Phụ nữ hay đàn ông khó sống hơn trong thời buổi bây giờ ở Nhật?
Nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, ban đầu có sự phân biệt giới tính rất rõ rệt. Trong trường hợp nước Nhật, có quan niệm rằng:
“Là nam nhi phải ra ngoài làm việc
Là nữ giới ở nhà bảo vệ gia đình”
Quan niệm này khác xa so với khái niệm bình đẳng.
Thời hậu chiến, câu chuyện về bình đẳng giới lại được đặt ra, phái nữ dần bước xa hơn cánh cổng nhà để gia nhập xã hội, kề vai sát cánh với nam giới cùng làm việc.
Ban đầu vẫn còn rất nhiều người, chủ yếu là nam giới bảo thủ, cứng nhắc trước những sự thay đổi, thế nhưng khi thời đại tiến về phía trước, việc nữ giới cũng hăng hái làm việc kiếm tiền trở thành chuyện rất bình thường.
Nam nữ bình đẳng tại nơi làm việc và cả trong công việc gia đình.
Ngoại trừ những người vợ chọn làm nội trợ full- time, nhiều gia đình ngày nay lựa chọn sống theo kiểu hai vợ chồng cùng ra ngoài làm việc. Vì người vợ cũng bận bịu với việc của mình nên công việc nhà chia đều ra làm.
Việc nhà ở đây gồm chăm lo bếp núc, giặt giũ, quét dọn, chăm sóc con cái,…
Có những việc tôi cho rằng sẽ khó hơn đối với nam giới, thế nhưng những việc như nấu nướng, giặt giũ, quét dọn,… thì không phân biệt giới tính, ai cũng có thể làm được.
Gần đây một khảo sát được thực hiện cho thấy nam giới có phần khó sống hơn trong xã hội hiện đại so với phụ nữ. Khảo sát này cũng tổng kết những điểm khó khăn của nam giới, cũng như những điều mà phái mạnh ghen tỵ với phái đẹp.
1. Nhiều dịch vụ dành riêng cho phái đẹp
Ở khu vực nhà ga ở thành thị, bạn có thường nhìn thấy những toa tàu chỉ dành riêng cho phái nữ không.
Trong những khung giờ đông đúc, trên tàu dễ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục mà nạn nhân là phái yếu, đó là lý do toa tàu chỉ chuyên chở nữ giới ra đời.
Nhiều nam giới ghen tỵ vì những toa tàu của nữ này thường có nhiều ghế trống, và cũng gần cầu thang hơn.
Gặp biến thái trên tàu đương nhiên là chuyện chẳng ai muốn, thế nhưng với các anh chàng, ngộ nhỡ đang vội mà lên nhầm toa chỉ chuyên chở nữ giới thì cũng hết sức khó xử. Đương nhiên chuyện toa tàu chỉ dành riêng cho nam giới không bao giờ xảy ra.
Thêm nữa nhiều nhà hàng ở Nhật có các dịch vụ chỉ dành cho phái nữ như Ladies day hay Ladies set. Ngoài ra với các dịch vụ ưu đãi, khó tìm thấy những gói đặc biệt chỉ hướng tới đối tượng là nam giới. Khá nhiều đàn ông Nhật Gato với chị em khi trong Set ăn của nữ giới ở nhiều nhà hàng có kèm theo món tráng miệng hoặc Salad. Riêng tôi chỉ cần thịt là được, tráng miệng và Salad cứ nhường cả cho chị em phụ nữ.
2. Vấn đề quấy rối tình dục
Dạo gần đây, trên truyền hình thường đưa tin về vụ việc kiện tụng liên quan đến quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Thông thường những ông sếp bị kiện vì quấy rối nhân viên, sau đó sẽ mất đi chức vụ ở công ty.
Đương nhiên ai cũng biết nguyên tắc cơ bản là không được nói những điều khiến người khác khó chịu. Nhưng trong trường hợp Nhật Bản, cũng có tình huống xuất phát từ việc quá mẫn cảm.
Chưa kể, nhiều nữ giới phàn nàn rằng họ bị sếp nam quấy rối nơi công sở, thế nhưng việc sếp nữ dùng lời lẽ gây tổn thương nhân viên nam đôi khi cũng rơi vào trường hợp quấy rối tình dục, nhưng hầu như chẳng có vụ kiện tụng nào như vậy.
Đương nhiên ai cũng biết bình đẳng giới là điều nên làm, nhưng không phải ai cũng hiểu chính xác bình đẳng giới là gì. Ví dụ những câu như “Là đàn ông thì có nhiêu đó đã là gì, chịu đựng đi chứ” cũng là bất bình đẳng.
3. Là nam nhi phải..? Là phụ nữ phải…?
Từ xa xưa, Nhật Bản đã là quốc gia phân định rất rạch ròi nghĩa vụ của giới trong xã hội. Trong trường hợp là con trai, phải mạnh mẽ hơn bất kỳ ai, phải đủ sức bảo vệ những người quan trọng, không được nói lời “không thể”, có như thế mới được xem là nam nhi đích thực.
Trái lại, là nữ phải yểu điệu duyên dáng, nữ công gia chánh. Người phụ nữ kiểu mẫu như vậy được gọi là 大和撫子 (Yamato nadeshiko). Tuy nhiên phái đẹp trong xã hội hiện đại khi tiến ra xã hội đã có những chuyển biến trong quan niệm. Nhiều người cho rằng “Chúng tôi cũng có thể làm việc hăng hái không thua kém nam giới”.
Đương nhiên nhiều phụ nữ phản đối suy nghĩ này, tuy nhiên họ vẫn dành sự ngưỡng mộ đối với những người phụ nữ có suy nghĩ mạnh mẽ như vậy.
Trái ngược với những đánh giá tích cực về người phụ nữ xã hội, từ trước đến nay, thái độ đối với trường hợp nam giới mà giống nữ giới đa số là tiêu cực.
Vợ của bạn tôi là một bác sĩ, do vậy cô ấy là trụ cột tài chính, trong khi anh bạn của tôi chăm lo chuyện nhà. Nếu chiếu theo quan niệm truyền thống, một gia đình như thế đã bị đảo ngược vai trò, thế nhưng nghĩ theo hướng xã hội bình đẳng giới, chuyện này cũng bình thường thôi.
Ấy vậy mà anh bạn của tôi vẫn thường bị xỉa xói rằng “Thảm hại làm sao, nam nhi để vậy mà được à”,…
Tôi cho rằng chẳng có vấn đề gì nếu vợ chồng người ta đã quyết định như vậy.
Trước kia chúng ta cho rằng nam giới và nữ giới có sự khác biệt không chỉ trong cấu tạo cơ thể mà còn trong cách suy nghĩ. Thế nhưng hiện tại, với sự xuất hiện của cộng đồng LGBTQ, chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới với quan niệm rằng không thể phân định rạch ròi nam và nữ như trước.
Kết luận
Câu chuyện là đàn ông, là phụ nữ phải như thế này thế kia đã lỗi thời trong xã hội ngày nay, thế nhưng việc đối xử giống nhau trong khi cấu tạo cơ thể hoàn toàn khác nhau cũng bị xem là vô lý.
Ở điểm này, bình đẳng giới là khi nam giới và nữ giới thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau, nhìn nhận cá nhân bằng con người họ chứ không dựa trên giới tính. Tôi cho rằng điều này đang ngày càng trở nên quan trọng.
Ấy vậy mà dù bao nhiêu thập kỷ đã trôi qua, nền văn hoá mà ở đó cả nam giới và nữ giới đều có những điều để mà phàn nàn về giới tính còn lại không bao giờ thay đổi.
“Anh ta là đàn ông nên thế đấy, chẳng hiểu gì cả” hay “Là phụ nữ thì đừng xen vào chuyện của nam giới”, những kiểu suy nghĩ như vậy có lẽ sẽ kéo dài đời đời kiếp kiếp, mãi mãi về sau…
Kengo Abe