Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có phải là quân đội không? Vấn đề thực sự không nằm ở đó…

Bạn có biết sức mạnh quân sự của Nhật Bản được xếp ở đâu trên thế giới không?

Có nhiều sự khác nhau trong các dữ liệu thống kê, nhưng một trong số đó cho rằng Nhật Bản xếp khoảng hạng 8 đến hạng 5.

Dù có một ít khác biệt, thế nhưng điều này cho thấy nước này có sức mạnh quân sự nhất định. Sức mạnh quân sự của Nhật được xếp trên cả Hàn Quốc, quốc gia được xem là vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Điều này có khiến bạn bất ngờ không?

Người Nhật đã có thể sản xuất xe tăng trong nước, với máy bay chiến đấu, tuy vẫn phải sử dụng máy bay của Hoa Kỳ nhưng người Nhật đã bắt đầu phát triển loại máy bay của riêng mình.

Đến lĩnh vực tàu thuyền, mặc dù nhỏ về kích cỡ nhưng tàu Nhật có tính năng vượt trội. Riêng về tàu ngầm Nhật Bản được đánh giá rất cao.

Gần đây, Nhật Bản sản xuất được phương tiện như thế này.

Ảnh https://news.yahoo.co.jp/byline/takahashikosuke/20210831-00255826

Ai nhìn cũng nghĩ đây là tàu sân bay. Nhưng không, đây là tàu ngầm.

Chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản là 5 nghìn tỷ yên hằng năm cho mục đích xây dựng sức mạnh quân sự. Thế nhưng bạn có biết rằng Hiến Pháp Nhật Bản có mục cấm sở hữu quân đội không?

Vì các điều khoản trong Hiến pháp được viết rất khó hiểu, nên tôi sẽ diễn giải lại một cách dễ hiểu hơn. Cụ thể lệnh cấm này được quy định ở Điều 9 của Hiến Pháp như sau:

Người dân Nhật Bản tìm kiếm hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, sẽ không bao giờ đe doạ sử dụng chiến tranh hay vũ lực như một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.

Có nghĩa là để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản sẽ không có lục quân, hải quân không quân và các lực lượng quân sự khác.

Nếu vậy, sức mạnh quân sự đứng thứ 5 thế giới như đã nhắc tới ở đầu bài là từ đâu ra?

Ngay từ đầu, bản Hiến Pháp này của Nhật Bản được xây dựng dựa trên những thoả thuận của Nhật với quân Đồng minh trong tư cách là nước bại trận. Từ đây mà mọi sự phức tạp bắt đầu.

Lý do bản Hiến pháp này ra đời để tìm ra bên sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc chiến, có liên quan đến vấn đề xử lý hậu chiến.

Quân đồng minh cho rằng về cơ bản, người đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc chiến là Nguyên thủ quốc gia tức Thiên Hoàng. Tuy nhiên, sứ giả của quân đội Hoa Kỳ, tướng Mac Arthur sau khi đến Nhật đã thay đổi 180 độ, quyết định giữ lại chế độ Thiên Hoàng. Không rõ tại sao mà một người luôn kiên quyết tử hình Thiên Hoàng như tướng Mac Arthur lại thay đổi quyết định chóng vánh như vậy. Có rất nhiều tin đồn xoay quanh chuyện này, nhưng chúng ta sẽ để dành cho một bài viết khác nhé.

Chỉ riêng sự thay đổi quyết định này của vị tướng không có nghĩa là tất cả những người trong quân Đồng Minh đều chấp thuận.

Chính vì vậy, Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản ra đời như một sự sắp đặt nhằm đánh lạc hướng việc truy cứu trách nhiệm chiến tranh.

Không sở hữu quân đội đồng nghĩa với không thể tham chiến, nói như vậy có thể khiến nhiều người cảm thấy yên tâm.

Vậy thì sức mạnh quân sự của Nhật Bản ở đâu ra, vấn đề này cũng bắt nguồn từ quân Đồng Minh và trung tâm là Hoa Kỳ.

Nhật Bản không có quân đội, do vậy quân Đồng Minh sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ quốc gia này. Thế nhưng khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, các nước Đồng minh không đủ khả năng phòng bị nên đã yêu cầu Nhật lập ra nhóm gọi là Đội Cảnh sát dự bị. Nhóm này được cho phép trang bị các vũ khí mạnh, nhằm bổ sung cho tổ chức cảnh sát. Sau đó nhóm phát triển thành Quân Bảo An và vào năm 1954 được gọi là Lực lượng phòng vệ.

Lực lượng phòng vệ ra đời, sở hữu sức mạnh quân sự, lấy cớ vì mục đích quốc phòng nhưng không phải quân đội, cũng chẳng phải lực lượng cảnh sát.

Làm thế nào mà một lực lượng như vậy lại không phải quân đội? Đó là vì người Nhật đã sử dụng cách ám chỉ mơ hồ, “là sự trang bị tối thiểu vì mục đích tự vệ”. Nhờ đó mà từng chút một, nước Nhật mở rộng sức mạnh quân sự của quốc gia nhưng vẫn lách được các quy định từ thời hậu chiến.

Để mở rộng thêm cho cách diễn nghĩa này, vào những năm 1990, Nhật Bản đã tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc (PKO – Peacekeeping Operations).

Dù không trực tiếp tham chiến, nhưng Lực lượng phòng vệ đã sử dụng sự “trang bị tối thiểu để tự vệ” này để “bước vào” quốc gia khác. Đến đây liệu hành động này có còn thuộc phạm trù tự vệ hay không, một cuộc tranh luận gay gắt đã ra đời xoay quanh vấn đề này.

Sau đó, mặc dù cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề diễn giải Điều 9 của Hiến pháp, nhưng về bản chất, một cuộc chạy đua vũ trang đang thực sự diễn ra. Bắt đầu từ những chiếc xe tăng và máy bay chiến đấu đã qua sử dụng của Hoa Kỳ, Nhật Bản tiếp tục nhập phương tiện mới và tiến tới tự sản xuất trong nước.

Dù nói rằng Nhật Bản không sở hữu tàu sân bay để làm bệ phóng đánh chiếm lãnh thổ địch, thế nhưng dù thế nào đi nữa, Nhật Bản vẫn chế tạo ra chiếc tàu sân bay như đã đề cập ở đầu bài, dưới danh nghĩa tàu hộ tống.

Xét về mọi mặt, đây rõ ràng là tàu sân bay, nhưng vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật vẫn khăng khăng triển khai phương tiện dưới dạng tàu hộ tống chuyên dụng cho trực thăng. Tiếp đó, cùng với việc mua chiếc máy bay F-35B của Hoa Kỳ, con tàu này đã được tân trang để trở thành một tàu sân bay cỡ nhỏ.

Ảnh https://trafficnews.jp/post/111408

Chưa cần biết sự tăng cường vũ trang này theo chiều hướng tốt hay xấu, thế nhưng rõ ràng Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến mở rộng sức mạnh quân sự mà chưa một lần chính thức công bố trước toàn dân.

Nhật Bản là quốc gia sở hữu nhiều đảo nằm cách xa đất liền, do đó cần có tàu sân bay để tự vệ, điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở đó, điểm mấu chốt nằm ở chỗ Chính phủ đã lừa gạt dân chúng để tiến hành triển khai.

Đây là hệ quả từ việc mở rộng diễn nghĩa Điều 9 theo hướng che đậy thay vì sửa đổi.

Sự mở rộng này tiếp nối sự mở rộng khác, mâu thuẫn trong Hiến pháp đã nhiều tới mức không còn lý do để bào chữa nữa.

Ý kiến của người Nhật cũng rất đa dạng, có người cho rằng Nhật Bản không nên sở hữu quân đội theo Điều 9 của Hiến pháp, thậm chí có người nghĩ rằng nước Nhật không cần quân đội Mỹ bảo vệ. Tại đây có nghi vấn rằng Nhật Bản sẽ tự vệ như thế nào, nhưng đối với tôi vấn đề không nằm ở đó.

Vấn đề là, Nhật Bản vẫn đang sử dụng bản Hiến Pháp do quân chiếm đóng lập ra, ngay cả sau khi đã trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập, và chưa một lần cân nhắc xem liệu Hiến pháp này có phù hợp với tình hình nước Nhật hiện tại không.

Không phải là nên hay không nên sửa đổi Điều 9, mà là liệu có ổn không nếu không giải quyết một bản Hiến pháp mang tính áp đặt như thế. Tôi cho rằng rất giống với kiểu của người Nhật khi họ chưa từng thảo luận về vấn đề này.

Đúng vậy, thay vì thực hiện một cuộc cải cách lớn, trước nhất cứ im lặng mà triển khai, đó là mặt tối mà người Nhật rất hay thể hiện ra bên ngoài.

Một độc giả JAPO đã hỏi tôi rằng “Tôi nghe nói Nhật Bản sẽ không sở hữu quân đội trong vòng vài năm nữa, có thật vậy không?”, sau tất cả những giải thích trong bài này, tôi sẽ đưa ra kết luận.

“Nhật Bản từ trước đến giờ vẫn luôn nắm giữ sức mạnh quân sự, vậy có nên gọi đó là quân đội không”

Tôi nghĩ đó là vấn đề duy nhất.

Thế nhưng về vấn đề này, các chính trị gia vẫn luôn cố hết sức để không phải đả động đến, bởi lẽ chẳng ai muốn chịu trách nhiệm thực hiện một cuộc thay đổi lớn cả.

Tình hình hiện tại đã khác so với thời Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nhưng nếu sở hữu thứ được gọi là quân đội, Nhật Bản sẽ đường đường chính chính tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Hiện tại, khi bước vào lãnh thổ quốc gia khác thông qua hoạt động gìn giữ hoà bình, Lực lượng phòng vệ giữ vai trò hỗ trợ cho quân đội của nước khác. Thế nhưng nếu được chính thức gọi là quân đội, Nhật Bản có thể sử dụng triệt để nguồn lực quốc phòng của mình.

Tuy vậy, Nhật Bản vẫn đang tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự, bắt đầu bằng việc bán khí tài quân sự ra nước ngoài.

Cá nhân tôi cho rằng không thể nào cứ mãi sử dụng cái cớ đây không phải là quân đội mà là lực lượng phòng vệ được.

Chiến tranh đã kết thúc được 76 năm. Là một người Nhật, tôi nghĩ rằng đã đến lúc Nhật Bản nên cân nhắc về việc có nên tiếp tục sử dụng Hiến pháp mà quân Đồng Minh đã áp đặt cho sau từng ấy năm, thay vì chỉ quanh quẩn trong câu hỏi liệu có nên sửa đổi hay không.

Qua đó chúng ta sẽ có thể khép lại những dấu vết thời chiến để mở ra một thời đại hoàn toàn mới.

Kengo Abe
Xem thêm: