Giới thiệu vợ chồng Kaneko – Những người tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Nhật Bản
Trong hơn 40 năm, ông Yoshinori và bà Tomoko đã là những nhà dẫn đầu trong các phong trào nông nghiệp hữu cơ ở Nhật Bản. Họ được tôn trọng vì tính cách chính trực, sự hy sinh và cống hiến cho sự phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ.
Vào thời điểm đó, Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách giảm diện tích canh tác. Ông Yoshinori khi ấy cho rằng điều này làm nhiều nông dân nản lòng, ông nghĩ nếu có thể sản xuất được thực phẩm sạch, an toàn, nhiều người sẽ ủng hộ và vực dậy được nền nông nghiệp. Do đó mà ông bắt đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ông Yoshinori Kaneko nhận ra rằng xã hội Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, ông tin vấn đề sẽ được giải quyết nếu nông dân địa phương có thể sản xuất các sản phẩm hữu cơ vừa ngon vừa an toàn.
Trang trại hữu cơ của vợ chồng Kaneko trở thành điểm khởi đầu của quá trình “hữu cơ hoá” ngôi làng họ sống, lần đầu tiên ở Nhật Bản, được gọi là ”Mô hình Shimosato” về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Làng trở thành cơ sở để các chính quyền và cộng đồng địa phương khác chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ.
Với niềm tin ”Những điều cơ bản của canh tác hữu cơ nằm trong đất”, ông Yoshinori bắt đầu xây dựng một hệ thống tuần hoàn bao gồm ăn các sản phẩm thu hoạch trên đồng, lấy bã rau để nuôi gia súc, phân gia súc và lá rụng, cũng như rơm rạ được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân chuồng, sử dụng phân chuồng làm phân bón để trồng trọt hoặc chăn nuôi.
Năm 2015, trang trại hữu cơ của họ đã được Bộ nông nghiệp Nhật Bản chỉ định là trung tâm đào tạo về nông nghiệp hữu cơ. Hơn 400 học viên từ khắp nơi trên thế giới đã được đào tạo tại đó. Điều này đã cho phép nhiều người bắt đầu trang trại hữu cơ của riêng họ trong cộng đồng họ đang sống.
Ông bà Kaneko cũng bắt đầu một hệ thống “Teikei” (quan hệ đối tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng) độc đáo được gọi là “orei-sei”. Vì từ “Orei” có nghĩa là ”lòng biết ơn”, người tiêu dùng được phép bày tỏ lòng biết ơn một cách tự do, không nhất thiết chỉ bằng tiền.
Dựa trên cách thức độc đáo của hệ thống “Orei-sei”, ông bà Kaneko đã thiết lập mối quan hệ bền vững với các hộ gia đình tiêu dùng trong hơn 40 năm. Việc trả tiền cho thực phẩm (rau theo mùa, gạo, sữa và trứng) do người tiêu dùng quyết định vì ông bà Kaneko không tin rằng thực phẩm là ”hàng hoá” mà là ”quà tặng”.
Thuý Vân