộ chiếu Nhật Bản để bảo vệ các sĩ quan tình báo Ba Lan khỏi tay người Đức. Đổi lại, những sĩ quan tình báo Ba Lan dù đang làm việc cho Chính phủ Ba Lan lưu vong, sẵn sàng chia sẻ thông tin tuyệt mật của quân đồng minh cho Onodera. Họ nói rằng “Cả Ba Lan và Nhật Bản đều đang ở trong nguy cơ bị cướp nước”.

….

Nhiều năm trôi qua, chiến tranh kết thúc. Vào năm 1995, một trận động đất kinh khủng xảy ra ở vùng Kansai, gây hậu quả nghiêm trọng về người, trong đó có các nạn nhân là trẻ mồ côi. Ba Lan đã mời nhóm trẻ mồ côi này đến nước mình và tiếp đãi hết sức nồng hậu.

“Chúng tôi muốn đáp trả tình cảm ấm áp mà người Nhật đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi gửi lời chia sẻ chân thành nhất đến tất cả trẻ em Nhật Bản trong khu vực thảm hoạ.

Thêm nữa, tám người Ba Lan từng là trẻ mồ côi trong cơ sở ngày trước được mời đến dinh thự của Đại sứ Nhật Bản ở Warsaw. Khi đó tất cả đều đã trên 80 tuổi. Theo luật quốc tế, Đại sứ quán cũng như Dinh thự của Đại sứ được xem như đại diện của quốc gia, một Nhật Bản thu nhỏ. Nghe lời giải thích của đại sứ, những “đứa trẻ” ngày đó đã khóc.

Rồi họ cùng nhau chia sẻ giấc mơ “một ngày nào đó có thể quay trở về Nhật Bản” trong không gian đầy hoài niệm.

Kengo Abe
Xem thêm: