FamilyMart đổi tên thương hiệu con, sau tranh cãi về vấn đề định kiến giới tính ở Nhật Bản

Chuỗi cửa hàng tiện lợi danh tiếng FamilyMart đã quyết định thay đổi tên thương hiệu con mang tên “Okasan Shokudo” để thành lập thương hiệu thực phẩm tư nhân mới có tên “Famimaru”. Quyết định thay đổi được đưa ra sau khi công ty nhận về những chỉ trích về định kiến giới tính liên quan đến tên thương hiệu ”Okasan Shokudo”.

Thương hiệu cũ ”Okaasan Shokudo” được ra mắt vào tháng 9/2017, với khái niệm ban đầu là cung cấp những bữa ăn ngon như món mẹ làm, bên cạnh đó giúp các bà mẹ bận rộn có thể yên tâm lựa chọn bữa ăn cho gia đình, giúp cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.

Ảnh: https://english.kyodonews.net/news/2021/11/2ddd55d04782-familymart-launches-new-private-brand-after-controversy-over-naming.html

Tuy nhiên, chính cái tên của thương hiệu “Okaasan Shokudo – Quán ăn của mẹ” đã vấp phải tranh cãi lớn. Vào năm 2020, nhóm 3 nữ sinh trung học tại Nhật đã phát động một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu thương hiệu Okaasan Shokudo đổi tên. Họ cho rằng thương hiệu này có thể làm cho quan điểm “việc các bà mẹ nấu ăn là điều đương nhiên” ngày càng ăn sâu vào tâm trí của nhiều người, đồng thời khiến cho ngày càng nhiều nam giới Nhật nghĩ rằng chỉ cần tập trung làm việc và đôi khi không cần quan tâm đến gánh nặng mà các bà nội trợ đang đối mặt. Ngoài ra, nhóm nữ sinh cũng nhấn mạnh tên thương hiệu hiện tại vô tình cổ động những thành kiến xung quanh quyền bình đẳng giới. Tổng cộng nhóm đã thu thập được hơn 7.268 chữ ký trực tuyến và gửi đến công ty FamilyMart vào tháng 4/2020.

Chủ tịch FamilyMart – Kensuke Hosomi cho biết trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 10 rằng việc đổi thương hiệu là do: ”Có những thay đổi trong lối sống, cũng như các giá trị khách hàng mong đợi nhận được từ thương hiệu”. Công ty cho biết sự phản đối từ các học sinh không phải là lý do trực tiếp dẫn đến việc đổi tên thương hiệu, mà kế hoạch đã được lập ra trước khi bản kiến nghị trực tuyến kia được phát động.

Người phát ngôn của FamilyMart cho biết thêm, tên của thương hiệu Famimaru được chọn vì dễ liên tưởng đến tên công ty FamilyMart hiện tại, và có thể cung cấp các mặt hàng khác ngoài thực phẩm.

Ảnh: https://english.kyodonews.net/news/2021/11/2ddd55d04782-familymart-launches-new-private-brand-after-controversy-over-naming.html

Toko Tanaka, Giáo sư nghiên cứu về văn hoá tại Đại học Nữ sinh Otsuma, Tokyo cho biết việc đổi tên thương hiệu là một quyết định đúng đắn, nhưng lại đến quá muộn. Bà chia sẻ: ”Thật là sốc khi một cái tên mang định kiến về giới như vậy được chấp nhận vào năm 2017 trong lúc phong trào #MeToo đang phổ biến”.

Nếu cứ tạo ra những slogan gây hiểu lầm hoặc cố xúy cho quan điểm: “mẹ là người đứng bếp” thì sẽ vô tình ”gieo rắt lời nguyền” lên nhiều cha mẹ và khiến họ cảm thấy tội lỗi vì không thể sống như mong đợi của con cái.

Trước đây đã từng có một bài post thu hút được lượng lớn sự quan tâm của cộng đồng mạng, trong đó xuất hiện người đàn ông lớn tuổi nhìn thấy một người phụ nữ có con mua món salad khoai tây đã chuẩn bị sẵn tại một cửa hàng bán thức ăn nhanh, anh ta tự hỏi: “Tại sao bà ấy thậm chí không thể tự làm món salad khoai tây mà phải đi mua?”. Bài đăng được chia sẻ 100.000 lần, trong đó nhiều người đã lên tiếng bênh vực bà mẹ.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Chính sách Lao động và Đào tạo Nhật Bản do Chính phủ hỗ trợ, trong 30 năm qua, số hộ gia đình ở Nhật Bản có vợ làm nội trợ toàn thời gian đã giảm từ khoảng 50% xuống còn 30%. Trước xu hướng này, chẳng có lý do gì để giữ mãi định kiến về “những món ăn của mẹ” cả, trong khi bố hoàn toàn có thể là người vào bếp và nấu được những món ngon cho các con.

Hana
Xem thêm: