Thịt “Anh Đào” là thịt gì? Tại sao nhiều loại thịt ở Nhật lại được gọi bằng tên thực vật?

Sakura (Anh Đào), Botan (Mẫu đơn), Kashiwa (Cây sồi), Momịji (Lá đỏ mùa Thu) liên quan gì đến THỊT?

Nhắc đến thịt tiêu thụ ở Nhật Bản không thể bỏ qua thương hiệu thịt bò Wagyu nổi tiếng thế giới. Bên cạnh quy trình quản lý chất lượng cầu kỳ đến dị thường, người Nhật còn đưa nghệ thuật trang trí thịt sống lên một đỉnh cao mới.

Vân mỡ thẩm thấu trên miếng thịt đem lại mỹ quan hoàn hảo, chỉ cần nhìn cũng có thể cảm nhận được thịt mềm tan chảy trong khuôn miệng.

Bên cạnh Wagyu, người Nhật cũng ăn nhiều loại thịt khác nhau. Ngoài các loại phổ biến như thịt bò, thịt heo, thịt gà, họ còn ăn thịt ngựa, lợn rừng, hươu, gấu,…Địa hình Nhật Bản nhiều đồi núi do đó thường xuyên xảy ra tình trạng động vật hoang dã tấn công con người và phá hoại nông sản. Việc ăn động vật hoang dã cũng một phần vì mục đích loại trừ các loài thú hoang gây hại.

Ban đầu Nhật Bản không có văn hoá ăn thịt, nhưng dần dần tư tưởng này đã thay đổi. Trong sự biến đổi này, họ ví von các loại thịt với một số loài thực vật, bạn có thể cảm nhận rõ ràng sự khác biệt trong phong tục từ trước đến nay thông qua tiếng Nhật.

Ví dụ

馬肉 (Baniku – thịt ngựa) –> 桜 (Sakura – hoa Anh Đào)

イノシシ (Inoshishi – lợn rừng) –> 牡丹 (Botan – hoa Mẫu Đơn)

鳥肉 (Toriniku – thịt chim) –> 柏 (Kashiwa – Cây sồi)

鹿肉 (Shikaniku) –> Thịt hươu –> 紅葉 (Momiji – Lá đỏ mùa Thu).

Tại sao lại có sự ví von này, trước kia người Nhật cho rằng ăn thịt là không tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không ăn. Một số người ăn trong bí mật, nên đã sử dụng tên của các loài thực vật như một dạng “ẩn ngữ” để ám chỉ tên những loại thịt khác nhau.

Ngoại trừ những thời điểm đặc biệt như đói kém, trước kia người Nhật kiêng kỵ ăn thịt thú rừng. Tuy nhiên vào thời kỳ hoà bình kéo dài của Edo, mọi thứ dần thay đổi. Ngoài mặt người dân Edo vẫn cho rằng ăn thịt thú rừng là không nên, nhưng vì thịt ngon nên họ thay đổi cách nói, bảo rằng đó là thuốc quý và bắt đầu ăn.

Đây là lúc những “ẩn ngữ” ở trên được sử dụng.

Không riêng gì tên các loại thực vật. Dưới đây là một ví dụ khác.

Ảnh http://www.worldfolksong.com/calendar/japan/meat-another-name.html

Trên tấm biển trong tranh viết là 山くじら.

くじら – Kujira (鯨) có nghĩa là Cá voi. 山 Yama là núi, Cá voi trên núi ý chỉ thịt lợn rừng.

Thế sao không viết thẳng là thịt lợn rừng cho rồi !!! Như đã giải thích ở trên, vì kiêng kỵ mà họ phải dùng đến cách viết “ẩn ngữ” như vậy. Đến đây nhiều bạn sẽ nghĩ là người Nhật cũng thật “khôn lỏi” nhỉ !!!

Bây giờ hãy cùng xem qua một số ví dụ nhé !

Thịt Sakura?

Thịt Sakura chính là thịt ngựa.

Ngựa là động vật có giá trị cao vào thời xưa, được dùng làm phương tiện di chuyển. Thêm nữa vào thời Chiến quốc, vì các binh sĩ cưỡi ngựa chiến đấu nên số lượng ngựa là yếu tố quan trọng để đánh giá sức mạnh quân sự. Thế nhưng khi ngựa bị gãy chân, chúng sẽ không thể phục hồi và mất đi giá trị. Lúc đó con ngựa chỉ có một số phận là bị ăn thịt.

Lúc cắt thịt ngựa, phần thịt đỏ ở mặt phẳng cắt sẽ có một chút màu Anh Đào nên được gọi là thịt Anh Đào. Thịt Anh Đào (thịt ngựa) nấu thành Lẩu được gọi là Lẩu Anh Đào (lẩu thịt ngựa). Cách gọi này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Thịt Momiji?

Chắc nhiều bạn đã nghe về những chú hươu Nara đáng yêu biết cúi chào khách du lịch nhỉ. Hươu thì đáng yêu đấy nhưng chúng cũng được liệt vào loại động vật phá hoại, gây thiệt hại cho nông sản. Thịt Momiji ở đây chính là thịt hươu. Momiji chỉ những tán cây lá đỏ, cảnh sắc nổi bật tuyệt đẹp của mùa Thu Nhật Bản. Nhưng tại sao hai thứ này lại có liên quan đến nhau?

Nguồn gốc của cách gọi này là từ trò chơi truyền thống Nhật Bản có tên 花札 Hanafuda.

Hoạ tiết trên lá bài Hanafuda phù hợp với cảnh sắc các tháng từ tháng 1 cho đến tháng 12. Lá bài ở trên thể hiện khung cảnh tháng 10 là con Hươu và lá đỏ. Do đó khi nghĩ về con Hươu người ta cũng liên tưởng đến những tán lá đỏ mùa Thu. Tương tự, lẩu thịt hươu cũng được gọi là lẩu Momiji.

Nhân đây tôi cũng xin giải thích một chút về lá bài Hanafuda ở trên. Trong tranh con Hươu không nhìn chính diện mà ngó đi chỗ khác nhỉ, hay nói cách khác là người xem bị con Hươu “bơ”, không thèm ngó ngàng, quan tâm đến. Hươu trong tiếng Nhật là shika, tranh này thể hiện tháng 10 (to), ghép lại ta có từ しかと shikato có nghĩa “bơ”, không thèm đếm xỉa đến người khác. Đáng yêu nhỉ !!!

Ngày nay người Nhật vẫn thường nói “シカトするなよ!” (shikato suruna yo !!!) – Đừng có “bơ” tui chứ !!!. Nguyên nghĩa cũng xuất phát từ lá bài này.

Thịt Mẫu đơn (Botan) – Cá voi trên núi???

Như đã giải thích ở trên, Cá voi trên núi là thịt lợn rừng.

Còn tại sao lại có cách gọi khác là thịt Mẫu đơn, hãy cùng xem bức tranh bên dưới.

Tranh này có tên 唐獅子牡丹 (Karajishibotan). Đây là bức danh hoạ vẽ 獅子 (shishi) là tên một loài động vật giả tưởng giống con Sư tử và hoa Mẫu đơn (botan).

Shishi và Inoshishi (lợn rừng) tuy là hai loài động vật hoàn toàn khác nhau nhưng tên của chúng lại đọc na ná nhau. Từ Shishi liên tưởng đến Inoshishi rồi liên tưởng luôn đến Botan. Từ đó mà thịt Inoshishi (lợn rừng) thành thịt Mẫu đơn (botan) lúc nào không hay.

Lẩu thịt lợn rừng cũng được gọi bằng cái tên mỹ miều là Lẩu Mẫu đơn.

Thêm nữa về cách gọi “Cá voi trên núi”, vì thịt cá Voi cũng có vị giống thịt lợn rừng nên thời đó người ta cũng ăn cả cá Voi nữa.

Ngoài các ví dụ trên còn có thịt Thỏ Usagi được gọi bằng cái tên “Nguyệt dạ” (Getsuyo – đêm trăng sáng). Người bình thường không kiêng kỵ gì việc ăn thịt Thỏ nhưng tăng lữ lại bị cấm. Các vị tăng lữ này khi thèm thịt Thỏ đến mức chịu không nổi nữa sẽ dùng đến từ lóng ở trên.

Về cách liên tưởng chắc nhiều bạn cũng đã đoán ra. Trên mặt trăng có các hoạ tiết mà ở mỗi quốc gia sẽ liên tưởng đến những hình ảnh khác nhau. Nếu người Việt tưởng tượng ra chú Cuội ngồi gốc cây Đa thì ở Nhật là hình ảnh chú Thỏ đang giã Mochi. Đó là lý do Thỏ gợi liên tưởng đến đêm trăng sáng.

Ngược lại với những loại thịt không bị kiêng kỵ như thịt vịt hay thịt gà chọi, người Nhật không dùng “ẩn ngữ” trên biển quảng cáo mà viết thẳng là “Lẩu vịt”, “Lẩu gà”,…

Riêng với con bò, vì là động vật có giá trị hỗ trợ trong nông nghiệp nên ngày xưa người Nhật cũng không ăn thịt bò. Tuy nhiên kể từ khi văn hoá ăn thịt du nhập từ phương Tây vào Nhật, người Nhật cũng bắt đầu ăn thịt bò, không có suy nghĩ kiêng kỵ gì cả nên không có “ẩn ngữ” dành để chỉ thịt bò.

Kết lại mỗi quốc gia đều có văn hoá ẩm thực riêng, văn hoá ẩm thực này gắn liền với chiều hướng phát triển của quốc gia. Những con vật linh thiêng ở quốc gia này có thể là thức ăn ở quốc gia khác do đó ý kiến phủ nhận theo tôi là rất khó để tránh. Thế nhưng bằng sự hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt, chúng ta sẽ có thể chấp nhận một số thực tế như nó vốn có.

Kengo Abe
Xem thêm: