Nếu “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”, thì người Nhật “mang ơn 400 năm cũng không quên”

Trong tiếng Nhật có một câu như thế này:

 

“犬は三日も飼えばその恩義を忘れない”

Tạm dịch: Con chó dù chỉ được nuôi 3 ngày cũng sẽ mang ơn.

Câu này có nghĩa là nếu một chú chó hoang được một gia đình mang về chăm sóc, dù chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi, nó cũng sẽ ghi nhớ ơn huệ này và tìm cách để trả ơn.

Vậy còn con người chúng ta, giống loài được đánh giá cao hơn loài chó thì như thế nào nhỉ? Trên thế gian này có nhiều kẻ vô ơn, thậm chí còn thua cả con chó.

Tuy nhiên trong vô vàn chuyện bạc bẽo của loài người cũng có những câu chuyện đẹp. Đây là câu chuyện về một Samurai đã đứng lên chống lại luật pháp, không màng cả mạng sống vì người dân, và những người dân đó đã mang ơn vị Samurai này đến hằng trăm năm về sau.

Nhân vật chính lần này có tên là Isshiki Jirou Terusue, một Samurai sống vào nửa cuối thời Chiến quốc đến đầu thời Edo.

Ảnh https://mag.japaaan.com/archives/163349#google_vignette

Ngài là con trai thứ 3 của gia tộc Isshiki, gia tộc sở hữu vùng đất mà ngày nay là thành phố Satte, thuộc Saitama.

Trong tên của Samurai có từ Jirou thông thường được đặt cho tên của người con thứ hai (次 – Ji có nghĩa là thứ). Nhưng vì ông là con thứ 3 nên nhiều ý kiến cho rằng huynh của Isshiki Jirou Terusue là con ngoài giá thú.

Bên cạnh đó gia tộc Isshiki không có tiếng tăm lừng lẫy, cũng không để lại dấu tích gì đặc biệt trong lịch sử nước nhà.

Vào thời Chiến quốc, khi mà các Samurai ở mỗi vùng chiến đấu với nhau để giành vị trí số 1 Nhật Bản, phụ thân của Terusue đã lựa chọn sai lầm và đứng về phe bại trận. Mặc dù phụ thân và hoàng huynh đã đầu hàng Ieyasu Tokugawa, vị Samurai đã dẹp loạn thời Chiến quốc và lập nên thời Edo, thế nhưng Terusue không chấp nhận đầu hàng và lui về ẩn náu ở nơi mà hiện tại là Ibaraki.

Từ dạo đó đã 30 năm trôi qua, đến năm 1620. Năm đó sông Tone dâng cao, vùng đất nơi ông đang ở bị ngập lụt nặng, cuộc sống người dân đói kém kéo dài nhưng vẫn phải đóng thuế bằng gạo. Chính Terusue đã cướp lại gạo cho dân để cứu dân chúng khỏi cảnh chết đói.

 

Nhờ được phân phát số gạo này mà cuộc sống của người dân ở đây được kéo dài.

Thế nhưng dù cứu được bao nhiêu người đi chăng nữa, đây vẫn là trọng tội. Terusue bị bắt giữ và bị xử tử vào năm 1621, thi thể ông bị thả trôi trên sông Tone.

Thời đó có luật nếu thương tiếc phạm nhân bị xử tội chết, người đó cũng sẽ bị xử tử. Thế nhưng những người dân đã được Terusue cứu sống, với tâm niệm rằng “Nếu vứt bỏ ngài Isshiki tại nơi này, chúng ta thậm chí còn thua cả chó”, đã vớt thi thể ông lên và bí mật đem đi mai táng.

Nhiều năm trôi qua, đến năm 1701, nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của Terusue, người dân dựng nên một bia mộ khắc câu niệm Phật “Namu Amida Butsu” (Nam mô a di đà Phật).

Lý do không thể khắc tên của vị Samurai là vì lúc đó vẫn là thời Edo của Mạc phủ Tokugawa, người dân vẫn sợ bị trừng phạt.

Ngay khi thời kỳ thống trị của Tokugawa chấm dứt, dân chúng đã lập nên Đền Isshiki. Hằng năm tại Đền này lại diễn ra nghi thức tế lễ dâng lên Terusue.

Vào năm 1921, khoảng 300 năm sau cái chết của Terusue cho đến tận ngày nay (21/11/2021) là 400 năm, nghi lễ này vẫn được tiếp diễn.

Trong thời đại mà mối quan hệ giữa người với người bạc bẽo, mờ nhạt như mây khói, việc tồn tại một nghi lễ xuất phát từ sự mang ơn suốt 400 năm, vượt qua những cấm đoán, những bất công đã cho thấy vẻ đẹp của tình người ấm áp.

Mặc dù không thể giúp đỡ người khác đến mức không màng mạng sống của mình như Terusue, tôi vẫn hy vọng có thể cùng nhau xây dựng nên mối quan hệ vững chắc bằng cách cố gắng giúp đỡ những người gặp khó khăn trong phạm vi cho phép.

Kengo Abe
Xem thêm: