Nhìn lại góc tối của xã hội Nhật Bản: một năm sau ngày mất của người vô gia cư bỏ mạng ở trạm xe buýt

Tháng 11/2020, người ta tìm thấy thi thể một phụ nữ vô gia cư tại một trạm xe buýt ở quận Shibuya, Tokyo tử vong do bị đánh vào đầu. Bà Obayashi Misako, 64 tuổi. Không đơn thuần chỉ là một vụ sát hại, vụ án này còn là một minh chứng cho tình trạng tồi tệ của xã hội Nhật Bản hiện đại. Cùng đi sâu hơn về những mảng tối đó qua bài viết kỳ này nhé!

Cho đến đầu năm 2020, bà Obayashi vẫn đang làm nhân viên mời khách trải nghiệm sản phẩm, đây là công việc mà bà sẽ đứng ở siêu thị và mời khách hàng đến ăn thử miễn phí. Tuy nhiên từ khi Corona bùng phát, do lo sợ vấn đề lây lan, bà bị buộc cho thôi việc. Thế nhưng vì không muốn làm phiền người thân nên bà đã chấp nhận trở thành một “người vô gia cư” sống lang bạt nay đây mai đó.

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, đã từng có nhiều người vô gia cư sống ở công viên hay trước ngân hàng. Thế nhưng trong nỗ lực giảm thiểu số lượng người vô gia cư, mang lại vẻ đẹp cho đô thị của chính phủ, nhiều người vô gia cư đã mất đi cả nơi để về. Ngay cả việc kiếm ăn cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trước đây, họ có thể lấy những hộp cơm hết hạn ở cửa hàng tiện lợi vì tất cả đều được bỏ đi sau một ngày, đổi lại người vô gia cư sẽ quét dọn mặt tiền của cửa hàng như một lời cảm ơn. Tuy nhiên do vấn đề vệ sinh, nhiều cửa hàng đã hạn chế tình trạng này bằng cách tạt nước để đuổi họ đi. Tại sao lại làm thế, trong khi mỗi năm Nhật Bản thải ra 6,12 triệu tấn thực phẩm thừa…

Quay lại với nạn nhân xấu số Obayashi, bà đang trải qua một giấc ngủ khó khăn trên băng ghế chờ trạm xe buýt vào lúc nửa đêm. Thời điểm này xe buýt đã dừng chạy nên vốn dĩ bà sẽ chẳng làm phiền ai cả, thế nhưng gã đàn ông mang tên Yoshida Kazuto 47 tuổi lại nhẫn tâm dùng một cái túi đựng sẵn đá và đập vào đầu nạn nhân.

Hắn khai báo về động cơ gây án của mình: “Tôi chỉ muốn bà vô gia cư đó tránh ra khỏi băng ghế thôi”.

Trong khi chẳng có luật nào cấm ngồi trên ghế xe buýt và bà Obayashi cũng đã cố tình nghỉ chân ở đó lúc đêm khuya để tránh phiền hà đến người khác, vậy mà…

Đây không chỉ là một tin tức đau lòng mà còn phản ánh một hiện thực tàn khốc khác của Nhật Bản. Với sự suy thoái kinh tế cộng thêm dịch bệnh bùng phát, ngày càng có nhiều người gặp khó khăn trong công việc. Cảm xúc tiêu cực đó đã khiến nhiều người muốn trút giận xuống nhưng người yếu hơn mình. Và bà Obayashi là một trong số những nạn nhân không may đó, bà chẳng làm gì xấu để phải chịu đựng cơn giận của một kẻ xa lạ. Về phần Yoshida, sau khi làm hại người khác, hắn có cảm thấy “nhẹ lòng” hơn chút nào chăng?

Phát ngôn thế này trong một xã hội bình đẳng giới có vẻ không phù hợp, thế nhưng với tôi, sức mạnh của đàn ông nên dùng để bảo vệ những người yếu thế, bao gồm cả phụ nữ, dù sao thì phụ nữ cũng không thể nào mạnh bằng đấng mày râu. Vì vậy việc dùng phụ nữ để trút giận là điều đáng khinh bỉ hơn bao giờ hết. Không chỉ đối với người vô gia cư, ngay cả ở trường học hay công sở bắt nạt kẻ yếu là một hành động xấu hổ.

Nhật Bản nổi tiếng với văn hoá nghĩ cho người khác, thế nhưng tại sao giờ đây lại thành ra như vậy?

Một học giả đã cho rằng, đó là do cuộc sống trở nên khó khăn hơn trước đây, dẫn đến đạo đức của con người trở nên méo mó.

Động đất, sóng thần, núi lửa, thêm vào đó là đông lạnh, hè nóng, thiên nhiên Nhật Bản tuy đẹp nhưng vô cùng khắc nghiệt. Chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức mình cùng với nhau để tồn tại. Đó là lý do cả người Nhật và văn hóa Nhật Bản đều ít có sự tự khẳng định mình, thay vào đó là nét văn hoá hiếm thấy ở các nước trên thế giới: nghĩ cho người khác.

Nhưng sự thật phũ phàng đó là trước dịch bệnh Corona, đáng lẽ là lúc mọi người cùng hợp lực thì các doanh nghiệp lớn và các chính trị gia lãng phí chi phí quốc gia và tăng lợi ích cá nhân của họ. Thế là xã hội xuất hiện những kẻ yếu bị đàn áp, rồi những kẻ yếu đó lại đi bắt nạt những kẻ yếu hơn.

Trường hợp trên đây chỉ là một phần nhỏ của góc tối trong xã hội Nhật. Cái chúng ta cần nhìn nhận là lý do tại sao một tên “ác ma” như thế lại xuất hiện trong xã hội, tất nhiên không phải là ngẫu nhiên mà tất cả sẽ sản sinh từ một hệ luỵ nào đó.

Kengo Abe
Xem thêm: