Tại sao số ca nhiễm ở Nhật giảm mạnh? Nguyên nhân có thể vì đặc điểm đặc trưng này của người Nhật
Các biện pháp đối phó với COVID-19 ở Nhật được đánh giá là chậm, do đó mà tình trạng dịch bệnh chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Theo đó, phản ứng của Chính phủ thiếu dứt khoát, không thể ngăn được người đến từ các quốc gia bùng dịch vào Nhật, bên cạnh đó số người thực hiện xét nghiệm PCR thấp báo động.
Ở các quốc gia khác đều thực hiện Lock down (ai ở nhà người nấy, hạn chế di chuyển), Nhật Bản cũng có quy định này thế nhưng tàu điện vẫn hoạt động bình thường, các quán rượu tiếp tục kinh doanh.
Nhật Bản cũng chậm chạp trong triển khai phân phối Vắc xin, các nhà sản xuất khẩu trang bị quá tải, lúng túng trong xử lý khủng hoảng.
Giữa tình hình hoảng loạn đó, Chính phủ quyết định thực thi chiến dịch mang tên “GO TO TRAVEL” khiến cho số ca nhiễm lan rộng trên toàn quốc.
Dù ở góc độ nào, các đối sách của Chính phủ Nhật Bản với dịch COVID-19 là rất tồi tệ.
Về khía cạnh này, tình hình đến hiện tại không hề có bất cứ sự thay đổi nào. Nếu bạn hỏi “Chính phủ Nhật đã có những chính sách hiệu quả nào để kiềm chế sự lây lan?”, tôi cho rằng đa số người Nhật sẽ trả lời “Họ có làm được gì đâu”.
Thế nhưng vào ngày 24 tháng 11, số ca nhiễm trên toàn quốc chỉ còn 109 ca. Đặc biệt tại Tokyo, nơi mà thời kỳ đỉnh điểm có gần 6000 ca nhiễm, bây giờ chỉ còn 5 ca. Đây là số ca nhiễm thấp kỷ lục trong năm 2021. Trong khi tình hình COVID-19 ở nhiều quốc gia vẫn tiếp tục gia tăng thì tại Nhật, tình hình đang dần dịu xuống.
Các chuyên gia trên toàn quốc đã có những phân tích đánh giá tình hình COVID-19 về mọi khía cạnh để giải thích cho sự giảm mạnh này, ví dụ như việc người dân hoạt bát hơn trong những kỳ nghỉ kéo dài như nghỉ hè, lễ Obon, phản ứng với quá nhiều bản tin về khủng hoảng của ngành y tế, nhiều người hạn chế ra ngoài để bảo vệ bản thân, tỷ lệ ra đường ban đêm cũng giảm mạnh. Thế nhưng nếu chỉ nhìn vào tình hình thực tế tại Tokyo sẽ thấy hình ảnh hoàn toàn khác.
Nếu so với thời kỳ đỉnh cao của dịch bệnh ở thành phố này, hiện tại đường phố thậm chí còn náo nhiệt hơn, người trên tàu điện cũng rất đông đúc. Các quán nhậu, nhà hàng kinh doanh bình thường.
Đúng là số người được tiêm chủng tăng lên, thế nhưng nếu xét trên phần trăm số người được tiêm mũi thứ 2 cũng chỉ 76,4% trên tổng số. Đây là một tỷ lệ không lớn, chưa kể ở nhiều quốc gia khác, làn sóng lây lan đang bùng phát trở lại kể cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước này cao hơn.
Có một chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở chế độ ăn uống nhiều thực phẩm lên men có tác dụng tăng sức đề kháng.
Quả nhiên, những loại gia vị cơ bản như Shoyu hay Miso đều là thực phẩm lên men, thêm nữa món Natto (đậu tương lên men) cũng thường xuất hiện trên một bàn ăn tiêu chuẩn của người Nhật. Thế nhưng thói quen ăn uống của người Nhật trước giờ vẫn vậy, nếu trước đây COVID-19 đã bùng phát ở Nhật thì không lý nào do chế độ ăn uống mà đột nhiên số ca nhiễm giảm mạnh.
Vậy kết cục, tại sao tình hình COVID-19 ở Nhật lại giảm nhanh bất ngờ như vậy, đó vẫn là một bí ẩn.
Tuy nhiên nếu so sánh với các quốc gia khác, người Nhật Bản có một số đặc trưng như sau khi chống dịch, đó là tuyệt đối tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay và không tiếp xúc.
Trên tàu điện hay trên đường phố, không có ai là không đeo khẩu trang. Lúc vào quán ăn nhà hàng, người Nhật tuân thủ kỹ đo nhiệt độ, khử độc bằng cồn. Ở các quán cà phê, giữa các bàn có đặt miếng nhựa Mika, cho dù có là giữa những người đi cùng nhau, khi nói chuyện cũng sẽ được ngăn vách để ngăn giọt bắn. Lúc xem tin tức ở nước ngoài, tôi đã nghĩ rằng chỉ có ở người Nhật mới thực hiện một cách triệt để như vậy thôi.
Dù trong khoảng thời gian đầu của mùa COVID-19, có rất nhiều người xem thường bệnh và không tuân theo các biện pháp phòng tránh lây lan. Thế nhưng khi số ca lây nhiễm lan rộng và tình hình trở nên trầm trọng hơn, người dân đã bắt đầu nhận thức được tình hình và nghiêm túc, triệt để trong việc bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Tôi nghĩ rằng ở khoản này có điểm khác biệt giữa người Nhật và người nước ngoài.
Như các bạn cũng biết vào mùa Xuân ở Nhật, rất nhiều người bị dị ứng phấn hoa. Phấn hoa của các cây Tùng, cây Bách Nhật bay trong không khí, nếu người hít phải sẽ bị chảy mũi, hắt hơi, bay vào mắt sẽ gây ngứa, khó chịu. Để tránh điều này, người Nhật thường xuyên đeo khẩu trang và cũng quen với việc đeo khẩu trang thường xuyên.
Thêm nữa, việc rửa tay súc miệng đã thấm nhuần trong tư tưởng từ thuở còn bé, giống như một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, chẳng có ai cảm thấy gượng ép khi phải làm như vậy thường xuyên cả.
Đó là chưa kể do dịch bệnh mà họ còn kỹ hơn cả thường ngày.
Nói vậy không có nghĩa là số ca nhiễm ở Nhật chắn chắn sẽ không tái bùng phát.
Thế nhưng chỉ riêng tại điểm này, dù Chính phủ liên tiếp đưa ra các đối sách sai lầm, tình hình lây nhiễm dịch đã dịu xuống, đó là một tin tức khả quan.
Dù sao thì cá nhân tôi cũng mong rằng COVID-19 nhanh chóng kết thúc. Các bạn hãy chú ý đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Nếu mỗi người trong chúng ta đều bảo vệ những nguyên tắc này, tôi tin rằng thế giới của chúng ta sẽ phục hồi như trước dịch bệnh.
Kengo Abe