So với thời Edo, phải chăng tốc độ xử lý của những người đứng đầu nhà nước đang yếu dần?
Dịch bệnh COVID-19 đã lây lan trên toàn thế giới, trở thành dịch bệnh toàn cầu.
Kinh tế đình trệ, người người mất việc, cuộc sống khốn cùng, COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ.
Để khắc phục tình trạng tồi tệ này, Chính phủ mỗi nước phải tung ra các gói hỗ trợ. Ví dụ ở Canada, Chính phủ trợ cấp 150,000 Yên (khoảng gần 30 triệu VNĐ) trong tối đa 4 tháng. Ở Costa Rica, mỗi người thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng khoảng 23,000 Yên (khoảng hơn 4.5 triệu VNĐ).
Ở Nhật vào năm 2020, mỗi người dân không phân biệt đối tượng đều sẽ được nhận 100,000 Yên (gần 20 triệu VNĐ).
Tôi nghĩ rằng để có thể hỗ trợ như vậy cần phải hình thành sự tin tưởng giữa các quốc gia cũng như có hệ thống chính quyền vững chắc. Thế nhưng có một thông tin bất ngờ rằng việc trợ cấp này không chỉ giới hạn ở thời hiện đại.
Thời xưa, các Samurai cũng được nhận tiền trợ cấp.
Năm 1802, vi rút cúm gây nên đại dịch ở Nhật Bản. Đây là giai đoạn giữa thời kỳ Edo, đàn ông Nhật để kiểu đầu Chomange, Samurai cầm theo Katana đi lại khắp nơi trên đường phố.
Bệnh cúm bắt đầu ở Nagasaki, nơi cho phép tàu nước ngoài cập cảng, sau đó lan rộng ra toàn quốc. Đặc biệt ở Thành Edo (ngày nay là Tokyo), số ca lây nhiễm tăng rất nhanh, toàn bộ khu vực thành thị rơi vào tình trạng tê liệt.
Trong tình hình này, Mạc phủ (chính quyền lúc bây giờ) quyết định phân phối gói trợ cấp. Trong vòng 12 ngày, tiền trợ cấp được đưa đến tay cho khoảng 280,000 người. Trong thời đại không có Internet cũng như chưa có dịch vụ chuyển khoản ngân hàng, tôi cho rằng đây là một tốc độ rất đáng nể.
Đối với những người vẫn còn độc thân sẽ được nhận 300 mon, quy ra tỷ giá tiền hiện nay tương đương 7000 Yên (khoảng gần 1,4 triệu VNĐ). Trường hợp gia đình từ 2 người trở lên, mỗi người được trợ cấp 250 mon.
Điểm đặc trưng của gói hỗ trợ này là không phân biệt người đó đã bị lây nhiễm bệnh chưa, mọi người dân đều được nhận. Bởi lẽ Mạc phủ muốn nhanh chóng hỗ trợ người dân, nếu phân biệt người bị nhiễm bệnh, thời gian phân phát gói hỗ trợ sẽ bị trì hoãn. Để làm được điều đó, Mạc phủ liên kết với chính quyền tự trị ở mỗi địa phương để kiểm tra danh sách người dân, sau đó tiến hành phân phát. Làm như vậy sẽ cải thiện tốc độ rất nhiều.
Thời kỳ giữa Edo là một giai đoạn hoà bình kéo dài trong lịch sử nước Nhật. Cũng bởi vì vậy mà thái độ người dân với Chính quyền hiện tại rất phức tạp. Trong chiến tranh, mọi người cần đồng lòng với nhau để chống lại kẻ thù chung, thế nhưng vào thời bình, những vấn đề có tính định kỳ như động đất, hoả hoạn, mất mùa, lây nhiễm dịch bệnh,…dễ khiến người dân ôm mối hiềm khích với Mạc phủ.
Do đó mà Mạc phủ cần hỗ trợ nhanh chóng tức thời trong những tình huống như vậy. Đó là yếu tố rất quan trọng để có được lòng dân.
So với Chính quyền Mạc phủ, sự chậm chạp của Chính phủ hiện tại khi đối mặt với một dịch bệnh phức tạp có tính toàn cầu như COVID-19 là vô cùng tồi tệ.
Dù là vậy, không hiểu vì phép màu nào mà tình hình dịch bệnh ở Nhật đang dịu xuống. Đây đương nhiên là tin tốt, nhưng với Chính phủ Nhật Bản, tôi e rằng họ sẽ không thể cải thiện bất kỳ điều gì trong tương lai.
Vẫn hy vọng những người đứng đầu nhà nước sẽ học theo tấm gương của người xưa để nâng cao tốc độ và năng lực xử lý khủng hoảng.
Kengo Abe