Mô hình siêu thị “bán hàng theo cân” không rác thải, không lãng phí thực phẩm đầu tiên tại Nhật Bản
Bắt đầu với tư cách là nhà kinh doanh sỉ rượu nhập khẩu và các sản phẩm organic từ năm 2005, vào ngày 31 tháng 7 năm 2021, cửa hàng chính của Totoya Kyoto mở siêu thị Zero Waste ở phía Đông của Cung điện hoàng gia Kyoto.
Cửa hàng này xử lý khoảng 700 mặt hàng thực phẩm tươi sống, hữu cơ cũng như các nhu yếu phẩm hằng ngày như dầu gội đầu, chất tẩy rửa để bán cho khách hàng muốn mua theo trọng lượng. Họ không đóng gói đơn lẻ từng sản phẩm, thêm nữa ở đây cũng không cung cấp đồ đựng hay túi giấy dùng một lần dù có phí hay miễn phí.
Các món ăn nấu sẵn bán trong ngày ở siêu thị nếu vẫn còn sót lại sẽ được dùng làm món phụ tại cửa hàng ban đêm để dùng cho hết. Nếu vẫn còn dư, thức ăn sẽ được đóng chân không để có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong vòng từ 1 đến 2 năm.
Atsuko Umeda, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Totoya cho biết mô hình này hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn lãng phí thực phẩm trong kinh doanh bán lẻ. Vấn đề vứt bỏ các thực phẩm tươi sống như rau, thịt, cá,…dẫn tới lượng lớn thực phẩm bị lãng phí. Mô hình của Totoya, ban ngày là siêu thị, ban đêm trở thành nhà hàng sẽ giúp đảm bảo các nguyên liệu tươi sống ở trong tình trạng tươi ngon, ngay trước khi xảy ra lãng phí, chúng đã biến thành món ăn ngon để phục vụ khách hàng.
Về việc đóng gói chân không có thể bảo quản từ 1 đến 2 năm:
Từ trước đến giờ, các gia đình Nhật chủ yếu dùng phương pháp đông lạnh để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Ở Đức và Pháp, từ rất lâu các hộ gia đình đã có thể bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng sử dụng phương pháp đun sôi tiệt trùng rồi đóng chân không trong các bình thuỷ tinh. Thời gian đun sôi tiệt trùng khác nhau tuỳ vào nguyên liệu (ví dụ thịt là 30 phút, rau là 15 phút). Zero Waste ứng dụng hiệu quả phương pháp này để có thể giảm lượng thực phẩm bị phung phí bằng 0.
Liệu phương pháp bán theo cân có bị ảnh hưởng do tiêu chuẩn vệ sinh nâng cao trong mùa COVID-19 không:
Kể cả ở các siêu thị thông thường có đóng gói từng sản phẩm thì việc nhiều khách hàng chạm vào cùng một sản phẩm là điều đương nhiên. Các sản phẩm tại Zero Waste dù không được đóng gói, nhưng có quy định vị trí chạm vào. Nắp hay cần gạt của sản phẩm đều được nhân viên khử trùng giữ sạch sẽ một cách triệt để nên không có gì đáng lo.
Ngay đến việc tính tiền cũng đảm bảo không tiếp xúc với nhân viên, dù khách hàng thanh toán bằng tiền mặt hay qua thẻ, apps. Siêu thị quản lý doanh số bán hàng và tổng lợi nhuận trong thời gian thực bằng điện toán đám mây.
Hệ thống tự động trừ trọng lượng hộp đựng và chỉ tính trọng lượng sản phẩm.
Vượt qua những phiền phức để hướng tới niềm vui mua sắm
Khi nghe nói đến “bán theo cân”, biết là tốt cho môi trường nhưng một số khách hàng không tránh khỏi cảm thấy phiền phức. Zero Waste đang suy nghĩ đến các phương pháp triệt để, để biến những “phiền toái” này thành niềm vui.
Tại cửa hàng còn có một chiếc máy xay hạt thành bơ. Khách có thể chọn một lượng hạt tuỳ thích để trải nghiệm. Đây là một trong những “niềm vui” của việc mua sắm đã được đề cập ở trên.
Vì mục đích tuyệt đối không dùng đến đồ đựng không thể tái chế, với những khách hàng không mang theo đồ đựng riêng, khách có thể mượn (có đặt cọc) hoặc mua đồ đựng tái chế ở cửa hàng bao gồm chai lọ, vật đựng inox, túi cotton,…
Xe đẩy tại siêu thị cũng được tối ưu hoá phù hợp với mô hình bán theo cân.
Thông tin: Zero Waste Market
252 Demizucho, Kawaramachi-dori Marutamachi, Kamigyo-ku, Thành phố Kyoto, tầng 1 của Tòa nhà văn phòng Osawa
Giờ làm việc: Siêu thị: 10:00 – 19: 00, Nhà hàng: 18:00 – 23: 00 (yêu cầu đặt trước).
Từ ngày 23 tháng 8 hoạt động đến 20:00 theo thông báo của Chính phủ.
Các mạng xã hội:
Sacchan