Hoạt động “giải cứu” người vô gia cư khỏi ảnh hưởng của làn sóng Covid-19

Mất đi nơi ở, công việc, gia đình chỉ có thể sống phiêu bạt trên đường phố, họ được gọi là những người vô gia cư. 40 năm trước khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã quen với hình ảnh những người vô gia cư trên đường phố, họ sống trong những túp lều tạm bợ làm từ thùng giấy trong công viên hay bờ sông…

Thế nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây hình ảnh người vô gia cư dần khó tìm thấy ở Nhật Bản.

Nguyên nhân đến từ chế độ quản lý mới, với mục tiêu làm đẹp thị trấn và duy trì trật tự công cộng, người vô gia cư đã bị cấm sống trong công viên và bờ sông. Tuy nhiên lệnh cấm chỉ khiến tình hình tệ hơn, người vô gia cư bị đẩy đến đường cùng, khó khăn càng thêm chồng chất. Chưa kể những cửa hàng tiện lợi và nhà hàng trước đây thường tặng cơm thừa cho người vô gia cư, nay cũng tạt nước đuổi họ đi vì vấn đề vệ sinh…

Chưa hết, từ khi dịch bệnh Corona bùng phát, cuộc sống của nhiều người thật sự đã đứng bên bờ vực thẳm.

Ví dụ như ở Nhật thường có những nhà hàng phục vụ 24 giờ, chỉ cần gọi một cốc cà phê là có thể ở đó cả đêm, nhưng từ khi lệnh giãn cách được ban hành, thời gian kinh doanh của các nhà hàng này cũng bị hạn chế, thế là họ mất đi chỗ ngủ qua đêm. Có những người chưa hẳn đã là người vô gia cư thường trú lại trong những quán cà phê cà phê 24 giờ cũng chịu chung số phận vì giới hạn của chính phủ với thời gian mở cửa hoạt động. Điều này khiến cho xã hội lại càng có thêm nhiều người vô gia cư hơn nữa.

Giữa làn sóng Covid-19 khiến kinh tế suy thoái, một tai nạn thương tâm đã xảy ra ở trạm chờ xe buýt (Xem lại vụ án tại ĐÂY)  Quả là thời đại địa ngục của những người vô gia cư, họ sẽ ra sao nếu xã hội Nhật cứ mãi tiếp diễn như hiện tại?

Nhiều nhóm tình nguyện đã nhìn thấy được tình cảnh khó khăn của những người vô gia cư và vươn tay giúp đỡ. Họ tâm niệm rằng:

“Người vô gia cư cũng là con người, họ có quyền sống cũng như quyền được hoà nhập với xã hội”.

Ví dụ ở Tokyo có một nơi gọi là Sanya. Đó là một khu phố ổ chuột gần Asakusa, một nơi tập trung nhiều người vô gia cư và người sắp vô gia cư lui đến từ xa xưa. Những người lao động chân tay cũng tập trung ở đó và ngủ lại trong nhà trọ giá rẻ. Nhà tôi cách đó chỉ 20 phút đi xe đạp nhưng hồi còn nhỏ tôi thường được bảo là:”Tuyệt đối không được đến gần khu đó”.

Trước những định kiến như thế, ở Nhật vẫn tồn tại những tấm lòng hảo tâm. Định kỳ, nhiều nhóm tình nguyện đã đến Sanya và nấu cơm từ thiện phân phát cho những người sống ở đây. Ngoài ra còn có quần áo, đồ dùng hằng ngày… họ thường đi nhiều vòng vào ban đêm để kiểm tra xem có người vô gia cư nào bị sót lại không.

 

Ngoài ra còn có các bác sĩ tình nguyện khám bệnh miễn phí, họ cung cấp lời khuyên về phúc lợi và hỗ trợ tái hoà nhập cho những người này. Hoạt động đó lặp lại ở nhiều khu vực của Tokyo.

Trong số đó, bán báo cũng là một trong những hoạt động đưa người vô gia cư tái hoà nhập cộng đồng. Tờ tạp chí tên là Big Issue, mỗi tờ có giá 450 yên (hơn 90.000 đồng). Mỗi tờ bán được, họ sẽ nhận về 230 yên. Thế nhưng trong thời đại kỹ thuật số, nhiều thanh niên chỉ dùng điện thoại để xem tin tức vì thế văn hoá mua tạp chí trên đường cũng dần ít đi.

Thế nhưng rõ ràng, dự án này đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi có 205 người vô gia cư đã tìm được việc mới sau khi trải qua việc bán báo. Hiện tại có khoảng 106 người vẫn đang làm việc theo hình thức này. Đến nay đã là năm thứ 17 kể từ khi cuốn tạp chí đầu tiên ra mắt, tổng cộng có khoảng 8,92 triệu cuốn tương đương với thu nhập 1.370.200.000 yên đã được trao đến tay của những người vô gia cư.

Họ bắt đầu cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn qua những cuộc đối thoại với người mua, hơn thế nữa thứ họ tìm thấy là động lực sống để hướng về tương lai. Tất cả mọi người, phàm là con người thì đều có thể mắc sai lầm và bị dồn vào chân tường. Nếu chỉ biết đứng trên thất bại đó và hậm hực mãi thì mọi chuyện có tốt hơn chăng?

 

Việc làm của những tình nguyện viên cũng như công việc bán báo, không chỉ là giúp họ vượt qua cơn đói, cơn rét hằng ngày mà còn mang ý nghĩa giúp họ vực dậy từ đau thương và làm lại từ đầu. Hy vọng rằng với những nỗ lực nói trên, người vô gia cư ở Nhật sẽ sớm tìm lại nụ cười và khoẻ khoắn quay lại cuộc sống.

Thời gian gần đây, Nhật Bản đã đón nhận rất nhiều tin tức tiêu cực, thế nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại những điều nhỏ bé ấm áp như vậy.

Kengo Abe
Xem thêm: